(Thethaovanhoa.vn) - Ở trên quê, mẹ bảo nó là con búi dách, còn đa phần thì mọi người gọi nó là con thạch sùng. Con vật nhỏ bé lặng lẽ sống trong bóng tối chỉ bắt muỗi, bắt gián và các con bọ nhỏ, búi dách gắn liền với câu chuyện cổ tích Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho.
Nguyên anh chàng này giàu có quá, chỉ vì máu mê ngạo nghễ thách đố thiên hạ rằng trong nhà chẳng thiếu thứ gì, nên khi đối phương kể ra là hắn còn thiếu mẻ kho là loại đồ ăn hạng bét của đám người nghèo thì nhà Thạch Sùng không có thật. Vì thua trong câu thách đố mà Thạch Sùng mất sạch cả sản nghiệp. Âu cũng là sự trừng phạt đích đáng cho thói ngạo mạn!
Khi của cải vù vù bay đi khỏi nhà, còn chiếc âu nhỏ, Thạch Sùng vội bám lấy cố giữ lại bằng được. Nên trên đồ gốm cổ người ta đã nặn con thạch sùng bám trên miệng âu để nhắc nhở cho những kẻ hợm mình hãy nhớ mà cảnh giác trong những cuộc buông lời nhả giọng thách đố.
Thạch sùng khi ăn no hay đánh tiếng chách chách chách... Người ta bảo ấy là lúc thạch sùng chép miệng tiếc của nhớ về cái gia sản lẫy lừng một thời.
Dù gì thì xét cho cùng, Thạch Sùng cũng thuộc loại cần mẫn nên mới tích cóp được lắm của cải như thế, chỉ thiếu chút văn hóa sống mà thân bại danh liệt mà thôi.
Nghe chuyện Thạch Sùng, khối anh nhà giàu thời nay thở dài. Nhưng đó là loại còn một phần não. Còn lại thì họ cười mũi vào chuyện Thạch Sùng. Văn hóa là cái quái gì mà quan trọng thế!
Ngày nay, câu chuyện Thạch Sùng cũng chưa cũ. Tất nhiên bây giờ con người khôn ngoan hơn nhưng cũng sẽ không thiếu những chú thạch sùng trong tương lai.
Ngày Xuân ngồi ngắm bức vách nhìn con thạch sùng nhớ lại chuyện xưa thấy vòng luân hồi của vạn vật khép lại thì con người với câu chuyện Thạch Sùng đâu có xa nhau...
Đỗ Đức (trích Gã thợ xăm)
Tags