(Thethaovanhoa.vn) - Không phải đợi đến heo may, không phải đợi đến mưa ngâu, năm nào Hà Nội chẳng có mưa ngâu và mưa phùn. Những người ở Sài Gòn khó chia sẻ với mưa phùn và mưa ngâu Hà Nội. Đó là thứ mưa đặc sản của nỗi buồn, nhớ nhung không cơn cớ.
Năm nay vì một lý do đi công tác xa, nên chị Đan Phạm tìm cách đi thăm chồng sớm. Ở khu nghĩa trang bây giờ như không còn cỏ. Khu đất ruộng năm xưa, đồng quê còn đầy mùi cỏ và hơi thở của lúa, thì nay chồng chất những khu nhà chung cư cao tầng xây che chắn hết không gian. Mộ chí nào cũng ốp đá hoa cương, bê tông, đến lối đi cũng đổ bê tông nốt. Không gian chẳng còn hơi đất và không nhìn thấy cỏ. Muốn có một đám cỏ trên mộ cũng đành đi mua.
Làng quê vùng Bắc bộ cứ hẹp dần lại. Nhân dân, người nghèo sẽ cố trèo lên chung cư giá rẻ, người khá giả hơn leo lên chung cư giá cao; cứ thế, khu công nghiệp mỗi ngày lan rộng, ngay cả khu nghĩa trang cũng không còn hơi đất để cho ngực đất vồng lên thở nữa rồi.
Thôi thì tro bụi cứ về với tro bụi. Nhưng khi đã là tro bụi, cũng bị người sống nhốt vào đá hoa cương, nhốt trong bê tông với cách nghĩ hiện đại trần sao âm vậy. Giời ạ, người sống đã chết đâu, mà họ cứ gán cho người chết nào đủ thứ vật chất của âm phủ, từ điện thoại di động đến vi tính đến ô tô, nhà lầu... Đất từ khu nghĩa trang bê tông hóa chạy đến gần sát tam quan nhà chùa. Sân trước, sân sau đang biến thành nơi kinh doanh tinh tế từ dịch vụ của cái chết con người.
Bây giờ, nhà chùa cúng vong, các tín chủ cũng phải có vài chục triệu đồng cho người nằm xuống. Cỗ chay cũng núp bóng kinh doanh ở sân sau chùa cổ. Bây giờ, cúng sao giải hạn tiền bạc triệu. Ngay cả sân sau, sân trước nơi thờ tự cũng lát gạch đỏ, chỉ chừa những gốc cây mộc, gốc cây khế mà thôi.
Đến đồng ruộng cũng không còn con đường cỏ mọc đủ một bàn chân đi, cua đồng và cá diếc đồng, cá đuôi cờ chạy đâu mất, đâu còn bóng cá sủi tăm ở ao làng. Ao làng cũng không. Quê nhà mà như quê người. Nhà quay mỗi nhà một hướng, nghĩa trang đất quê cũng mỗi hướng một cách xây mộ.
Chợt nhớ câu chuyện hơn hai mươi năm trước, nhà biên kịch Tào Mạt trước khi ra đi, ông chỉ ao ước “để lại một tiếng nổ không vang”. Ông từng dặn bà Bát, người vợ của ông, rằng: “Bà nhớ để tôi nằm ở cánh đồng,nhớ là không được xây cất, không bia đá, bà và các con nhớ tôi là được”.
Giản dị trong tư duy, giản dị mà uyên bác trong cõi vô thường, Tào Mạt luôn nhìn đời bình thản với cỏ và với lúa. Mặc dù ông đã để đời với những vở kịch gieo mãi nước mắt tiếng cười vào lòng người một thuở.
Ký ức tốt đẹp vẫn ở đó, câu chuyện tử tế vẫn như cỏ xanh, thời gian không xóa nhòa, dù dưới chân ta đi mỗi ngày một ít cỏ, và thiếu cỏ.
Và hơi thở của chúng ta có mướt xanh?
Hoàng Việt Hằng
Tags