(Thethaovanhoa.vn) - “Không chỉ đơn thuần là đi đưa tin, phản ánh về các sự kiện văn hóa, giải trí mà chúng ta cần phải chủ động tạo ra các sự kiện văn hóa. Cái gì có ý nghĩa cho văn hóa, mà không có ai đứng ra làm, thì chúng ta hãy thử bắt tay vào làm. Dịch bệnh càng ảm đạm thì chúng ta càng phải tạo ra nhiều “cú hích” văn hóa hơn”.
Đó là phương châm hành động của những người làm báo Thể thao và Văn hóa (TT&VH) trong thời gian vừa qua. Điều đó giải thích tại sao, hai lần tổ chức Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, mà cả hai đều bị kẹp giữa các đợt dịch, nhưng TT&VH vẫn quyết định không hủy/hoãn giải, vẫn quyết tâm đưa giải về đích đúng thời hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch.
Quyết tâm đó không chỉ thể hiện ở riêng giải Dế Mèn, mà đối với các giải thưởng khác như Giải Âm nhạc Cống hiến, Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, báo cũng quyết đương đầu với đại dịch với phương châm như thế.
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, TT&VH đã gặp lại các chủ nhân của Giải Dế Mèn lần 2 – 2021 vừa được công bố vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) năm nay, để hỏi xem họ đã nghĩ gì khi có một giải thưởng bất ngờ gọi tên họ trong những ngày ảm đạm của mùa dịch. Họ đánh giá ra sao khi đến dự một sự kiện văn hóa “không có khán giả trực tiếp” như Lễ trao giải Dế Mèn tại Hà Nội, hoặc nhận được thông báo hủy/hoãn tới nhận giải vào phút cuối như tại TP.HCM.
Họa sĩ Mèo Mốc: Cũng… nhẹ người khi lễ trao giải bị hoãn
* Xin chào Mèo Mốc, bạn đang làm gì khi nhận được tin cuốn “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!” đoạt giải Dế Mèn?
- Tôi đang ở nhà tại TP.HCM và đang trong quá trình sáng tác cuốn Tây Du Hí tập 6 (đang vẽ hoàn thiện và tô màu) để kịp ra mắt trong năm nay. Thực ra tôi cũng không biết cuốn Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! được đề cử cho giải năm nay. Thành thử khi nhận được thông tin đoạt giải, đầu tiên tôi cảm thấy rất bất ngờ. Và đương nhiên là rất vui nữa.
* Trong những ngày dịch bệnh vừa qua, tính từ Tết đến giờ, bạn làm được nhiều việc không?
- Cũng không quá nhiều việc. Hồi đầu năm, tôi dành thời gian để lên khung nội dung cho các tác phẩm mới, nên lúc này tôi chủ yếu ngồi... nghĩ, viết nháp các ý tưởng trên máy tính, chuẩn bị tập kế tiếp cho Ly & Chũn.
Cuốn Mèo Mốc Black Book tập 2 cũng vừa hoàn thiện và nộp cho đơn vị xuất bản tháng 6 này. Cuốn này thực chất là phiên bản lược bỏ màu của series Nhật ký Mèo Mốc, nhằm hạ giá thành và giúp các bạn đọc nhỏ tuổi dễ tiếp cận hơn.
Xen kẽ đó, tôi cũng vẽ một vài mẩu truyện tranh vui ngắn với nhân vật Mèo Mốc, và đăng lên fanpage cho các bạn đọc.
Nhìn chung, toàn bộ công việc của tôi trong các tháng vừa qua đều xoay quanh truyện tranh.
* Khi đoạt giải Dế Mèn, bạn bè, gia đình và các fan nói gì với bạn?
- Nhìn chung, mọi người đều chúc mừng thành công mới lần này của tôi. Nhưng nhiệt tình nhất vẫn là các fan. Các bạn comment rất vui: "Theo dõi con Mốc bao nhiêu năm nay, cuối cùng Mốc cũng được báo chí chú ý rồi, mừng quá".
Có bạn còn nhắn tin riêng, kể rằng lần đầu bạn ấy mua truyện của tôi là từ hồi còn rất nhỏ, khi đi dạo nhà sách và tình cờ thấy cuốn Nhật ký Mèo Mốc. Mua về rồi thì cả bạn và chị cùng đọc và cùng cười. Truyện Tây Du Hí, bạn ấy cũng đọc và sau này mới biết vẫn là cùng một tác giả. Bạn kết lại rằng: "Truyện của anh giờ nổi tiếng rồi, em mong anh đừng quên những độc giả ủng hộ anh vào những ngày đầu vẽ truyện. Chúc anh luôn phát triển trong công việc của mình".
* Trong những ngày TP.HCM phải giãn cách xã hội này, tâm trạng của bạn ra sao? Sau khi nhận được giấy mời đến dự lễ trao giải vào sáng 1/6, nhưng ngay trong đêm 30/5, BTC lại báo dừng tổ chức tại TP.HCM, bạn thấy thế nào?
- Về cuộc sống cá nhân của tôi thì thực ra cũng không có nhiều thay đổi quá, vì trước giờ công việc của tôi cũng đòi hỏi phải ở nhà ngồi vẽ nhiều, không khác khi giãn cách là mấy.
Khi được tin lễ trao giải bị hoãn, tôi cảm thấy khá tiếc nuối, vì đây là lần đầu truyện tranh của mình đoạt giải thưởng và cũng muốn được tham dự lễ trao giải, nhưng vì tình hình dịch bệnh nên đành chịu vậy. Nói đúng ra thì, tôi cũng có một phần cảm thấy nhẹ người khi lễ trao giải bị hoãn, vì được thông báo gấp quá nên đợt đó... tôi vẫn chưa kịp đi cắt tóc và cũng chưa kịp chuẩn bị tinh thần để đi dự lễ trao giải nữa.
* Trước khi đoạt giải Dế Mèn, Mèo Mốc đã là tác giả truyện tranh chuyên nghiệp, một tay gây dựng cơ đồ rồi. Vậy sau giải có thấy có gì thay đổi không?
- Giải thưởng Dế Mèn với tôi giống như một sự chấp thuận của lớp độc giả lớn tuổi đối với tác phẩm của mình, một bước thành công đầu tiên trong việc thay đổi suy nghĩ của người lớn. Rằng truyện tranh không chỉ như một hình thức giải trí vô thưởng vô phạt, mà giống như tiểu thuyết hay điện ảnh, đều có khả năng truyền tải những giá trị văn hoá tốt đẹp tới công chúng.
Nhà văn Bình Ca: Hy vọng hết dịch ngành xuất bản sẽ bội thu
* Thưa anh Bình Ca, anh có bất ngờ khi giữa mùa dịch, đột nhiên có người thông báo tiểu thuyết “Đi trốn” của anh đoạt giải và mời anh đến nhận giải sau 72 tiếng?
- Tôi có ngạc nhiên vì trước đó có người nói với tôi rằng, Đi trốn được đề cử nhưng đã trượt từ vòng gửi xe. Tôi cũng chẳng lấy làm phiền lòng, vì mình là dân nghiệp dư mà, được một tờ báo có bề dày truyền thống như TT&VH cho vào vòng gửi xe cũng vinh dự lắm rồi (cười).
Thực lòng thì tôi thấy khá thú vị khi được trao giải ở thể loại viết cho thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi khó hơn viết cho người lớn nhiều, và có lẽ đây là cơ hội nhận giải duy nhất của tôi, vì nếu viết tiếp tôi sẽ chỉ viết cho người lớn.
* Anh nghĩ gì về một Lễ trao giải giữa mùa dịch vừa rồi – một lễ trao giải “không khán giả trực tiếp”, mà ngay cả tác giả đoạt giải cũng chỉ được mang theo 1- 2 người thân (phải đăng ký trước), và phải đeo khẩu trang kể cả khi lên nhận giải?
- Tôi chưa dự lễ trao giải (văn chương) nào nên khó so sánh với việc nhận giải khi chưa có dịch. Nhưng cảm giác của tôi khi nhận giải là cách làm việc của báo TT&VH khá chuyên nghiệp. Gọn nhẹ, nhưng trang trọng và đầy đủ nội dung. Nếu được nhận giải nữa thì tôi vẫn thích được nhận theo kiểu online này, vì tác giả có thể thiếu mấy bó hoa của bạn đọc nhưng lại đỡ được bao nhiêu tiền chiêu đãi (cười)!
* Trong mùa dịch vừa qua, anh có cảm thấy như thế nào ít có các sự kiện văn hóa được tổ chức. Anh em văn nghệ sĩ cũng ít có điều kiện giao lưu?
- Khi biết tôi in Đi trốn trong mùa dịch, anh Nguyễn Nhật Ánh có nói: Anh phải chú ý là sách sẽ bán rất chậm, vì lượng người mua sách ở các hiệu sách mới đông, chứ mua online ít lắm. Xuất bản là một ngành kinh doanh. Các nhà văn cũng chung số phận với các doanh nghiệp thôi.
Theo tôi, cái gì cũng có tính hai mặt. Nghệ sĩ là những người giàu năng lượng, nếu không có chỗ bùng cháy (các sự kiện, gặp gỡ giao lưu...) thì họ sẽ phải ngồi viết. Hy vọng hết dịch ngành xuất bản sẽ bội thu.
* Thế còn ý tưởng du lịch vùng núi đá vôi theo tour lấy cảm hứng từ “Đi trốn” thì sao?
- Từ đầu năm tới nay, Sở Du lịch Ninh Bình đã mấy lần dự định mời các công ty lữ hành lớn về khảo sát xây dựng tour mới, trong đó có tour Đi trốn, mô tả lại hành trình các bạn trẻ đã đi qua như các hang động, dòng sông ngầm, vách đá ma, phượng hoàng hay quần thể voọc quần đùi trắng... nhưng phải hoãn vì dịch.
Hệ thống núi đá vôi và các hang động là món quà vô giá mà thiên nhiên bạn tặng cho du lịch Việt Nam, cần được quảng bá và phát huy hơn nữa, ngoài giới thiệu của các công ty du lịch, chúng ta có thể đẩy mạnh trên các lĩnh vực văn học và điện ảnh.
Thực ra từ ý tưởng đến tổ chức thực hiện là một chặng đường, và là hai vấn đề khác nhau. Ý tưởng tốt đến mấy cũng cần những bàn tay tổ chức chuyên nghiệp.
* Giải Dế Mèn có ý nghĩa như thế nào với anh giữa mùa dịch "cơm nhà ba bữa"?
- Tôi viết Đi trốn đầu năm 2020, khi Covid-19 khiến cho mình phải ngồi nhà để bày tỏ lòng yêu nước. Khi đó để đỡ buồn, tôi kết hợp yêu nước với viết truyện. Giải Dế Mèn giúp tôi thấy nếu chúng ta nhìn cuộc sống theo hướng tích cực thì không gì có thể ngăn cản chúng ta đi lên phía trước.
* Hình ảnh Bình Ca đeo khẩu trang cùng vợ chụp ảnh lưu niệm sau khi nhận giải Dế Mèn là hình ảnh đẹp giữa mùa dịch. Ngoài đời, khi dịch bệnh chưa bùng phát, anh chị có hay "đi trốn" cùng nhau đến nơi non nước hữu tình để “dối già”?
- Câu châm ngôn yêu thích của tôi là "Sống, đi khắp đó đây và nằm xuống chết, thế thôi!" Có cơ hội là cả gia đình tôi dành thời gian cho du lịch. Còn đi để “dối già” thì chưa, vì tôi thấy mình còn trẻ và khỏe lắm.
- 'Khác biệt mới tuyệt làm sao' giành giải Khát vọng Dế Mèn: Bóng dáng hoạt hình 'chuẩn' Disney
- Tiểu thuyết 'Đi trốn' giành giải 'Khát vọng Dế Mèn': Sự ý thức về phẩm cách chính mình
- 5 giải 'Khát vọng Dế Mèn' năm nay đã làm nên một mùa giải rất chất lượng
- Kết quả Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2-2021: Tôn vinh 5 'Khát vọng Dế mèn'
Nguyễn Hoàng Vũ: Tôn trọng và hết lòng vì dịp lễ của các em thiếu nhi
* Cảm xúc của bạn khi biết tin bộ sách “Khác biệt mới tuyệt làm sao” của mình và ê-kíp đoạt giải giữa mùa dịch rồi lại hay tin Lễ trao giải Dế Mèn tại TP.HCM phải hủy/hoãn vào phút cuối?
- Mình bất ngờ vì bản thân vốn không tự “ứng cử” vào giải thưởng, mà cuối cùng lại đoạt giải. Mình hạnh phúc vì câu chuyện mình kể nhận được sự đồng điệu từ giải thưởng, đồng thời còn cảm kích vì BTC vẫn giữ ngày công bố và trao giải là 1/6 tại Hà Nội, nghĩa là tôn trọng và hết lòng vì dịp lễ của các em thiếu nhi.
* Sau khi đoạt giải, bạn bè gia đình, bạn đọc chúc mừng bạn ra sao?
- Mình chụp màn hình một đoạn nhỏ trong bài báo công bố giải thưởng đăng lên Facebook. Mọi người, cả những bạn thường ngày không quá thân thiết, chân thành chúc mừng và bảo nhất định sẽ mua sách tặng con/cháu nhân ngày đặc biệt này. Qua giải thưởng, mình cũng được vài bạn trong lĩnh vực khuyến đọc trẻ em kết nối.
* Giữa những ngày giãn cách xã hội này, tâm trạng của bạn ra sao, đang ấp ủ sáng tác những gì?
- Mình làm công việc viết lách tự do từ cuối 2019, cho nên xem ra đã “tự giãn cách” từ trước khi bùng dịch. Vì thế, mình chẳng gặp khó khăn gì vì TP.HCM giãn cách xã hội, mà ngược lại, còn có thêm nhiều khoảng lặng để phản tư, suy ngẫm.
Hiện mình đang tham gia biên kịch cho một vở trình diễn thể nghiệm (experimental performance), đồng thời chuẩn bị sang New York để theo học chương trình Thạc sĩ Biên kịch Điện ảnh. Mình rất háo hức khi nghĩ về chặng đường sắp tới.
* Bạn nghĩ gì khi nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng và cúp từ... shipper?
- Chắc chắn mình sẽ dành một góc trong tủ sách để lưu giữ chiếc cúp, một cột mốc đẹp trong sự nghiệp viết lách đa phương tiện.
* Cảm ơn anh!
Dẫu thiệt thòi nhưng đang làm đúng Đối với những giải thưởng nói chung, và giải thưởng văn chương nói riêng trước đây, sau mỗi lần tổng kết, đều có lễ trao giải long trọng. Người nhận giải được chia vui với người thân, bạn bè và các phóng viên có một bữa tác nghiệp sôi nổi. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn sau lần đầu tiên diễn ra, đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình, được công luận quan tâm chú ý. Và lễ trao giải lần thứ 2 cũng nằm trong sự quan tâm, trông đợi ấy. Tuy nhiên, vì diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc BTC thay đổi phương thức trao giải (trao giải không khán giả trực tiếp tại Hà Nội, hủy trao giải tại TP.HCM), theo tôi dù có phần thiệt thòi cho những người được giải, nhưng là một quyết định đúng đắn, kịp thời. Điều này thể hiện tinh thần và ý thức chung tay cùng cả nước chống dịch từ BTC. Thực tế, kể từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã không còn sôi nổi như trước. Giải Dế Mèn lần 2 là hoạt động văn hóa nghệ thuật hiếm hoi trong bối cảnh hiện nay. (Nhà văn, nhà báo Hồ Huy Sơn - báo Sài Gòn giải phóng) |
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Tags