(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho giáo dục. Chúng ta đã nhìn thấy sự xâm nhập của robot thông minh trong các ngành nghề lao động, thay thế con người làm việc, con người được gắn chip thông minh để quản lí. Vậy máy móc và robot có thể thay thế được vai trò người thầy?
Chắc chắn và dứt khoát là không. Vì, bản chất của quá trình giáo dục là nghệ thuật cảm hóa con người bằng nhân cách. Giáo dục là khai phóng, hướng con người đến với qua trình tự giáo dực, con người tư duy, bồi đắp những tình cảm nhân văn hướng đến chân thiện mĩ. Người thầy giỏi là người định hướng cho học trò phát hiện và khám phá, phát triển năng lực của chính mình. Mỗi học trò là một thế giới riêng, độc đáo, cá tính, khác biệt nên thầy cô cần tôn trọng, yêu thương và chia sẻ, truyền lửa, định hướng cho trò.
Chính vì thế, ngoài việc giỏi chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, có phương pháp giáo dục hiệu quả, thầy cô cần am hiểu về tâm sinh lí của học trò. Mỗi giờ lên lớp, ngoài truyền thụ kiến thức chuyên môn cần dạy cho trò các kĩ năng mềm như kĩ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng nói trước đám đông, kĩ năng giải quyết vấn đề...
Áp lực từ nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học đối với thầy cô giáo trong cuộc cách mạng công nghệ ngày càng lớn. Họ phải không ngừng vươn lên để đáp ứng với thay đổi chóng mặt đang diễn ra, yêu cầu về hiện đại giáo dục, sự thay đổi chóng mặt của các chương trình, sách giáo khoa... Dường như, giáo viên là thành phần dễ bị tổn thương nhất trước đòi hỏi của xã hội, nhà trường và gia đình. Gánh nặng cơm áo vẫn đè nặng trên vai người thầy. Lương không đủ để sống, giáo viên còn phải làm thêm nhiều việc để có thể dấn thân trên con đường mình đã chọn.
Nghĩ đến thực tế này, tôi lại nhớ đến câu chuyện Mùa trâu ăn sương của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Truyện kể về người thầy vừa đi học cao học vừa làm việc ở lò mổ để kiếm sống. Người thầy giáo ấy đã phải trải qua nhiều tình huống khó khăn, tự đấu tranh để tự giữ lấy nhân cách tốt đẹp giữa những cám dỗ và thực tế trần trụi. Những lằn ranh giữa sinh và diệt, thiện và ác vô cùng mong manh tại lò mổ đan dệt nên hình tượng người thầy rất đời, rất nhân văn.
Vị trí người thầy trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay luôn được tôn vinh vì dân tộc ta vốn có truyền thuyết hiếu học. Ai trong chúng ta ấy đã từng nghe câu: Nhất tự vi sư/ Bán tự vi sư/ không thầy đố mày làm nên/ Muốn sang phải bắt cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Trong văn chương nghệ thuật, hình tượng người thầy càng được khắc họa như những tấm gương cao đẹp với nhân cách mẫu mực, yêu trẻ, tận hiến với nghề. Hình ảnh người thầy Đuysen trong truyện Người thầy đầu tiên với tấm lòng hi sinh vô bờ bến cho học trò ở nước Nga đã làm cho chúng ta ngưỡng mộ, cảm động. Đuysen đã thắp lên ngọn lửa của ý chí, nghị lực vươn lên trên hoàn cảnh cho các em học trò để khảng định chính mình. Thầy đã mở lớp, đã tự lấy rơm rạ lót nền, lấy củi nhóm lên sưởi ấm cho các trò trong mùa đông giá lạnh. Hơn nữa, thầy còn cõng các em qua suối, bảo vệ Antưnai trước gia đình người chú thím khi họ ép gả em lấy chồng. Hình ảnh hai cây Phong trong truyện là biểu tượng cao đẹp về tình thầy trò.
Dù hôm nay, xã hội đang phát triển, nhiều giá trị đang đổi thay, có không ít những câu chuyện đau lòng về mối quan hệ thầy trò nhưng sự tôn vinh của xã hội dành cho người thầy sẽ không bao giờ thay đổi.
Tiến sỹ Huỳnh Thu Hậu
Tags