(TT&VH) - Chuyên gia nghệ thuật Italia Luciano Buso vừa chứng minh rằng tấm vải liệm thành Turin - được cho là vải liệm Chúa Jesus Christ - thực ra là tác phẩm do Giotto, nghệ sĩ thời Trung cổ chế tác. Song, Giám đốc Bảo tàng Vải liệm đã bác bỏ điều này.
Bức tượng chân dung nghệ sĩ Giotto
1.Được cho là vải liệm Chúa Jesus Christ, tấm vải liệu thành Turin in hình ảnh một người đàn ông có vết máu chảy ra từ các vết thương ở chân, ngực và sườn. Nó đã được công tước Savoy trao cho Tổng giám mục Turin vào năm 1578 và được cất giữ cẩn thận trong nhà thờ từ đó đến nay. Công chúng chỉ được phép ngắm nhìn nó trong những dịp đặc biệt.
Tuy nhiên, các cuộc xét nghiệm bằng phóng xạ carbon cho thấy tấm vải này được làm vào khoảng năm 1260 và 1390. Chuyên gia nghệ thuật Luciano Buso cho rằng do tấm vải gốc bị hỏng nên nghệ sĩ Giotto đã được yêu cầu làm phiên bản vào năm 1315. Giotto có lẽ là nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong thời của mình. Ông nổi danh với bức bích họa trang trí trong nhà nguyện Scrovegni ở Padua - bức họa mô tả cuộc sống của Đức Mẹ đồng trinh và Chúa Jesus Christ.
Ông Buso khẳng định cách đây 700 năm, việc đề ngày tháng vào tác phẩm là việc làm hết sức phổ biến của các nghệ sĩ nhằm đảm bảo tính xác thực. Tuyên bố của ông Buso trùng khớp với kết quả xét nghiệm carbon từ năm 1988, tức là tấm vải liệm này có niên đại từ đầu thế kỷ 14, nhưng kết quả đó đã bị Giáo hội bác bỏ. Ông Buso cho biết: “Tôi đã thẩm định những bức ảnh rất kỹ và thấy xuất hiện con số 15 trên mặt, trên tay và thậm chí trên hình trông giống chữ thập dài. Giotto không cố gắng làm tấm vải liệm giả nên ông đã ký ‘’Giotto 15'’ nhằm xác nhận đó là tác phẩm của ông, được làm vào năm 1315. Tấm vải gốc có thể đã cũ đến mức Giáo hội yêu cầu Giotto - một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thời đó - làm một bản sao và sau đó tấm vải gốc đã mất. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có bản sao này. Vì ngại gây ảnh hưởng tới Giáo hội nên người ta không công khai đây là bản sao. Tôi biết giả thuyết của mình sẽ bị Giáo hội bác bỏ, nhưng tôi tin là mình đúng”.
Hiện chưa có ý kiến gì từ nhà thờ Turin, nhưng giáo sư Bruno Barberis, Giám đốc Bảo tàng Vải liệm, nói: “Giả thuyết này thật lố bịch. Tuyên bố cho rằng Giotto là người làm tấm vải liệm không thuyết phục. Nhiều người đã tuyên bố nhìn thấy các dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp và Do Thái trên tấm vải liệm nhưng đều chưa đưa ra được chứng cứ. Hình ảnh trên tấm vải được in từ cơ thể một người đàn ông đã bị tra tấn rồi sau đó bị đóng đinh lên cây thập tự và người ta vẫn cố tiến hành các cuộc xét nghiệm để tìm nguồn gốc của nó”.
Tấm vải liệm Turin có dính máu mang hình ảnh một người đàn ông
2. Tấm vải liệm này đã thu hút trí tưởng tượng của nhiều người trong hơn 500 năm qua. Theo tiết lộ của một thầy tu hồi năm ngoái thì trùm Phát xít Adolf Hitler từng bị nó ám ảnh và muốn đánh cắp nó để sử dụng trong một màn yêu thuật. Năm ngoái, Giáo hoàng Benedict đã quỳ trước tấm vải lanh này nhiều phút sau khi nó được trưng bày lần thứ 5 trong vòng 100 năm qua. Ông là 1 trong số 2 triệu người được nhìn thấy tấm vải liệm trong 6 tuần trưng bày.
Nhiều thế kỷ qua người ta vẫn không ngừng tranh cãi hình ảnh trên tấm vải là của Chúa Jesus hay chỉ là một tác phẩm giả mạo được làm vào thời Trung cổ, nhưng có điều là các chuyên gia vẫn chưa thể giải thích được hình ảnh đó được làm như thế nào. Năm 1988, tấm vải liệm này đã được xét nghiệm bằng carbon và kết quả cho thấy nó được làm vào khoảng năm 1260 và 1390. Kể từ đó đến nay các công nghệ xác định niên đại đã tiến bộ hơn và đã có nhiều lời đề nghị cho xét nghiệm tấm vải liệm song luôn bị Vatican từ chối.
Việt Lâm