(Thethaovanhoa.vn) - Mấy tháng trước, tôi được mời làm giám khảo một chương trình của sinh viên. Trong phần tranh biện liên quan đến những vấn đề mà sinh viên quan tâm, có một chủ đề khá nóng. Đấy là “Sinh viên có làm thêm khi còn ngồi trên ghế giảng đường hay không?”.
- Hà Nội: Học phí trường công lập sẽ tăng gần 40%
- 'Bão học phí' và ước mơ du học
- Học phí 'khủng khiếp' và câu chuyện 'dịch vụ giáo dục'
Người phản đối khẳng định rằng, nhiệm vụ chính của sinh viên là học, và chỉ có chăm chỉ học và trau dồi kiến thức thì sau này mới có thể ra đời và kiếm được việc làm. Cô nói thêm rằng, đã có nhiều bạn sinh viên vì quá mải mê đi kiếm tiền mà nợ tín chỉ, nợ thi và thậm chí không tốt nghiệp được.
Nhưng người phản đối lại nói rằng, làm thêm trong khi còn là sinh viên chẳng có gì là xấu, vì đấy là đồng tiền kiếm được hoàn toàn chính đáng, và bản thân số tiền ấy cũng có thể được dùng để trang trải phần nào cuộc sống của họ.
Thực ra, ai cũng có lý trong các luận điểm của mình. Nhưng tôi, từng làm thêm vài việc linh tinh hồi còn là sinh viên, thì quá hiểu được điều gì đã thúc đẩy họ đến với đồng tiền khi còn chưa rời cánh cửa trường: bởi vì họ cần tiền, rất cần, khi những chi phí cho cuộc sống (nhất là sinh viên ngoại tỉnh) đang đè nặng lên vai họ.
Chẳng ngạc nhiên khi rất nhiều sinh viên nam chạy Grab, nhiều đến mức đỗ xe xanh những góc phố, còn sinh viên nữ làm gia sư, chạy bàn hoặc nhiều nghề khác nữa. Chưa có một con số thống kê cụ thể nào về việc có bao nhiêu sinh viên như họ, nhưng chắc chắn là nhiều lắm, và có lẽ tăng lên sau mỗi năm học.
Nhưng ngoài những nỗi lo về thuê chỗ ăn ở hay tiền tiêu vặt và trăm khoản linh tinh khác khó kể tên, ngày càng phình lên nỗi lo về học phí. Nếu dự thảo về việc tăng học phí ở các trường Đại học (ĐH) công lập của Bộ Giáo dục & Đào tạo trình Chính phủ được thông qua, gánh nặng về tài chính lên sinh viên và gia đình họ lại càng lớn.
Theo đó, từ năm học 2020-2021, học phí mỗi tháng ở ĐH tự chủ về tài chính sẽ cao hơn hiện tại từ 2 đến 3,5 lần (từ mức trung bình hiện tại 9,8 triệu đồng đến 14,3 triệu/năm), trong khi ở các trường ĐH chưa tự chủ sẽ tăng từ 2,8 đến 4,7 lần (từ mức hiện tại 7,4 triệu đồng đến 10,7 triệu/năm). Một phần không nhỏ từ số tiền tăng lên ấy sẽ được đầu tư ngược lại nhà trường, nhất là các trường đã áp dụng tự chủ tài chính.
Đối với những sinh viên ngoại tỉnh, đấy là một khoản tiền không nhỏ, một áp lực lớn đối với không ít người và buộc họ phải đứng trước rất nhiều thách thức để có thể tồn tại. Thách thức lớn nhất trong đó hóa ra không phải là kiến thức, mà luôn là làm thế nào để có tiền chi trả cho cuộc sống và học phí. Tất cả để có một tấm bằng ĐH và rồi sau đó ra trường, kiếm được một việc làm.
Nhiều người trong số họ, thay vì chỉ quan tâm đến việc học, lại phải lao mình vào cuộc đời để kiếm tiền trong những khoảng thời gian rảnh rỗi mà họ có, thậm chí không ít sinh viên đi kiếm thêm cả trong những giờ mà lẽ ra họ phải tới giảng đường. Rốt cuộc, họ học được gì dưới những mái trường ĐH, phải chăng là học kiếm tiền khi hoàn cảnh đẩy họ vào tình trạng ấy, và kiến thức thực tế sẽ không có được bao nhiêu?
Câu chuyện về tăng học phí ĐH công lập chắc chắn sẽ nóng lên, nếu như dự thảo trở thành hiện thực, góp thêm “lửa” cho chủ đề về thu và lạm thu tràn lan trong hệ thống giáo dục các cấp đã luôn nóng bỏng mỗi khi bước vào năm học mới.
Lý do của việc tăng các mức thu luôn là để “nâng cao chất lượng đào tạo”, một cụm từ nghe rất mạnh mẽ và sáng sủa, nhưng trên thực tế lại chung chung và đầy tính gợi mở cho việc... tăng tiếp vào các năm học sau nữa, trong hoàn cảnh đời sống ngày càng đắt đỏ, và việc học ngày càng tốn tiền. Thế mà không ít người vẫn dè bỉu những sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện với giá 2 nghìn đồng là “thiếu tự trọng”...
Trương Anh Ngọc
Tags