(Thethaovanhoa.vn) - 1. Lâu lâu sau đi khỏi Hà Nội, ý nghĩ đầu tiên khi nhìn thấy khung cảnh thành phố trên đường về là: Tại sao cứ mãi thế nhỉ? Chẳng hạn những vỉa hè tróc lở, liên tục thấy cậy lên lát lại, hay những thùng rác luôn chình ình ở những chỗ dễ đập vào mắt nhất. Nỗi chán nản lên tới cực điểm.
Nhưng chỉ vài tiếng sau, ăn xong một bát phở ngon, uống chén trà nóng hay cốc cà phê thơm, bỗng nhiên thấy dễ chấp nhận hơn hẳn. Quy luật đường nhanh nhất đi đến tình yêu qua dạ dày phát huy tác dụng. Hà Nội với tất cả những lem nhem, xộc xệch, nhưng vẫn trôi chảy mạch sống cuối năm giữa mùa dịch Covid-19 đang rập rình xung quanh. Trời đã bớt lạnh hơn, những con đường đã có xe đạp chở hoa đào đi bán. Tâm trạng vừa mới căng đầu ngày, giờ đã có chiều hướng giãn ra.
Có thể nói, sự trồi sụt cảm xúc ấy cũng phản ánh chính xác tâm lý một năm qua, khi dịch Covid-19 phát ra những tín hiệu đầu tiên vào những ngày sau Tết âm lịch 2020 và rồi từ đó trở đi, cuộc sống không trở về như trước. Sự căng thẳng của đợt giãn cách xã hội được gia cường thêm bằng những cơn lũ thông tin nhiều phần tiêu cực về tình hình dịch bệnh tồi tệ, về các thiên tai giáng xuống.
- Hà Nội dừng hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar từ 0 giờ ngày 1/2/2021
- Hà Nội: Đảm bảo chất lượng dạy và học qua internet khi học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19
- Sương mù dày, không khí Hà Nội lại ô nhiễm
Nhưng rồi sau những biến cố, cuộc sống như sợi dây cao su lại chùng xuống. Chúng ta dễ thích nghi hơn là bản thân chúng ta tưởng. Chúng ta vất vả tìm kiếm những vui thú mới, hoặc cố gắng phục hưng lại những cảm giác dễ chịu từng có. Đôi khi những niềm vui hơi quá mức khác thường của những dòng trạng thái trên Facebook khiến tôi tưởng tượng ra một không khí lạc quan đầy siêu hình của những bát phở hay cốc cà phê đã làm ấm bụng và lên tinh thần.
2. Trải nghiệm biến cố của năm vừa qua khiến người dân thế giới nói chung có xu hướng ngoảnh lại so sánh với những thời khắc tương tự trong lịch sử. Một trong những biến cố quá khứ ấy là Thế chiến thứ Nhất, nối tiếp bằng sự bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha, mà số người chết vì dịch vượt qua số người chết vì bom đạn và người ta nói góp phần làm Thế chiến chấm dứt nhanh hơn. Thời ấy cách ngày nay nhỉnh hơn 100 năm một chút, mà như nhiều người đã nói, đó là một chu kỳ, hoặc theo lời một vài nhà tiên tri nào đó, các điềm báo luôn đến theo quy luật.
Nhưng tôi đã nghĩ đến những gì văn học ghi lại về thời ấy, thời mà những tác giả như Hemingway tự nhận là “thế hệ mất mát”, khi những người trẻ tuổi trở về sau chiến tranh với tâm trạng buồn nản: “Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng” như những dòng gần cuối cuốn tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque.
Cậu trai 19 tuổi Paul Bäumer, nhân vật chính, người mà cuốn tiểu thuyết đã có một phần vĩ thanh sau khi mạch truyện ở ngôi thứ nhất (có vẻ là một dạng nhật ký) ngừng lại: “Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là: “Ở phía Tây, không có gì lạ”.
Tôi nhớ đến truyện vừa “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” của Hemingway, khi nhân vật chính hồi tưởng về cùng cuộc chiến: “Nhưng hắn chưa bao giờ một dòng về chuyện đó, cũng như về cái ngày Giáng sinh lạnh giá, sáng sủa đó khi những ngọn núi nổi bật trên dải đồng bằng nơi Barker bay qua chiến tuyến ném bom chuyến tàu chở bọn sĩ quan Áo về phép, xả súng máy vào họ khi họ chạy toán loạn. Hắn nhớ lại Barker sau phi vụ ấy bước vào phòng ăn và bắt đầu kể chuyện. Và không khí mới lặng đi làm sao rồi một tay nào đó nói: “Mày là thằng sát nhân chó đẻ khốn kiếp”. Tôi cảm tưởng như chính Paul là một nạn nhân của Barker.
Nhưng cũng chính Hemingway đã ghi lại câu chuyện của những năm hai mươi khi “Cũng vẫn là người Áo, bấy giờ họ giết, ít lâu sau lại trượt tuyết với hắn”.
Chiến tranh, sự mất mát của một thế hệ có vẻ mau chóng được chôn vùi trong thập niên hai mươi ồn ào, mà như truyện vừa đã viết, những người lính hai chiến tuyến sống sót sau chiến tranh lại trượt tuyết, uống rượu cùng nhau. Cuốn hồi ức “Hội hè miên man” viết vào thời gian ấy có vẻ như là một nỗ lực xóa đi dấu vết của chiến tranh trong tâm trí. Nhưng “Hội hè miên man” chỉ là một sự tự giễu, tự đánh lừa. Cũng như thế, người đọc đều nhận ra, “không có gì lạ” cũng đầy ý vị trào lộng.
3. Đối với thế giới, đại dịch Covid-19 để lại nỗi kinh hoàng có khi còn lớn hơn cả Thế chiến I. Nhưng rồi cũng như Thế chiến, người ta cũng sẽ quên đi. Các hoạt động giải khuây vẫn liên tục sinh ra để làm dịu sự khổ sở và thực tại vẫn chưa biết khi nào bình thường trở lại trên toàn thế giới.
So với thế giới, Hà Nội ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng Hà Nội với tôi, vẫn là chính nó với tất cả sự nháo nhào nỗ lực tái sắp xếp. Thành phố này như một khối khổng lồ sự sống, chịu một sức ép vô hình để tồn tại và vươn lên như thể ở phía sau một chiếc van áp suất. Cư dân của nó đã quen với việc đón nhận những xáo trộn, nhờ thế mà họ có một sức đề kháng kỳ lạ. Tôi nhận ra chúng ta dường như lặp lại một cuộc tìm kiếm sự cân bằng, mà bài học của hơn một thế kỷ trước vẫn chưa chịu cũ.
Nguyễn Trương Quý
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Tags