(Thethaovanhoa.vn) - Một tối ở homstay bản Dọi (xã Tân Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La), mấy chúng tôi đi qua cổng ngôi nhà cuối xóm, thấy một người đàn ông trung niên ngồi bên bàn nước trước hiên nhà đang nhìn vọng ra đường cái. Tôi cất tiếng chào. Ông xởi lởi mời vào chơi. Chúng tôi vào.
Câu chuyện thăm hỏi đến hồi thân mật, ông bèn xách rượu ra mời uống. Rượu chay, nên nhanh say. Vui lên, ông gọi vợ và cô con dâu ra uống rượu chào khách. Vui thêm nữa, ông bảo hát lên cho vui! Ừ thì hát. Là khách phải hát trước. Xong đến phía chủ nhà.
Đang hát, ông bốc điện thoại nói gì đó. Lúc sau thấy 2 người phụ nữ còn trẻ cùng với mấy đứa cháu đã lớn chở một chiếc loa thùng đến. Ông chủ giới thiệu 2 người phụ nữ này chính là các con dâu của ông, đứa dâu cả và đứa dâu thứ sống trong cùng bản, ông gọi đến để hát, múa xòe cho vui. Một chiếc loa có chức năng tương tác với điện thoại, khi mở nhạc từ điện thoại, nhờ loa, âm thanh được kích hoạt vang to lên tùy thích… Nhờ vậy, cuộc vui thêm rộn ràng.
- Tổng kết và trao giải Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc 'Giai điệu quê hương'
- Quảng Ninh: Khai mạc lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng vùng cao Đại Dực
- Liên hoan văn hóa, văn nghệ trong thanh niên tín đồ tôn giáo và dân tộc thiểu số Hà Nội năm 2020
Tôi hỏi, các con trai của ông đâu không thấy có mặt mà chỉ toàn các con dâu? Ông chủ bảo: “Đàn ông trung niên ở bản này đi làm hết rồi. Ở nhà chỉ có ông bà già, phụ nữ, trẻ con thôi”. Ông cho biết các con ông đi làm công ty ở tận dưới xuôi, mạn Hưng Yên, Hải Dương, chỉ thỉnh thoảng mới về.
Mấy người khách chúng tôi cùng ông chủ, 3 người con dâu và mấy đứa cháu của ông bà tay trong tay nhún nhảy theo nhịp “Inh lả ơi”, “Sòn sòn sòn đô sòn”, “Tình ca Tây Bắc”… Có lúc ông chủ đứng giữa vòng xòe, tay cầm chai rượu rót vào chén rồi đưa cho mỗi thành viên trong vòng xòe uống…
Đêm ở bản, sương xuống lạnh tê. Ánh trăng giữa tháng rời rợi tràn lan trên mặt đất. Chúng tôi cùng ông bà chủ và con cháu trong nhà vui văn nghệ hết mình. Người Thái đen là thế. Khi đã vào cuộc vui, khoảng cách giữa khách và chủ, giữa cha mẹ dâu rể, anh em, con cháu hầu như được xóa bỏ. Chỉ còn lại những niềm vui, niềm yêu sống được bừng lên rực rỡ, mê đắm.
Tôi cũng đã từng đi đến một số bản người Dao, người Thái, người Mường, cũng đã tham dự một số buổi sinh hoạt văn nghệ tại cộng đồng hoặc tại nhà, chưa bao giờ được tham dự cuộc vui có mặt cả 3 thế hệ: Bố mẹ chồng, các con dâu và các cháu. Thì ra, người Thái đen rất dồi dào chất nghệ sĩ ẩn tàng, chỉ chờ có dịp là bùng nổ.
Sinh hoạt văn nghệ ở bản Dọi nhìn chung khá đa dạng, gồm đủ dân ca, dân vũ truyền thống Thái, Kinh; có cả nhạc ta Tây cổ kim đủ thứ. Có lẽ nên tính đến một chương trình văn nghệ thuần bản sắc Thái (hát, múa, nhảy sạp, biểu diễn nhạc cụ…) một cách bài bản, căn cơ, vừa để phục vụ du lịch, vừa gìn giữ di sản truyền thống là điều rất cần.
Nhà phê bình Văn Giá
Tags