Trước khi loài người có thể tạo ra và duy trì lửa, ánh sáng ban ngày chỉ đến từ Mặt trời và đêm tối nhờ ánh trăng biến động trong chu kỳ "lưỡi liềm" đến tròn rằm hàng tháng. Nếu Mặt trời là hiện tượng như đương nhiên, bất diệt với con người thì Mặt trăng mang nhiều yếu tố sống động, gần gụi hơn.
1. Trong đêm tối, đèn trăng mang ý nghĩa thắp sáng đặc biệt. Ở Việt Nam, câu chuyện chị Hằng, cây đa, chú Cuội gắn với các hình tượng gồ ghề tạo dáng hiện hình huyền ảo trong mỗi đêm trăng rằm đã khiến cho câu chuyện xoay quanh ngọn đèn trời thêm thi vị. Chỉ những ai đã trải qua thời kỳ không điện mới thấm thía, mong đợi và biết ơn sự hiện diện của "đèn trời" trong những đêm tối bao la huyền diệu.
Tôi có may mắn trải qua những đêm rằm tháng Bảy tại thung lũng Mường Vang vào năm 1971 và sau đó hơn 10 năm (1982). Điện chỉ đến miền xóm Trại đầu tiên vào năm 1986, khi tôi cùng các bạn khảo cổ Vũ Thế Long, Ngô Thế Phong, Đoàn Đức Thành nhờ chuyến xe của giáo sư Phạm Huy Thông mang được máy nổ lên hang khai quật. Những đêm không trăng, ngọn đèn phát nhờ máy nổ rực đỏ trong căn lều chúng tôi cắm bên suối, như một cục than hồng giữa thung lũng, khiến dân chúng truyền nhau lạ kỳ đến tận bây giờ.
Đêm rằm tháng Bảy năm 1971, đám thanh niên năm thứ ba Khoa Sử, Đại học Tổng hợp chúng tôi được thanh niên trong bản rủ đi chơi. Chúng tôi đi dọc tuyến đường duy nhất ven đồi nối liền các xóm trong thung lũng Mường Vang dưới ánh trăng vằng vặc, gặp vô số tốp trai gái đi lại ngược chiều đang cùng nhau hát đối giao duyên. Ánh trăng đủ rọi rõ đường đi và chiếu lấp lánh ánh mắt khuôn mặt các cô gái Mường e thẹn, tinh nghịch khi gặp "trai lạ" Hà Nội… và để lại trong tôi một kỷ niệm không bao giờ quên rất gần với tâm linh tiền sử.
Đèn trời là như vậy!
2. Năm 1982, tôi và Hà Hữu Nga lại có dịp về khai quật ở hang xóm Trại, cũng một đêm rằm tháng Bảy. Cả xóm yên tĩnh, vắng lặng… Ông Nhởi, Trưởng ban văn hóa xã, thẽ thọt hỏi tôi khi tôi đang nhoài người trên sàn hoàn tất bản vẽ địa tầng: "Anh Việt có đi hầu Mỡi không?".
Thuở đó, Mo Mỡi bị coi như mê tín dị đoan, bị cấm đoán. Tối đó, bà Mỡi trong xóm "nhập", cả xóm đã tề tựu về sân nhà Mỡi để nghe mỡi hát Đẻ đất đẻ nước và nói trong mơ những điều người thường không biết. Hiếm khi như vậy lắm. Tôi nghe hỏi liền bật dậy: Có chứ, dẫn cháu đi. Ông trưởng ban mừng mở cờ trong bụng vì chỉ sợ "cán bộ trung ương" không đồng ý.
Chúng tôi xuyên qua ánh trăng nhẹ nhàng ngồi vào một góc để không làm kinh động mọi người. Rất may, khi đó tôi mang theo chiếc máy ảnh Zenit và lén chụp được vài ba tấm hình không flash chỉ nhờ nhờ, thấp thoáng ánh đèn dầu và trăng tỏ. Bà Mỡi đang "nhập" không hề biết xung quanh, bà đang sống cùng tổ tiên và thần thánh thông qua các áng thơ đọc làu làu trong mo Đẻ đất đẻ nước. Cả bản lặng im nghe như nuốt từng lời. Sau này, khi bà Mỡi tỉnh lại, tôi hỏi bà học ở đâu mà thuộc hàng ngàn câu thơ mo như vậy, bà ngơ ngác không biết gì cả.
Tôi bỗng nhớ chương sách Một nền giáo dục không văn tự của Gordern Child trong cuốn sách Nguồn gốc vạn vật mà tôi đã từng đọc ở thư viện nhà trường. Theo đó, sự truyền lại các áng thơ văn, câu chuyện lịch sử, kinh nghiệm cuộc sống là nhờ thông qua bộ ghi nhận tự nhiên của những người có "căn" như bà Mỡi kể trên. Hẳn là bà ta cũng như những đứa trẻ đã từng trải qua những đêm rằm đèn Trời để ngồi nghe kể chuyện bằng thơ rồi tự ngấm vào trí não một cách tự nhiên và phát ra mỗi khi "nhập" như vậy.
3. Hình tượng nghệ thuật tôn thờ Mặt trăng khá hiếm trong nghệ thuật Đông Sơn. Cũng giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, trăng lưỡi liềm là hình tượng dễ phân biệt nhất để đặc tả mặt trăng. Hình ảnh những vành trăng lưỡi liềm như vậy xuất hiện hiếm hoi trên đai trán một số hình người Đông Sơn Tây Âu có thể cùng ý nghĩa về sự tôn thờ thần Mặt trăng với biểu tượng hoa văn hình chữ C nằm ngửa!
Từ khi làm ra lửa, con người bắt đầu tự tạo sáng cho mình trong tối đen của hang sâu hay mỗi khi đêm về. Ở người Mường, Lang Cần là người tạo lửa huyền thoại, mang hơi ấm, ánh sáng cho loài người. Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus là người tạo lửa cho nhân loại. Các tầng văn hóa hang động là nơi giữ lại tốt nhất bằng chứng hàng ngàn năm của các bếp lửa. Trong xã hội tiền sử, bếp lửa là lõi của mỗi cộng đồng, chúng được nuôi dưỡng âm ỉ hết ngày này sang ngày khác, tạo thành tầng tro bếp dày tới vài mét, tương ứng với nhiều ngàn năm…
Nhờ có lửa, công cuộc tạo sáng nguyên thủy cũng bắt đầu và sự truyền khẩu cũng tăng thêm hiệu qủa.
Trước hết là ánh sáng ban tối từ các bếp lửa cộng đồng. Những ngọn đuốc được làm từ những vật liệu dễ cháy và cháy lâu như dầu, nhựa cây, mỡ động vật…, giúp con người mang ánh sáng đi chuyển trong đêm. Cũng từ đây, "đèn" ra đời nhờ việc sử dụng dầu mỡ động, thực vật.
Người Đông Sơn đã ở vào giai đoạn phát triển cuối cùng của thời tiền sử. Với họ, kỹ năng giữ lửa, tạo sáng là công việc khá đơn giản và đã đạt đến trình độ rất cao. Loại đèn đơn giản và phổ biến nhất là những khay, lọ gốm chứa dầu và bắt cháy thông gua một một dây dẫn dầu (bấc đèn). Các loại dầu làm từ hạt, quả như trẩu, dừa, cọ, từ nhựa thân cây như trám hoặc cũng có thể từ mỡ động vật như trâu, bò…
Trong các gia đình Đông Sơn quyền quý, bộ đèn đúc bằng đồng các kiểu tạo ra thang bậc xã hội của họ. Một chân đèn tạo dáng hình hổ phục mạ vàng dài gần 1m với bát đèn đường kính gần 20cm, chôn trong mộ một qúy tộc Tây Âu phát hiện ở Bắc Cường (thành phố Lào Cai) đủ thắp sáng cả một gian nhà lớn. Cây đèn có bầu đựng dầu là một con voi có thể chứa tới 2 lít dầu, mang trên lưng một cây đèn với 5 đĩa đèn, đĩa đèn trên cùng đặt giữa một mâm có hai người mang kiếm và đôi cừu nằm đối xứng so le, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trình diễn vị thế cao sang của chủ nhân Đông Sơn vùng miền núi Thanh Nghệ hơn 2.000 năm trước.
Tôi còn được tận mắt chứng kiến một khay đồng chứa dầu đèn Đông Sơn được trang trí rất cầu kỳ, đỡ 12 đĩa đèn. Mỗi đĩa là hình một con chim công - biểu tượng Mặt trời. Cũng cần kể đến một chân đèn tạo bởi hai con rồng cuộn tròn tạo vành chân đế rộng khoảng 25cm, hai đầu rồng ngậm đỡ một cây trụ, trên đó có một vị thần đèn, đội trên đầu những tay cành đỡ các đĩa đèn đuôi công lộng lẫy. Bằng cách tạo cây đèn như vậy, trong các nghi lễ đặc biệt thời Đông Sơn xuất hiện những cây mang theo hàng trăm đĩa đèn dầu tạo sáng cho cả một vùng nghi lễ.
Có thể nói các thợ đúc đồng Đông Sơn đã dành nhiều công sức cho chủ đề "tạo sáng" với rất nhiều kiểu đèn sáng tạo, bay bổng. Trong buổi "rì rầm" hôm nay, tôi mới chỉ phác qua một số tạo tác Đông Sơn gắn với việc "tạo sáng" hàng ngày và trong nghi lễ. Những bảo vật liên quan đến "tạo sáng" Đông Sơn, ví như chân đèn tượng người do nhà khảo cổ học Thụy Điển Olop Janse khai quật ở Lạch Trường năm 1936… sẽ được tôi mô tả và bình luận kỹ hơn trong kỳ sau. Chính bản thân tôi cũng bị bất ngờ và cuốn hút vào chủ đề rất nhiều điều đáng nói này!
"Trong xã hội tiền sử, bếp lửa là lõi của mỗi cộng đồng, chúng được nuôi dưỡng âm ỉ hết ngày này sang ngày khác, tạo thành tầng tro bếp dày tới vài mét, tương ứng với nhiều ngàn năm …" - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)
Tags