(Thethaovanhoa.vn) - Một bạn viết trên mạng xã hội: "Có anh bạn, con gái tốt nghiệp ở nước ngoài, mang lá cờ Việt Nam, có người trên Facebook bảo con anh ấy tốt nghiệp ở nước ngoài mà “não chưa thông”, vì mang cờ đỏ".
Có bà giáo viên người Hàn là học trò nhà mình. Bà bảo: Hà Nội cũng đáng sống đấy nhỉ. Nhiều hoa quả dù ít hơn Thái. Không khí ô nhiễm thì tôi đeo khẩu trang. Con người ở đây cũng thân thiện. Tôi không hiểu sao nhiều người Hà Nội thích Hàn Quốc trong khi bỉ bôi Việt Nam. Tôi thấy Seoul ồn ào và áp lực lớn kinh khủng.
Có thằng cu Tây lông thuê nhà sát nhà mình bảo: Người Việt Nam thân thiện hơn người Trung Quốc (2 vợ chồng nó đi vài chục nước rồi và mới rời Trung Quốc). Mình hỏi: Anh đã làm quen với mấy anh Tây xung quanh khu mìnhchưa? Nó bảo: chắc là không đâu, vì tao không thích “bọn nước ngoài”. Đời quả thực là rối rắm..."
“Bách nhân bách tính”, cổ nhân đã dạy, đó là một thực tế. Cái thực tế đó phong phú và phũ phàng không chỉ ở người Việt chúng ta, mà còn ở trong cách sống cách nghĩ của nhiều người ở nhiều quốc gia. Còn nhớ mấy tháng trước đọc được thông tin anh chàng người Mỹ, đạo diễn trẻ phim “Kong” ước muốn chuyển sang Việt Nam sinh sống vì yêu quý đủ thứ trên đất nước ta, trong khi ở ta nhiều người nuôi “Giấc mơ Mỹ”, muốn tìm cách vào được nước Mỹ.
Vọng ngoại rồi bài ngoại là một trạng thái cảm xúc không phải chỉ người xứ ta, mà còn là của người tứ xứ.
***
Cũng chuyện xứ ta: thầy bói xem voi. Thầy xem chỗ nào biết chỗ ấy, nên khi có chuyện voi thì mỗi người biết voi một cách: nào voi là cái quạt to, voi là cái cột nhà, voi là con đỉa cụ. Muốn kết luận về một xã hội thì phải đứng ở nhiều góc nhìn mới thấy rõ bản chất của nó, còn đi qua cái vỏ bề ngoài mà vội nhận định sẽ nhiều sai lệch méo mó, mặc dù bề ngoài cũng bộc lộ một phần diện mạo của nội hàm đó.
Người ta kháo nhau về những ưu ái của các nước châu Âu. Một bạn khen nức nở về y tế, học đường và nhiều thứ khác của một một nước Bắc Âu, như thiên đường. Tôi buột miệng hỏi: chỉ thấy nói hưởng thụ mà chưa nghe đóng góp, thì lát sau bạn trả lời: Dạ, thuế thu nhập có mức cao đến 35%. Có thế chứ.
Tôi hiểu trên thế giới này chẳng có thứ tiền nhà nước hay tiền chính phủ nào từ trên trời rơi xuống như cách nghĩ của khá nhiều người dân ta. Bản thân mọi quan chức cao nhất cũng hàng tháng mở sổ ký nhận lương, vì các vị đều là người trong bộ máy thay mặt dân làm quản lý tài sản đất nước.
Ngân sách có được từ đóng góp của mỗi công dân, tiền thuế của mọi người dân, của doanh nghiệp, thu nhập từ tài nguyên khoáng sản và các nguồn thu khác. Nhưng bộ máy của nhà nước phương Tây quản đồng tiền ngân sách chặt chẽ, không để thất thoát, giảm thiểu tối đa ăn cắp, tham nhũng và lãng phí, nên bảo hiểm xã hội an toàn cho mỗi người dân. Mọi khoản y tế giáo dục phúc lợi…được bảo đảm bằng chính tiền của cá nhân đó đóng góp qua thuế chứ ai cho? Làm gì có bờ xôi giếng mật nào?!
***
Hóa ra tâm lý đứng núi này trông núi nọ rồi so sánh không chỉ có ở dân ta mà có ở khắp nơi trên trái đất này, chỉ có điều ở dân ta cái đó trội hơn. Trội hơn vì chúng ta phát triển chậm, vì người dân ít có cơ hội tiếp cận các nước, phần lớn nhận thông tin qua lời kể. Mà lời kể thì thế nào cũng ít nhiều thiên lệch, phần lớn từ cái vỏ ngoài, khó tránh khỏi chuyện thầy bói xem voi.
Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn, mấu chốt là quản lý kinh tế và xã hội khá kém cỏi, để thất thoát tham nhũng tràn lan, chưa xử lý kịp thời hoặc nửa vời làm cho tâm thái xã hội bất an, thì việc so sánh suy diễn với các nước ổn định là khó tránh khỏi. Tâm lý vọng ngoại chỉ tự mất đi khi đất nước phát triển ổn định, pháp luật nghiêm minh công bằng với mọi người dân, bọn tham nhũng phải bị truy diệt…Chắc chắn là như vậy.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Tags