(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít (tỉnh Bình Định) được dư luận quan tâm nhiều ngày qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đã chỉ đạo tạm dừng các công việc xây dựng, trùng tu liên quan đến các sân trên các tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia thuộc di tích Tháp Bánh Ít.
Ngày 11/3, liên Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định cùng Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã phát hành Thông tin báo chí bằng văn bản số 282/TTBC-LS do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định ông Tạ Xuân Chánh ký, thông tin về việc một số phản ánh của báo chí, thông tin mạng xung quanh việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít.
Thông tin báo chí nêu rõ, ngày 10/3, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định đã thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng tỉnh Bình Định để kiểm tra thực tế tại hiện trường, xem xét toàn bộ các biện pháp thi công và giải pháp xử lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích…
Sau khi kiểm tra, rà soát tại hiện trường; căn cứ vào chủ trương, thiết kế và thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, liên Sở Văn hóa, Thể thao cùng Sở Xây dựng khẳng định dự án đang được thực hiện “là dự án nhằm tu bổ, tôn tạo và phát huy giá tị di tích, với mục đích chỉnh trang môi tường cảnh quan, cơ sở hạ tầng để đáp ứng mỹ quan và góp phần phục vụ có hiệu quả nhu cầu của khách tham quan di sản văn hóa tỉnh Bình Định. Nội dung dự án gồm:
Đối với các di tích gốc (tháp Chính, tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia): Giữ nguyên trạng thực hiện bảo quản theo nghiệp vụ khoa học chuyên ngành”.
Dự án chỉ thực hiện thi công xây dựng một số hạng mục như: Hoàn thiện đường nội bộ (phía Tây Nam) bằng bê tông, lát đá sa thạch khò nhám dài liên tục qua đoạn cổng chính; Nhà thường trực – vệ sinh cũ nằm ở phía Đông Nam; Xây dựng khu chức năng (bao gồm khu dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh trong cùng 1 công trình) thành một khối nằm ở phía Đông Nam; Xây dựng hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe; di dời bia di tích hiện trạng gần Tháp chính xuống khu vực khối nhà chức năng…Hệ thống điện chiếu sáng và trang trí trong khu vực chính.
“Các hạng mục dự án nêu trên không phải là dự án tu bổ, trùng tu tháp (di tích gốc)” – văn bản thông tin báo chí nêu.
Riêng về tình hình thi công hiện nay, văn bản trên khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thi công dự án này thực hiện đầy đủ quy định pháp luật: từ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, có chủ trương đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua các nội dung của dự án, UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Các bước tiếp theo, Sở Văn hóa và Thể thao lập dự án đầu tư có thiết kế cơ sở trên cơ sở quy hoạch, chủ đầu tư đã lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến thỏa thuận Cục Di sản văn hóa. Thiết kế bản vẽ thi công tuân thủ thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng thẩm định. Hiện nay, thực tế thi công tất cả các hạng mục đang triển khai đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt đã được Cục Di sản Văn hóa có văn bản thỏa thuận.
Về một số nội dung báo chí phản ánh, chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục, sửa chữa hoặc thay đổi, như: Đã cho dừng thi công bằng máy đào và đưa máy đào ra khỏi vị trí thi công; Đắp đất mới, tạo mặt bằng lát đá ong ở chân tháp Cổng; Trình UBND tỉnh Bình Định cho phép không xây bồn hoa quanh chân tháp, chỉ lát đá ong sân tháp đến cách chân tháp khoảng 0,5m để trồng cỏ; Tháo dỡ tấm đan bê tông trên sân tháp chính…
Trong chiều 10/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đã có ý kiến chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Sở Văn hóa, Thể thao ỉnh Bình Định như sau:
“Yêu cầu các nhà thầu thi công bằng cơ giới ở khu vực các tháp vùng bảo vệ vòng 1 di tích tháp Bánh Ít (không san gạt, đào bới)… Tập trung triển khai thi công các hạng mục khu chức năng, đường lên tháp chính, bãi đậu xe”…; “Chỉ đạo các đơn vị thi công, trước mắt tạm dừng các công việc liên quan đến các sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia. Giao Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết liên quan đến việc xây dựng trên sân tháp; bỏ việc xây dựng bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình; lát nền xung quanh các tháp đảm bảo về quy mô (vật liệu, chiều dày), không làm ảnh hưởng đến giá trị của các tháp. Báo các các cấp thẩm quyền xem quyết định trước khi triển khai thực hiện xây dựng tiếp”.
- Tu bổ di tích Tháp Chăm gần nghìn năm tuổi bằng gạch đá và bê tông
- Khẩn trương tu bổ di tích Chùa Cầu, Hội An
Như tin TTXVN đã đưa, dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, được thực hiện từ tháng 9/2021 với tổng kinh phí khoảng 25,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 4/3/2022, công trình này đã bị phát hiện sử dụng phương pháp thi công sai phương án phế duyệt. Cụ thể, đơn vị thi công đã dùng máy đào để thi công trong khu vực vòng bảo vệ di tích; đồng thời, nhiều hạng mục thi công không phù hợp với giá trị của di tích ChămPa cổ hàng nghìn năm tuổi.
Ngày 8/3, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích; gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 11/3/2022.
Tháp Bánh Ít (còn gọi là Tháp Bạc), được xây dựng khoảng thế kỷ thứ X, là một trong những cụm tháp Chăm còn được lưu giữ khá tốt tại tỉnh Bình Định. Năm 2015, Tháp Bánh Ít là một trong những công trình được tôn vinh trong cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc cần phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giả người Anh.
Phạm Kha – Tường Quân/TTXVN
Tags