Tập tản văn Nhà & người vừa phát hành chọn in gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua, trên một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Đây là cuốn đầu tiên trong bộ 3 cuốn sẽ lần lượt ra mắt của Lê Thiết Cương, mà tiếp theo là Trò chuyện với hội họa và Trong hạt thóc có hạt gạo (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về tập tản văn nay. Tựa và các tít phụ do báo đặt.
Một cách kể mà không kể
Đọc tản văn của Lê Thiết Cương, đọc liền một mạch bởi sự cuốn hút, đọc rồi ngẫm nghĩ bởi giai điệu văn xuôi khác biệt của chàng họa sĩ tối giản này.
Giai điệu văn xuôi của Lê Thiết Cương là giai điệu đẹp. Một cách kể mà không kể. Lúc nồng ấm, lúc thoáng lạnh. Cương luôn chủ động chiếm lĩnh không gian, làm quen với nó, rồi thân với nó. Rồi yêu nó. Những gì Cương thổ lộ về không gian đó đều thắm thiết, đều da diết như chia sẻ với người đọc vẻ đẹp của người tình mà mình tận lòng yêu.
Đóng góp của Cương với tản văn là anh đã văn xuôi hóa bao đúc rút văn hóa để đưa vào trang viết của mình. Phần văn xuôi ấy thường được để sau một đoạn kể ngắn. Nó như cách về các trung âm hoặc át âm sau một câu nhạc. Giai điệu thì cổ điển, nhưng cách dẫn dắt câu này sang câu khác lại rất hiện đại.
Đọc Đã Xuân rồi, không ai nghĩ Cương lại dẫn người đọc đi qua một căn làng xưa cũ đến cái lô-cốt ở ven đê. Để rồi dẫn tới một cái kết bất ngờ khi nói về tranh Lưu Công Nhân. Đọc sang Thì ở đó lại thấy Cương không chỉ bàn về cái nhà của 2 người bạn, mà ở đấy thực ra là lại bàn về cặp phạm trù chính, phụ. Bàn như không. Đọc Cựu cũng để đau đáu về nỗi niềm "Đau ở chỗ, khi nghèo thì giữ được, lúc có tiền thì lại phá". Một thực trạng đang mất làng với phong vị cổ xưa mà thay vào đó là những làng dở làng, dở thị trấn mà ta đang cố gọi là "nông thôn mới". Đọc đến Đẹp nhỏ sao thấy yêu cái xóm Trại bên nhánh nhỏ sông Hồng mang tên Lòng Choóng. Giai điệu tản văn này mờ ảo liêu trai, mờ ảo như "giáo đường xóm Trại" cô đơn trong màu gạch đỏ được nung bằng bẹ ngô và cỏ tranh Bãi Giữa.
Đọc tới Mòn sen chắc ta rất muốn hóa thành cái bàn trang hạt sen được treo ở quán Liên Khai quận 13 Paris như một décor tối giản mà chính bà chủ quán tự design cho quán của mình. Cái bàn trang của làng Ninh Hiệp như bùa hộ mệnh mà bà chủ quán mang theo bôn ba khắp các phương trời. Mòn sen có một giai điệu thơm như khói của chậu than sưởi đốt bằng vỏ sen.
Từ những căn làng xa gần, Cương mới cho ta đọc đến 36 phố - 1 phố, viết về cái độc đáo của phố cổ Hà Nội: phố - làng. Cương nhìn Hà Nội như cốt lõi của âm, dưỡng nhiều hơn sinh. Âm cũng chính là cách nghĩ, cách cảm và giọng viết của Cương. Tản văn của Cương gần với thơ.
"Theo tản văn của Lê Thiết Cương là đi một chuyến du lịch xuyên Việt bằng chữ nghĩa... Cương đưa ra những nhận định: Người Hà Nội - người của đô thị trong sông, người Huế - người của đô thị vườn, người Sài Gòn - người của đô thị kênh rạch" - nhà thơ NguyễnThụy Kha.
Đẹp như tình còn dang dở
Không phải vì tôi là người Hải Phòng "jin" mà tôi lại khen bài tản văn viết về Hải Phòng của Cương, mà thực sự nó hay thật. Ở đó không còn dấu vết của người viết nữa. Cảm xúc đã hòa tan anh vào những con chữ và để nó cứ thế thở dài trên trang giấy. Nó thật toàn bích.
Lời trách móc mà viết như thế này thì thật khó mà không nhận lỗi: "Hải Phòng giống như một cậu bé đi chơi trong rừng bị lạc. Nhiều chục năm sau, cậu ấy trở về, cuộc sống đã đổi thay, đã mới, nhưng cậu ấy vẫn cũ, cũ nhưng đẹp. Bởi qua cậu ấy, những người hôm nay mới có cơ hội để nhìn thấy quá khứ của mình, lịch sử của mình, gặp lại được mình".
Theo tản văn của Cương, chúng ta lên Đà Lạt để thấy một góc nhìn khác về "thành phố ngàn hoa" này. "Hòa nhập để bảo tồn. Du nhập để làm mới mình. Bài học đó Đà Lạt đã làm được ngay từ lúc chào đời". Hai tản văn Duyên Đà Lạt và Duyên cũ đã bảng lảng vào ta màn sương khói se lạnh của "xứ sở tình yêu" này.
Theo tản văn của Cương là đi một chuyến du lịch xuyên Việt bằng chữ nghĩa. Từ Đà Lạt, ta dốc xuống "Sài Gòn - viên ngọc Viễn Đông". Thật thích thú khi Cương viết "Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất cởi mở, phóng khoáng, bộc trực của người Sài Gòn làm cho mọi người ở khắp nơi tự đến với Sài Gòn". Cũng ở đây, Cương đưa ra những nhận định: Người Hà Nội -người của đô thị trong sông, người Huế - người của đô thị vườn, người Sài Gòn - người của đô thị kênh rạch.
Tôi cũng mê Mở đẹp không kém gì tản văn Cương viết về Hải Phòng. Mở đẹp là cái nhìn thênh thang của Cương về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn "không tường cao, rào chắn". "Nó là mỹ cảm của gần xong, của ngập ngừng, của chấm lửng, của kết thúc mở, mở đẹp".
Điểm cuối cùng của chuyến du lịch cùng Lê Thiết Cương là thành phố nhỏ Carmel thuộc bang California (Hoa Kỳ). Một "đêm ngắn" để lại "một giấc mơ dang dở". Dở dang như những trang Văn xuôi của Lê Thiết Cương mang chứa đầy chất âm, gần với thơ. Giai điệu văn xuôi Lê Thiết Cương giàu âm hưởng cổ điển. Một giọng điệu văn hóa khác biệt.
Triển lãm tại TP.HCM và ra mắt sách tại Hà Nội
Triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Lê Thiết Cương tại TP.HCM có tên là Duyên, đang diễn ra tại Nhà trưng bày và triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn). Triển lãm giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng, tái hiện các làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Vào lúc 10h ngày 8/8 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) sẽ ra mắt tập tản văn Nhà & người của Lê Thiết Cương. Như tên gọi, sách đi từ chuyện nhà cửa đến chuyện làng, chuyện đất, chuyện người, chuyện gia cảnh, qua nhà thấy người và qua người thấy nhà.
Tags