Hai bài trước tôi đã đề cập đến ánh sáng ban ngày và ban đêm thời Đông Sơn do "đèn Trời" mang lại. Từ bài này sẽ nói nhiều hơn đến "đèn Người".
1. Đèn chiếu sáng vẫn được coi như đồ xa xỉ ngay cả đối với những gia đình bình dân ở nông thôn, miền núi nước ta khoảng 40 - 50 năm trước đây - khi mà điện mới chỉ đủ dành cho một số thành phố, thị xã quan trọng. Những chiếc đèn dầu leo lét kiểu bầu sứ, thông phong thủy tinh cũng là đồ hiếm và đắt. Nhất là khi dầu hỏa là sản phẩm mà nước ta khi đó chưa tự sản được, phải bán theo chế độ tem phiếu chặt chẽ. Và chắc ấn tượng đến với mọi người khi chứng kiến ánh đèn măng xông sáng trắng dịp đám ma, đám cưới. Loại đèn dùng hơi nén dầu để phát ra luồng sáng trắng tỏa rộng, mà có khi cả xã, huyện chỉ có vài ba chiếc, chỉ dành cho những sự kiện lễ lạt, họp hành rất quan trọng.
Hiện tại, trong sưu tập đèn của một số nhà sưu tầm, rất hiếm thấy những chiếc đèn dầu cổ xưa "made in Vietnam", mà đa số là "đèn Tây" nhập, bầu đồng hoặc thủy tinh với bộ răng khêu bấc bằng đồng, chế tác tinh vi từ nước ngoài. Chẳng hạn chiếc đèn "Hoa Kỳ" có bầu tiếp bấc bằng đồng được đục hàng trăm lỗ nhỏ thoát khí, vô tình khi đốt bấc sáng lên, tạo ra hàng trăm chấm hoa trên tường…
Đèn dầu hỏa được coi như sản phẩm của thời Pháp thuộc, được các thuyền buôn phương Tây mang vào từ khoảng thế kỷ 18 gắn liền với nhiên liệu thắp sáng là dầu hỏa. Cạnh đó, nến thắp sáng các cỡ làm từ mỡ bò, mỡ cừu cũng theo chân người Âu vào ta, được dùng phổ biến trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Trước đó, người dân thường từ nông thôn miền núi đến cả vua quan trong Hoàng Thành cũng vẫn chỉ dùng đèn dầu thực vật. Lịch sử chiếu sáng bằng các loại đèn bấc cháy nhờ các loại dầu mỡ động thực vật được đẩy đến tận thới tiền sử với đỉnh cao nhất đạt được là trong văn hóa Đông Sơn.
2. Dầu thực vật hay mỡ động vật có độ dẫn cháy và phát sáng thua xa so với dầu hỏa. Tuy nhiên, thông qua công nghệ lọc, chưng cất và kỹ năng pha chế trộn vào đó một số chất dẫn nóng, như dầu rái, diêm tiêu… vẫn có thể tạo ra loại chất dẫn sáng trong, ít muội.
Với sự xuất hiện nhiều loại bầu, bát và chân đèn Đông Sơn còn lại cho đến ngày nay, tôi tin rằng các loại dầu dẫn cháy Đông Sơn đã rất phát triển. Hiện tại khảo cổ học mới cung cấp được hai loại dầu và hai loại nhựa thực vật phổ biến vào khoảng trước sau Công nguyên, tương ứng với niên đại Đông Sơn. Đó là dầu trẩu, dầu cọ, nhựa trám và nhựa cây sơn.
Hạt trẩu phát hiện phổ biến trong địa tầng văn hóa Hòa Bình ở hang Xóm Trại, Làng Vành, Con Moong. Hiện tại chúng tôi chưa có bằng chứng khảo cổ nào về việc dùng gốm, đá, xương sừng để tạo sáng dưới dạng đèn trong văn hóa Hòa Bình. Có lẽ thời này ánh sáng bếp củi vẫn là chính trong sinh hoạt cộng đồng và cây đuốc là chiếc "đèn pin" cho các nhân khi đi ra ngoài hang!
Có lẽ phải đến khi xuất hiện những đồ đất nung kích thước nhỏ vào cuối giai đoạn Phùng Nguyên sang Đồng Đậu (3.500 năm trước) mới có thể gợi ý cho việc dùng để chứa dầu đốt đèn.
Tuy nhiên, tôi đã chứng kiến một cây đèn dầu sớm nhất hiện có là trong văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa). Cây đèn làm bằng gốm, phía bầu đựng đèn có dạng như một thân dưới nồi, vai và miệng thu hẹp lại, trên viền miệng có khía hai rãnh đỡ bấc. Phía dưới là một chân đỡ xòe rộng chắc chắn. Đèn gốm Hoa Lộc được tạo hoa văn đặc trưng với những hàng xoắn song song hình miệng vỏ sò và những nốt vét lớn như đầu que diêm.
Dầu ép từ hạt trẩu được dùng trong nhiều việc, nhưng dùng cho đốt sáng thì được sử dụng cho đến gần đây ở một số vùng dân tộc Mường. Theo đó, dầu trẩu ép ra, cất trong các lọ sành bịt kín, khi dùng rót ra đĩa đèn, nơi có một hoặc nhiều sợi bấc bện từ sợi bông hút ngấm dầu. Lửa thắp sáng bằng cách đốt cháy đầu sợi bấc đã ngấm dầu. Khi dầu cạn lại được tiếp thêm.
Đèn dầu thời Đông Sơn còn lại bằng đồng là chính. Một số đồ gốm dạng đĩa có núm hoặc quai làm bằng gốm trông như một chiếc nắp, chính là các đĩa đựng dầu có bấc, tạo sáng trong các gia đình Đông Sơn. Một vài con vịt gốm nhỏ hay gáo chứa dầu hình chim đã khai quật được trong các địa điểm khảo cổ học Đông Sơn. Nhưng hầu như tất cả vật tạo sáng dạng đèn dầu Đông Sơn như vậy cũng như đèn cao cấp bằng đồng có nhiều tầng, đều chỉ dùng ở nơi kín gió. Chỉ những ngọn đuốc mới có thể đảm nhiệm việc chiếu sáng ngoài trời cho đến khi người châu Âu mang đến những cây đèn "Hoa Kỳ" có thông phong thủy tinh chắn gió.
3. Cùng thời với Đông Sơn ở phía Bắc thì trong văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung xuất hiện nhiều lọ gốm nhỏ, miệng thường đùn một cục vón, được Colani và nhiều nhà khảo cổ cho là các cây đèn dầu Sa Huỳnh. Tiến sĩ người Anh là Ian Glover khi khai quật thành Trà Kiệu (Quảng Nam) đã phát hiện nhiều vò gốm đáy nhọn ở tầng cư trú khoảng thế kỷ 2-5 sau Công nguyên, rất lạ kiểu. Ông đã mang về London để phân tích resine nhằm rtìm hiểu chất chứa bền trong ngấm trong các lỗ khí đất nung làm gốm. Kết quả phân tích cho biết, đó là những vò đựng dầu cọ (palm oil). Kiểu vò khác lạ cho phép kết luận rõ ràng chúng được nhập từ nơi khác về. Dầu cọ hiện đang được sản xuất lớn ở Malaysia, có thể chế biến làm dầu ăn hoặc dầu thắp sáng.
Đi sâu hơn về phía Nam, một đế chế cảng thị đã hình thành trên nền tảng văn hóa lúa và thương mại Óc Eo đồng bằng hạ lưu Mê Công, đã tiếp nhận từ rất sớm nguồn tạo sáng từ văn minh Hy La, Ấn Độ. Những cây đèn dầu nổi tiếng gắn với câu chuyện "Aladin và Cây đèn thần" đã theo chân các thương nhân, tăng lữ để lại trong các hố khai quật nền đền tháp cổ. Chúng vẫn là những cây đèn có bầu chứa bằng gốm có quai cầm và đầu bấc ở đầu đối diện với tay cầm…
Tôi tạm kết thúc buổi "rì rầm" thường lệ ở đây để dành cho kỳ sau nhiều dòng hơn cho mô tả về những cây đèn đồng Đông Sơn nhiều tầng đĩa rất kỳ vĩ với những kiểu chân đỡ tạo hình người, hình thú lộng lẫy và đầy bí ẩn!
"Hầu như tất cả vật tạo sáng dạng đèn dầu Đông Sơn đều chỉ dùng ở nơi kín gió. Chỉ những ngọn đuốc mới có thể đảm nhiệm việc chiếu sáng ngoài trời…" - TS Nguyễn Việt.
(Còn nữa)
Tags