(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không có bất ngờ vào giờ chót, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ chính thức ký kết hợp đồng với ông Yusuke Adachi, giảng viên cao cấp của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để thay thế ông Jurgen Gede để gánh vác trọng trách Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) VFF.
Ông Yusuke Adachi được tiết lộ là thầy của hàng loạt HLV, cầu thủ tên tuổi ở Việt Nam như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Sỹ… Vào năm 2017, ông thầy sinh tháng 12/1961 này từng là giảng viên khóa học AFC Pro do AFC tổ chức tại Việt Nam suốt hơn 2 năm.
Trong sự nghiệp của mình, cựu cầu thủ bóng đá Nhật Bản không mấy nổi bật ở bảng thành tích chuyên môn. Ông thầy sinh ra ở tỉnh Kanagawa đã chơi cho đội dự bị Yomiuri từ năm 1980 đến 1984 trước khi giải nghệ năm 1988.
Sau đó, ông Adachi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện tại Fujita Industries (sau này là Bellmare Hiratsuka). Ông Adachi chủ yếu quản lý đội trẻ CLB cho đến tận 10 năm sau. Năm 1999, ông Adachi chuyển đến Cerezo Osaka và quản lý đội trẻ cho đến năm 2001.
Năm 2005, lần đầu tiên ông Adachi ký hợp đồng với một CLB chuyên nghiệp như Yokohama FC. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm (từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 3 năm 2006), ông Adachi đã bị CLB sa thải vì thành tích bết bát.
Ông Adachi dẫn dắt Yokohama 45 trận, trong đó CLB chỉ thắng 10, hoà 15 và thua 20. Đỉnh điểm vào tháng 3/2006, tờ Japanetimes của Nhật Bản đưa tin: “CLB Yokohama đã sa thải HLV Yusuke Adachi chỉ sau một trận đấu của mùa giải mới và thay thế ông bằng HLV và cựu tiền đạo Nhật Bản Takuya Takagi”.
Đây là lần đầu tiên một người quản lý J-League bị sa thải một trận đấu trong một mùa giải, mặc dù Phó Chủ tịch của Yokohama, ông Hisao Sakamoto, nói rằng quyết định này không liên quan gì đến thất bại 1-0 của Yokohama trước CLB tân binh của J-League 2 Ehime FC.
“Quyết định này không phải là dựa trên một trận đấu đó. Chúng tôi đã tính đến mùa giải trước và cũng trong năm nay, CLB đưa ra kết luận rằng sẽ rất khó để đạt được sự thăng tiến nếu mọi thứ vẫn như cũ. Yokohama đã đứng thứ hai từ dưới lên trong bảng xếp hạng năm ngoái (2005)”.
Sau khi không làm việc với Yokohama, ông Adachi đã tìm hướng đi riêng và gắn bó với công việc GĐKT. Trước khi đến Việt Nam, ông được Liên đoàn bóng đá Hong Kong (Trung Quốc) mời làm GĐKT.
So với HLV Park Hang Seo, có thể mức lương của HLV Adachi sẽ chỉ bằng phân nửa (khoảng 20.000 USD/tháng). Ông thầy người Nhật Bản sẽ vận dụng sở trường GĐKT của mình để thay ông Gede chèo lái công tác đào tạo trẻ cho nền bóng đá dải đất hình chữ S trong kế hoạch 5 năm tới.
Với khoản kinh phí hỗ trợ từ FIFA và nhiều nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, có lẽ VFF sẽ không khó để trả lương cho chuyên gia tới từ xứ sở Phù tang. Một trong những yêu cầu hỗ trợ tài chính của FIFA với các Liên đoàn thành viên là phải có chức danh GĐKT, đầu não hoạch định chiến lược nền bóng đá.
Vấn đề với ông Adachi lúc này có lẽ cũng sẽ thuận lợi hơn khi bóng đá Việt Nam thời kỳ hậu GĐKT Gede đã rút ra kinh nghiệm về định hướng đào tạo lẫn vai trò của một người xây dựng tầm nhìn cho tương lai các đội tuyển trẻ Việt Nam.
Ông Adachi có thể sẽ tham khảo thêm từ những phát biểu mà HLV U19 Việt Nam Philippe Troussier từng thực hiện trên khắp các mặt báo về các tồn tại của hệ thống đào tạo trẻ nước nhà. Ông Troussier cũng từng làm việc cho các đội trẻ ở Nhật Bản trước khi đưa ĐTQG nước này bước vào thời hoàng kim (từ năm 2000 đến nay) nên có thể sẽ không khó để cho lời khuyên hữu ích với đồng nghiệp mới.
VFF cũng đã quán triệt chủ trương GĐKT trong thời kỳ mới phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB và đội ngũ HLV bóng đá trẻ. Với những người Á Đông có mặt trong ê-kip làm việc của bóng đá Việt Nam hiện tại, CĐV có quyền hy vọng họ sẽ có tiếng nói chung để làm việc một cách chuyên nghiệp, bài bản, đưa bóng đá trẻ Việt Nam hoàn thành giấc mơ World Cup 2026.
Nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam cũng đã từng phân tích rạch ròi về vai trò của GĐKT một nền bóng đá. Cựu HLV U20 Việt Nam Đoàn Minh Xương cho rằng GĐKT VFF phải xây dựng được hệ thống huấn luyện tiên tiến, khoa học, học tập hình mẫu thế giới phù hợp với Việt Nam, có thống nhất từ CLB đến ĐTQG.
Như thế, khi vào sân thi đấu, cầu thủ trẻ có thể dễ dàng làm quen, không bỡ ngỡ lúc chuyển từ cấp độ này sang cấp độ khác, đội trẻ này sang đội trẻ khác.
Công việc của GĐKT sẽ là cầu nối cho các Học viện, lò đào tạo bóng đá trong cả nước cùng ngồi lại bàn bạc để tìm ra phương hướng đúng đắn cho nền bóng đá. GĐKT của một nền bóng đá là rất quan trọng, dù trên lý thuyết không nổi bật như vai trò của một HLV trưởng dẫn dắt ĐTQG.
Trước ông Yusuke Adachi, bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến những HLV người Nhật Bản khác đến làm việc rồi ra đi không mấy thành công. Đơn cử như HLV Miura khi dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam và CLB TP.HCM, hay HLV Machinaka của Gamba Osaka từng sang PVF làm việc 2 năm (từ 2016) để củng cố hệ thống đào tạo trẻ cho lò đào tạo này.
Ước muốn của PVF và CLB từng vô địch Cúp C1 Châu Á năm 2008, 2 lần vô địch và 2 lần giành vị trí á quân J-League 1 là có cầu thủ Việt Nam chơi được cho Gamba Osaka. Tuy nhiên, đến giờ mọi thứ vẫn chỉ là dự tính.
Trước khi ra đi, HLV Machinaka đã để lại phát biểu: “Tôi thấy các cầu thủ Việt Nam rất khéo léo, hoàn thiện kỹ thuật cá nhân từ tuổi 15 nhưng lại rất yếu trong việc suy nghĩ, tư duy, phán đoán các tình huống trên sân.
Điều này càng khiến họ gặp trở ngại về thể lực nhiều hơn. Ví dụ thường thấy là khi mất bóng, cầu thủ Việt Nam không cố gắng rượt đuổi tranh bóng mà chỉ đi từ từ. Nếu thay đổi được điểm này sẽ tạo cho họ thói quen thường xuyên tranh chấp khi thi đấu, thể lực theo đó cũng dần được nâng cao hơn”.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải nhấn mạnh: “Vị trí GĐKT của cả một nền bóng đá là vô cùng quan trọng. Chúng tôi thực sự mong muốn tân GĐKT không chỉ định hướng, xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho bóng đá Việt Nam mà còn lập được kế hoạch đào tạo xuyên suốt, mang tính vững bền cho các đội tuyển trẻ. Tôi đã được nghe Ban Tổng thư ký VFF báo cáo về năng lực của chuyên gia Nhật Bản - một giảng viên có thương hiệu của AFC. Như Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh phát biểu trên báo chí, trong giai đoạn phát triển mới, VFF sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Do vậy, vị trí GĐKT còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ. Ông Park Hang Seo cũng đã được biết về sự hợp tác giữa VFF và chuyên gia Nhật Bản. Tôi tin tưởng giữa ông Park và HLV trưởng các đội tuyển trẻ khác tại Việt Nam sẽ cùng tân GĐKT tạo nên bộ máy thống nhất, đồng bộ, đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới”. |
Việt Hà
Tags