(Thethaovanhoa.vn) - Tôi từng nghe ai đó nói người thầy lớn là thiên nhiên, trường học lớn là xã hội. Điều đó không sai nhưng nó mênh mông quá, vũ trụ quá. Xã hội thật bao la, thượng vàng hạ cám có cả, học cái gì? Nói học thế thì cũng bằng không.
Với tôi, chữ thầy là gắn với người thầy bằng xương bằng thịt. Thầy là người đã mở trang chữ cho cuộc đời mình, từ những chữ đầu tiên a, b, c.
Cha mẹ nuôi ta lớn, thầy là người rót tri thức vào đầu ta. Cha mẹ dắt ta khi chập chững, cha mẹ cho ta vóc dáng, dạy ta kỹ năng sống trong nhà và xã hội. Thầy truyền cho ta chữ nghĩa và kiến thức của tiền nhân, cho chúng ta vững vàng hơn về tư duy sống. Thầy chỉ đi với ta đoạn đầu, rồi ta còn phải đi xa hơn nữa khi đủ khả năng nhận thức. Lúc ấy mới có khả năng học từ thiên nhiên và xã hội.
Kiến thức thầy trao thì ta cũng phải đủ khả năng “đối ứng” mới tiếp nhận được. Giống như cơ thể khỏe mạnh thì mới hấp thụ được thức ăn. Còn không thì ăn vào rồi lại thải ra, chẳng thu được gì, kết quả là cơ thể ốm đau què quặt.
Khi ta “quên” thầy là lúc ta đã trưởng thành.
“Quên” là lúc đã đủ trí năng định đoạt mọi chuyện, đã biết tư duy độc lập, nghiên cứu độc lập, làm việc độc lập. Thầy chỉ là người lái đò chở ta qua cơn sông mê, đến với ánh sáng trong đoạn đường đầu, một đoạn rất ngắn trong cuộc đời.
Tất nhiên, đoạn đường đầu đó tuy ngắn mà rất quan trọng, vì đó là nền móng đầu tiên để làm nên ngôi đền tri thức. Ngắn, nhưng đó là những viên gạch đầu tiên làm bệ đỡ cho cả tòa lâu đài tri thức mà ta sẽ dựng lên. Ai dám coi thường cái móng nhà đó? Ai dám quên ơn?
Rời thuyền, ta lên bờ đi tiếp thì thầy quay đò chở chuyến khác. Nhiều năm sau, nếu ta giỏi giang, bóng trùm mặt đất, quay về thì lúc ấy người thầy đưa đò kia đã già nua và yếu ớt. Và dù kiến thức thầy cho ta thời a, b, c ấy chỉ như vài cọng rơm trên đống rơm mà ta có thì thầy vẫn là thầy. Mấy sợi rơm thầy cho buổi ban đầu không tầm thường tí nào, nó là những sợi rơm vàng để ta có đống rơm to sau này.
Bởi thế, đi đâu về đâu, tôi vẫn luôn nhớ các thầy từ phổ thông đến đại học mà tôi từng thụ giáo.
Mạch đời con người như sợi song mây luồn qua rừng núi. Dù bò dài trăm dặm thì cũng xuất phát từ một cái gốc. Cắt gốc đi thì dây mây kia sẽ chết.
Đông Ngàn
Tags