Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) là ông Koshida Takeshi, một chuyên gia bóng đá tới từ Nhật Bản. Thông tin này có lẽ cũng không nhiều người chú ý nếu không phải là "dân trong nghề", bởi trước đó VFF cũng đã có một GĐKT người Nhật Bản khác nhưng lúc ông này đến, rồi đi, cũng không phải ai cũng biết... Nói vậy để thấy việc VFF tiếp tục giữ vị trí GĐKT là một hành động đáng chú ý.
1. Người giữ vai trò GĐKT một cách chính thức đầu tiên của bóng đá Việt Nam là ông Rainer Willfeld, một chuyên gia người Đức sang Việt Nam làm việc theo chương trình của FIFA. Hồi đó, người ta thấy ông Tây râu trắng, kính trắng, áo sơ-mi đơn giản ngồi trên khán đài ở các giải bóng đá trẻ với chiếc máy quay phim nhỏ xíu mà chẳng biết ông làm gì.
Nếu có giới thiệu ông đang giữ một chức vụ rất quan trọng về chuyên môn trong một tổ chức nghề nghiệp hàng đầu Việt Nam, có lẽ cũng chẳng mấy ai tin. Có khi người ta còn cho rằng vị trí GĐKT ấy thật "bèo bọt" làm sao!
Mà đúng là… "bèo" thật. Ông Rainer Willfeld làm chừng 4-5 năm gì đó, ngày rời đi cũng chỉ có những người thuộc nhóm làm việc chung với ông biết và ghi nhận công lao của vị GĐKT người Đức này. Bóng đá Việt Nam khi đó đang mãi đuổi theo một mục tiêu duy nhất, đó là thắng Thái Lan trong một trận đấu cụ thể.
Phải đến năm 2003, khi người Thái đánh bại U23 Việt Nam với "thế hệ vàng 2.0" của Văn Quyến, Tài Em… thì người ta mới nhận ra là muốn đi xa, phải bắt đầu từ bóng đá trẻ. Muốn thắng được Thái Lan, phải thắng họ ngay từ các đội tuyển U. Mà đó thì lại không phải là công việc của các HLV trưởng, nó thuộc về trách nhiệm của một người hoạch định chiến lược đường dài cho các đội tuyển.
Giá trị của GĐKT thực sự được nhìn nhận đúng mức khi bộ đôi Jurgen Gede - Hoàng Anh Tuấn tạo ra kỳ tích U19 Việt Nam dự World Cup 2017. Đó là kết quả của một quá trình, từ cách chuẩn bị cho lứa cầu thủ trẻ ấy ở độ tuổi 15-17, cho đến các chuyến tập huấn dài hạn và lựa chọn lối chơi phù hợp. Năm 2020, ông Gede chia tay, và ngay lập tức VFF bổ nhiệm một GĐKT người Nhật Bản là ông Yusuke Adachi, tiền nhiệm của ông Takeshi hiện nay.
Nếu để ý sẽ thấy, các GĐKT của VFF đều đến từ Đức và Nhật Bản. Cả 2 quốc gia này đều cực kỳ chất lượng về khâu phát triển bóng đá ở phần đáy mô hình kim tự tháp, đặc biệt là bóng đá trẻ. Hai nền bóng đá này có phần đế rất rộng, không chỉ là bóng đá học đường mà còn đến cả phong trào với hệ thống thi đấu cấp vùng, cấp địa phương theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp.
Nói như vậy để thấy tầm nhìn và tư duy làm bóng đá của VFF đã khác trước rất nhiều, đó là chưa nói đến việc tổ chức này đang tái hồi sinh chức năng chính của Trung tâm đào tạo và huấn luyện bóng đá trẻ thông qua việc trực tiếp tuyển sinh, đào tạo bóng đá nữ. Thậm chí VFF từng có ý mời cựu HLV đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo đảm nhiệm vị trí này dù biết phải trả lương rất cao.
2. Tuy nhiên, cũng như những thông tin ít ỏi về vị GĐKT mới, mới thấy có điều bất hợp lý: Đó là khi VFF thì ngày càng chăm lo cho khâu chiến lược, phát triển bóng đá trẻ thì các CLB chuyên nghiệp của Việt Nam vẫn đứng bên lề.
Trong số 14 đội đá V-League hiện nay, chỉ có khoảng 5 đội bóng là có hoặc sử dụng người đảm nhiệm công việc của một GĐKT. Còn ở giải hạng Nhất, nhiều lắm cũng chỉ 2 đội là có vị trí này.
Các con số này không gây ngạc nhiên vì thực tế, số CLB sở hữu các tuyến trẻ hay có khâu đào tạo, "săn" tài năng… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những đội bóng không có các hệ thống này, thì đương nhiên chẳng cần đến GĐKT.
Vấn đề đặt ra là tại sao VFF thì ngày càng chú trọng đến công việc mang tính chất định hướng cho sự phát triển trong khi các CLB thì lại không? Trong khi đó, chính các CLB rất cần đến vị trí này bởi nó gắn liền với hiệu quả của đầu tư. Người ta không thể bỏ tiền vào bóng đá trẻ, vào đào tạo hay tung người đi khắp nơi để tìm cầu thủ nếu chẳng biết phía sau đó là gì.
Hỏi là đã trả lời. Vì bản chất, hoặc mục đích của các CB không có tính dài hạn. Nó có thể xuất phát từ vấn đề tài chính vốn bấp bênh, có tính đường dài thì cũng chẳng biết để làm gì nếu không có tiền. Hoặc cũng có thể, với một số CLB hiện nay, yếu tố thành tích mang tính quyết định. Tức là phải có thành tích trước rồi mới… tính tiếp được và khi đó có biết là cần GĐKT hay không.
Cái khó khăn của các CLB thì nhiều, nên có lẽ cũng phải thông cảm. Điều cần làm bây giờ chính là VFF phải làm sao chứng minh, hoặc thuyết phục, hay thậm chí là đưa ra những chế tài kỹ thuật để các CLB phải có cơ cấu bộ máy như mình để tạo ra sự đồng bộ.
Một cuộc họp giữa các HLV khác với các cuộc họp có những GĐKT của các đội bóng. VFF có thể tạo ra các lớp học để nâng cấp trình độ HLV, bây giờ, họ phải làm sao để có những cuộc gặp gỡ với những "cán bộ đường lối" để lan tỏa tầm nhìn của cả nền bóng đá.
3. Phải mất đến gần 2 thập kỷ, bóng đá Việt Nam mới nhìn nhận đúng về vai trò của GĐKT. Nhưng đáng tiếc là sự nhìn nhận ấy cũng chỉ mới đến từ một phía vốn dĩ không tác động nhiều đến cả nền bóng đá.
Điều này cũng tương tự như VFF tổ chức các giải đấu trẻ, đầy đủ từ U11 đến U21, nhưng nếu các CLB chuyên nghiệp không có đội tham gia, hoặc họ không quan tâm đến việc tham dự những giải đấu ấy, thì ý nghĩa sau cùng sẽ không nguyên vẹn hoặc có khi phản tác dụng nếu các CLB cứ "thuê, mượn" các đội U từ nơi khác để tránh bị phạt.
20 năm trước, cố HLV Alfred Riedl đã từng nói rằng "bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Bây giờ, chúng ta cũng đã biết nên xây nhà từ đâu, nhưng cái khó vẫn là cách triển khai khi sự kết nối giữa tổ chức quản lý với các CLB vẫn "đường ai nấy đi"….
Trước khi ông Takeshi được bổ nhiệm làm tân GĐKT VFF, chiếc ghế này đã bị bỏ trống từ cuối tháng 1/2023 cho tới nay, bởi ngày 31/1/2023, VFF thông báo, GĐKT Yusuke Adachi và VFF đã cùng thống nhất không gia hạn hợp đồng sau hơn 2 năm mà ông Adachi làm việc tại VFF. Ông Adachi cho biết ông rất tiếc vì lý do gia đình nên không thể tiếp tục đồng hành cùng bóng đá Việt Nam.
Trước đó, ông Adachi trở thành GĐKT của VFF từ ngày 1/7/2020. Trong thời gian công tác tại VFF, ông Adachi đã có những đóng góp tích cực đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bóng đá trẻ Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống đào tạo HLV (từ bằng C đến bằng Pro), nhận được sự đồng ý của AFC về việc độc lập tổ chức các khóa đào tạo HLV, đào tạo được các HLV – những người sẽ nắm tương lai của bóng đá Việt Nam; xây dựng hệ thống huấn luyện tập trung quốc gia ở lứa tuổi trẻ, đóng góp tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực cho các CLB bóng đá và trung tâm bóng đá, bao gồm đào tạo HLV và hệ thống phát triển đào tạo trẻ, những công việc liên quan đến sự phát triển trong tương lai của bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Adachi cũng đã góp phần nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam để đưa bóng đá Việt Nam đến gần hơn với tiêu chuẩn thế giới, đồng thời tích cực cập nhật các phương pháp và kỹ thuật huấn luyện đẳng cấp thế giới mới nhất.
Tags