Tuần trước, chúng ta đã trải nghiệm hiện tượng thần đèn ngồi trên mặt đất, tỏa sáng bằng cách thoát ra từ đầu của mình ba con rồng bay lên rồi kết tinh lại thành một con vươn lên đỡ một đĩa đèn - biểu tượng ánh sáng linh thiêng. Hôm nay tôi muốn cùng các bạn quan sát một hiện tượng ngược lại: Những con rồng nâng bổng thần đèn, biến chính thần đèn thành người nâng đỡ đĩa đèn với ánh sáng linh thiêng đó. Sự thay đổi đó có ý nghĩa gì chăng hay chỉ là cảm hứng tùy tiện của người thợ đúc đồng?
1. Cây đèn đầu tiên (được mô tả kỳ trước) liên quan đến một linh thú dạng rồng nâng thần đèn tôi quan sát được ở Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). Những hiện vật do các nhà khoa học hay nhà sưu tầm chính thức hay không chính thức ở Đông Dương được gom lại chủ yếu ở Guimet.
Tôi được tiếp xúc với sưu tập này lần đầu tiên vào năm 1988.
Hiện vật liên quan đến chủ đề ngày hôm nay là một khối tượng linh thú bằng đồng, có vảy giống như rồng, bên trên có một khối tượng người. Khối tượng được chép trong hồ sơ là có nguồn gốc Indochine (Đông Dương). Rất dễ nhận ra đó là một dạng chân đèn với phần cần đèn vươn lên từ khối tượng đó.
Nhận xét đó càng được củng cố khi tôi tiếp xúc với một chân đèn khác trong sưu tập CQK (California, Mỹ). Chân đèn trong sưu tập CQK khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng bởi tài năng tạo hình đáng kính phục của thợ đúc đồng Đông Sơn thời Giao Chỉ. Tôi có may mắn được làm việc với chân đèn này vào cuối năm 2010 và muốn dành hết khuôn khổ kỳ "rì rầm" hôm nay cho tuyệt tác này.
2. Cây đèn có hình khối khá cân xứng, rộng khoảng 25cm, cao cũng khoảng 25cm (chưa kể phần đĩa đèn hay một thân cột đỡ nữa ở bên trên). Trọng tâm của cây đèn là một tượng người mà tôi vẫn cho là tượng trưng cho thần ánh sáng.
Tư thế của tượng này khá giống với tượng thần ngồi trên đỉnh trần gian trong cây đèn tôi mô tả tuần trước: Kiểu ngồi "chân chữ ngũ" - chân phải thõng xuống, chân trái gấp xoay ngang gác lên bàn chân lên đùi chân phải. Tay trái chống trên đùi gối chân trái, tay phải xòe 5 ngón ra ngang mang tai bên phải trong tư thế chào.
Nam thần đóng khố cởi trần, với khuôn mặt khá giống vị thần của chiếc đèn tôi đã kể tuần trước. Trên đầu mớ tóc phủ trông một bông sen úp ngược khá gần gũi kiểu đầu thần Shiva trong nghệ thuật Ấn Độ giáo. Đỉnh đầu thần có một khấc thu nhỏ như đeo một đai vương miện. Cây cột đỡ đĩa đèn xuyên từ dưới lên tạo thành một đỉnh nhọn đỡ đĩa đèn hay đỡ một chân đèn khác chồng lên.
Để đảm bảo cây đèn vững chắc, chân cột chống có một hình bán cầu đường kính 6cm như chiếc bát úp. Nhưng quan trọng hơn là một vòng đai tròn rộng bên ngoài tạo bởi hai thân rồng bốn chân, thân kín vẩy.
Đường kính vành đai hai thân rồng tạo ra rộng khoảng 25cm. Hai chân trái phía sau mỗi con rồng choài đè lên phần đế hình bát úp ở giữa, chân trái phía trên bám vào thân nhau, để hai chân trước sau bên phải choài chống, cùng thân rồng tạo thành một vòng đỡ hết sức chắc chắn của cây đèn.
Hai đầu rồng loại mõm dài, có tai nhọn và sừng kiểu râu mảnh nhỏ, dài trên trán hất về phía sau, điển hình cho phong cách đầu rồng phổ biến trên đồ đồng trước sau Công nguyên. Hai đầu rồng đó được tạo hình vươn cổ để gặm vào cột đỡ thần đèn, tạo thành một tác phẩm mỹ thuật tạo hình độc đáo, đạt đỉnh cao của nền mỹ thuật Đông Sơn Giao Chỉ.
"Có một chuyển hóa trong tư duy tâm linh: Vai trò của thần đèn đã trở nên quan trọng hơn, khiến các linh thú dạng rồng biến thành vật tôn vinh Ngài" - TS Nguyễn Việt.
3. Thoạt đầu tôi khá rụt rè khi bình phẩm về chân đèn này, cho đến khi từ đáy dòng sông Chu/ Mã ở xứ Thanh, ngư dân đưa lên một chiếc chân đèn tương tự. Nếu chân đèn của sưu tập CQK là đồ đào với lớp gỉ mọt xanh bao phủ toàn thân thì chiếc chân đèn này phủ lớp gỉ nâu sắt đáy sông. Điều khác biệt duy nhất là thay cho chân đế hình bán cầu như bát úp thì ở chiếc chân đèn mới này là một hình con rùa rất sinh động.
Chủ nhân chân đèn độc đáo này đã mang đến tư vấn ở bảo tàng chỗ tôi. Và tôi thật hân hạnh được nâng niu một báu vật như vậy, tuy chưa có điều kiện để gửi xét nghiệm trong các phòng thí nghiệm chuyên ngành.
Chiếc chân đèn thứ hai này cùng kiểu tạo hình bằng đôi rồng cuốn tròn bên dưới đỡ thần đèn bên trên đã khiến tôi tin tưởng rằng đó chính thực là tác phẩm tạo hình Giao Chỉ mang đậm chất liệu, tài nghệ thợ Đông Sơn. Thần đèn ở đây hơi lạ, dáng tượng nữ, ngồi bệt gấp gối, hai tay ôm hai đầu gối. Đầu bện tóc vòng quanh trán. Hai tai đeo khuyên dạng quả. Trên đầu còn nguyên cột cắm vào đĩa đèn dạng đơn giản với một cột nhọn khơi bấc ở giữa.
Do chưa có điều kiện làm các xét nghiệm nên tôi chưa dám khẳng định độ tin cậy cao như chân cây đèn của sưu tập CQK, chỉ giới thiệu để cùng tham khảo.
4. Khi tiến hành so sánh hai chân đèn có đế là đôi rồng cuốn tròn nâng thần đèn với chân đèn thần đèn ngồi trên đỉnh trần gian để đỡ 3 con rồng bay lên đón lửa, tôi nhận thấy chúng đều thuộc phong cách Đông Sơn Giao Chỉ. Trong đó, chiếc chân đèn có thần đèn bên dưới các con rồng lấy lửa có niên đại sớm hơn.
Vậy ở đây có một chuyển hóa trong tư duy tâm linh: Vai trò của thần đèn đã trở nên quan trọng hơn, khiến các linh thú dạng rồng biến thành vật tôn vinh Ngài.
Tuy nhiên, ở cả mấy trường hợp, ta đều thấy vai trò gắn kết của rồng (giao long) với lửa tạo sáng (đèn) trước khi rồng bước vào vị trí chúa tể muôn loài khi song hành với biểu tượng của người đứng đầu các cộng đồng nhân loại dưới trần gian mang danh vua, hoàng đế.
Những loại chân đèn khác mà chúng ta tiếp tục tìm hiểu ở những buổi sau sẽ cho thấy những tuyến tư duy tâm linh xã hội khác đương thời, thậm chí hé mở những liên tưởng đến tác động của tư duy tâm linh mang màu sắc Ấn Độ giáo đến từ phía Tây. Chúng sẽ góp phần giúp hiểu toàn diện bức tranh xã hội Đông Sơn, Đông Sơn - Giao Chỉ cách nay trên dưới 2.000 năm.
(Còn tiếp)
Tags