(Thethaovanhoa.vn) - Điều gì đã khiến cho người hâm mộ cực kỳ yêu quý U23 Việt Nam, vừa đoạt Cúp vàng ở Campuchia? Các em đá bóng hay. Đương nhiên, nhưng chưa đủ vì sòng phẳng, giải đấu này, các đội không đưa đến lực lượng mạnh nhất. Cho nên, phải nói chính tinh thần vượt khó của cầu thủ, sự sắc bén trong tham gia chỉ đạo, xử lý tình huống khó khăn của BHL, công tác “dân vận” tốt (vận động sự giúp đỡ của bà con Việt kiều)…, đã làm nên điều đặc biệt có một không hai của U23 Việt Nam tại giải đấu này.
Mọi người hãy nghe anh Đỗ Hoàng Việt, Việt kiều Campuchia, người trực tiếp vận chuyển hai chuyến đưa 8 cầu thủ sang tiếp viện kể, mới thấy hết những nỗ lực tuyệt vời.
Chuyến thứ nhất vừa đưa 4 cầu thủ sang đến nơi thì nghe tin 6 cầu thủ dương tính, thành ra chỉ đủ trám vào những vị trí khiếm khuyết. Chuyến thứ hai cũng mang sang 4 cầu thủ, lúc đó U23 Việt Nam chỉ còn đúng 10 cầu thủ khỏe mạnh.
Chỉ cần hơn một cầu thủ F0 coi như không đủ lực lượng để đăng ký, đồng nghĩa bị loại. May mà chỉ 1 ca dương tính, vừa đủ 13 cầu thủ đăng ký ra sân đá bán kết với Timor Leste.
Trong bối cảnh liên tiếp bị bào mòn hàng loạt trụ cột, để vào đến chung kết, thắng Thái Lan cả hai trận, thực sự là chiến tích. Cho nên, việc U23 được cả Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen ngợi, cùng cơn mưa tiền thưởng, là hoàn toàn xứng đáng.
Tin chắc rằng, chiếc Cúp vàng mà U23 Việt Nam giành được đã truyền cảm hứng rất mạnh mẽ đến không chỉ những ai đang dấn thân vào bóng đá. Bóng đá có sức lan tỏa ghê gớm, thành tích của các ĐTQG tác động không nhỏ đến cảm xúc của xã hội.
Hãy để ý, có thể thấy trận thắng đội tuyển Trung Quốc ngay mùng 1 Tết Nguyên đán, đội tuyển bóng đá nữ giành vé dự World Cup, nay là U23 Việt Nam vô địch, đã khiến bóng đá trở thành một tấm gương sáng để các lĩnh vực khác suy tư.
Rất nhiều lần bóng đá bước vào nghị trường, thành chủ đề thú vị, gợi mở cho các tư lệnh ngành khác tham chiếu. Tất nhiên, bóng đá gây phiền muộn cũng không ít lần, gần nhất là AFF Cup 2020.
Bóng đá Việt Nam dù đã xã hội hóa, doanh nghiệp hóa mạnh, nhưng vẫn chưa tách rời khỏi nhiệm vụ chính trị, càng không thể đi lệch sự quản lý của cơ quan Nhà nước. chính vì vậy, các địa phương không nên buông lỏng, đẩy hết số phận đội bóng cho doanh nghiệp để rồi khi bị bỏ rơi thì phủi tay. Dẫn đến phong trào bóng đá đỉnh cao của địa phương tê liệt, bất chấp người hâm mộ buồn tủi.
Cho đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ phát triển tích cực, ổn định, do đó những người có trách nhiệm cần chung tay để bảo vệ những thành quả. Đặc biệt, giải chuyên nghiệp năm thứ 22 cần được tổ chức, điều hành, hành xử một cách chính quy hơn.
Mới 2 vòng đấu những đã có đến 2 trận phải hủy do dịch bệnh, dẫn đến cấu trúc lịch thi đấu, tính chất giải bị ảnh hưởng rất lớn về sau. Cho dù lý giải con virus Covid-19 không có mắt, nhưng thử xem các đội, đặc biệt cầu thủ đã hết sức giữ gìn trong sinh hoạt để đảm bảo đủ cơ số ra sân, không ảnh hưởng đến giải đấu? Mỗi CLB đăng ký tối thiểu 35 cầu thủ cơ mà?
Trong bối cảnh đó, tấm gương U23 Việt Nam vượt qua khó khăn ở Campuchia vẫn cần được chiếu rọi. Xã hội đã trở lại trạng thái bình thường, đừng để dịch bệnh làm thiệt hại lớn đến giải chuyên nghiệp lẫn các đội tuyển quốc gia. Nỗi đau phải hủy giải năm 2021 vẫn còn gặm nhấm nhiều đội, khi đã bỏ ra quá nhiều tiền bạc, sức lực để rồi gần về đích thì giải tán trong khi chưa hẳn đã hết giải pháp.
Ngọc Trinh
Tags