Tác giả của cuốn sách nước ngoài có tên "Hoa cỏ nhân gian" (tạm dịch) có viết trong cuốn sách của mình rằng:
"Con người ấy à, làm gì thì cũng phải biết cách tìm cho mình niềm vui, tìm cách mà vui, đừng lúc nào cũng cau có mặt mày, cau có để làm cái gì!"
Đúng vậy, dù bạn vui hay không vui, khoảnh khắc đó rồi cũng đều sẽ qua đi, thay vì rầu rĩ, chi bằng mỉm cười đón nhận.
Rất nhiều khi, chúng ta buồn không phải vì một chuyện cụ thể nào đó, mà chỉ đơn giản là chưa đủ khôn ngoan nên mới để bản thân ngày càng lún sâu vào sự không vui đó.
01
Trong bộ phim có tên "Brad's Status", nam chính Brad luôn không hài lòng với bản thân.
Anh nằm trằn trọc trên giường, đầu óc hiện ra toàn là những thành tựu của bạn bè đồng trang lứa, càng so sánh càng thấy mình vô dụng.
Bạn học của anh, người là đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood, sống một cuộc sống xa hoa, trụy lạc; người mua được cả một hòn đảo nhỏ để nghỉ hưu; người sở hữu cả một quỹ đầu tư tư nhân, giàu nứt khố đổ vách; người làm việc ở Nhà Trắng, sở hữu những cuốn sách bán chạy nhất, suốt ngày lên TV….
Ngược lại bản thân mình, anh chỉ làm việc trong một tổ chức phi lợi nhuận trong nhiều năm và không thể mang lại cho gia đình mình một cuộc sống giàu có.
Brad không hiểu, rõ ràng hồi đi học, mình giỏi hơn các bạn, nhưng giờ đây, khi đã đi làm, mình lại tụt lại phía sau nhiều như vậy.
Ngày đưa con trai đến buổi phỏng vấn tuyển sinh đại học, Bradson ngồi trong sảnh chờ, liên tục tự vấn bản thân: Cứ như thế này mãi thì làm sao mà được? Cuộc sống của mình có phải là vô vọng rồi không?
Mãi cho tới cùng ăn cơm với bạn cùng lớp của con trai mình, anh mới được "khai sáng":
"Chú thực sự biết thế nào là nghèo ư? Khi trở về quê mẹ ở Delhi, cháu gặp rất nhiều người chỉ có 2 đô la để tiêu cho cả ngày, họ không hề phàn nàn việc mình bị ngó lơ ở một bữa ăn tối, với họ, được đến ăn tối là vui rồi!"
Brad lúc này mới nhận ra được rằng, mình có nhà, có xe, có tiền tiết kiệm, cuộc sống của mình thực ra cũng không tệ tới vậy.
Nguyên nhân khiến anh trăn trở không gì khác chính là sự thiếu khôn ngoan và tự ti.
Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời con người là đấu tranh với chính mình và lãng phí thời gian cho những mâu thuẫn bên trong chính nội tâm của bản thân.
Môi trường phát triển và trải nghiệm sống của mỗi người là khác nhau. So sánh trong một lĩnh vực nào đó là vô nghĩa và sẽ chỉ thêm đau đầu.
Có người từng nói:
"Hạnh phúc là thứ cần được tìm thấy, rất ít người sinh ra đã hạnh phúc."
Con người vốn dĩ rất nhạy cảm với những thông tin tiêu cực, chẳng hạn, 80% thời gian trong năm là nắng, nhưng chúng ta lại chỉ bận tâm tới 20% số ngày mưa.
Bước đi trong thế giới đầy sóng gió này, đừng vì một vài khoảnh khắc tăm tối, mà bỏ qua hạnh phúc thực sự.
02
Giáo sư tâm lý Sonja Lyubomirsky nói: "50% hạnh phúc của con người do di truyền quyết định, 10% do môi trường sống, 40% còn lại do suy nghĩ và hành vi hàng ngày quyết định".
Tức là chúng ta sở hữu tới 40% quyền được lựa chọn hạnh phúc của mình.
Vậy làm thế nào để làm cho bản thân hạnh phúc? Bạn có thể thử 3 phương pháp này.
Đầu tiên, thay đổi nhận thức
Điều thực sự khiến người ta không hài lòng không phải là những thứ tầm thường xung quanh mà chính là nhận thức sai lầm.
Nếu lúc nào cũng trông núi này trông núi nọ, dù có nhiều hơn nữa, bạn cũng sẽ không vui.
Nếu lúc nào cũng chỉ chú ý đến những phản hồi tiêu cực, bạn sẽ luôn tự phê bình bản thân, cho dù có làm tốt đến đâu.
Khi bạn nhận thức được những nhận thức sai lầm này, bạn cũng có thể biến những suy nghĩ tiêu cực thành những suy nghĩ tích cực và thay đổi cách bạn nhìn thế giới.
Theo thời gian, bạn sẽ không còn thích tự phủ nhận bản thân và lo lắng về được mất mà không có lý do.
Thứ hai, sử dụng chữ viết để chữa lành bản thân
Thế giới người lớn luôn đầy rẫy những bất lực.
Đôi khi, khi tâm trạng thấp thỏm, nếu không muốn chia sẻ lên trang cá nhân, cũng ngại không muốn nói với bạn bè, hãy viết ra tất cả những suy nghĩ trong đầu.
Viết lách là chữa lành, hãy viết ra tất cả những điều không vui, trút hết những khó khăn trong lòng, rồi bạn sẽ trở nên sảng khoái và tươi tỉnh hơn.
Blogger Rebecca là một người thích viết ra nhiều thứ, theo quan điểm của Rebecca, cô thấy hạnh phúc hơn khi viết ra những điều hạnh phúc, còn khi không vui, viết ra mọi điều khiến cô nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Bạn có thể lấy máy tính hoặc giấy bút ra để viết, hãy quên đi phím xóa khi viết, không sửa cũng đừng xóa, càng không cần phải đè nén suy nghĩ thực sự của mình.
Khoảnh khắc bạn ghi ra tất cả những lo lắng của mình, sự u ám sẽ biến mất.
Thứ ba, khởi động lại bản thân bằng giấc ngủ
Voltaire nói: "Để bù đắp cho mọi muộn phiền của thế giới, Chúa đã ban cho chúng ta hy vọng và giấc ngủ".
Ngủ là hình thức thư giãn thể chất cao nhất, giúp chúng ta lọc bỏ mọi đau khổ.
Bất cứ lúc nào không vui, chỉ cần một giấc ngủ ngon, tâm trạng sẽ nhẹ nhõm hơn.
Ngược lại, nếu không ngủ ngon vào ban đêm, bạn sẽ thức dậy vào ngày hôm sau với cảm giác kiệt sức và bồn chồn.
Nếu bạn có tâm trạng tồi tệ vào một ngày nào đó, tắt điện thoại và chui vào chăn, thức dậy rồi tiếp tục ngày mới.
03
Rất nhiều người trong chúng ta dường như không quen với việc vui chơi thuần túy, tập thể thao và hưởng thụ vì mục đích giải trí đơn thuần.
Trái tim của chúng ta luôn bị áp lực của thực tế bóp nghẹt, chúng ta coi vui chơi là sự lãng phí và xem tập thể dục như là sức khỏe, mọi thứ dường như đều nhằm phục vụ một mục đích nào đó, vì vậy sự hưởng thụ chính đáng đôi khi cũng sinh ra tâm lý mặc cảm.
Nhưng sẽ mệt mỏi ra sao nếu thần kinh lúc nào cũng căng thẳng?
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh tâm trạng của thời điểm này.
Nghỉ ngơi khi mệt mỏi, cười khi vui, đây là thái độ sống tuyệt vời nhất.
Mỗi một ngày không vui, đều là một ngày chúng ta đang phụ lòng cuộc sống.
Mong rằng sau những khó khăn, phiền muộn, chúng ta vẫn có thể sống hết mình và dịu dàng với thế giới.
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Chỉ cần cười, chúng ta sẽ không thua!
Tags