Cả Tào Tháo, Lưu Bị đều có "sở thích" nhận con nuôi. Nhưng chỉ có vị quân chủ nhà Thục Hán thẳng tay ban chết cho nghĩa tử, hóa ra là vì nguyên nhân này.
Vào những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn. Quần hùng khắp nơi nổi lên với tham vọng xưng bá. Thế nhưng, từng bước đi của những người đứng đầu trên bàn cờ chính trị đầy hỗn loạn lúc bấy giờ đều không hề đơn giản.
Có một thực tế thú vị là hầu hết các bậc quân chủ vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc đều nhận con nuôi. Mục đích nhận con nuôi của mỗi vị quân chủ đều không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung là những người con nuôi này phần lớn đều có năng lực vượt trội và tài năng xuất chúng.
Cụ thể, ba vị quân chủ đứng đầu đứng đầu ba tập đoàn chính trị mạnh nhất Tam Quốc là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền cũng có "sở thích" nhận con nuôi. Thế nhưng, số phận của những người con nuôi này lại rất khác nhau.
Tào Tháo yêu mến con nuôi như con ruột
Lúc sinh thời, Tào Tháo có 3 người con nuôi là Tào Chân, Hà Yến và Tần Lãng.
Theo Ngụy lược, Tào Chân vốn là người họ Tần. Cha của ông là một người bạn lâu năm của Tào Tháo. Vào năm 195, khi bị quân của Viên Thuật truy lùng, chính người bạn này đã cứu Tào Tháo một mạng. Do đó, Tào Tháo đã nhận nuôi dưỡng Tào Chân, coi như con mình, đồng thời đổi sang họ Tào.
Tào Tháo rất quan tâm tới Tào Chân. Ông tận tâm bồi dưỡng cho đứa con nuôi này. Đặc biệt, Tào Tháo còn tin tưởng giao cho Tào Chân làm thống lĩnh của đội Hổ Báo kỵ. Đây là đội quân tập hợp những binh lính tinh nhuệ nhất dưới trướng của Tào Tháo.
Tào Chân là người vừa có thực tài lại vừa được Tào Tháo trọng dụng nên dành được nhiều chiến tích trong sự nghiệp. Ông được phong làm Trấn Tây tướng quân. Dưới thời Tào Phi, Tào Duệ, Tào Chân được bổ nhiệm làm đại tướng quân, tấn phong đại tư mã, quyền uy tối thượng. Ông cũng chính là vị tướng có công rất lớn trong việc đẩy lùi 2 cuộc Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng năm 228. Đến tháng 4 năm 231, Đại tư mã Tào Chân qua đời và được phong thụy là Nguy hầu.
Hà Yến là cháu của Đại tướng quân Hà Tiến, một vị tướng tài giỏi của nhà Đông Hán. Mẹ của Hà Yến là Doãn Thị được Tào Tháo thu nạp và hậu cung nên sau đó được vị quân chủ này nhận làm con nuôi.
Không nổi bật như Tào Chân hay Tần Lãng, tuy nhiên Hà Yến cũng là một nhà huyền học nổi tiếng thời Ngụy Tấn. Lúc sinh thời, Hà Yến nổi tiếng là một mỹ nam tử đương thời. Hà Yến lấy con gái Tào Tháo là Kim Hương công chúa làm vợ, sinh được một con trai.
Mặc dù có tài học sâu hiểu rộng nhưng Hà Yến đều không được Tào Tháo, Tào Phi hay Tào Duệ trọng dụng. Đến năm 240, khi Tào Sảng chấp chính, Hà Yến mới được trọng dụng, từng bước trở thành một thành viên quan trọng của tập đoàn Tào Sảng. Đến năm 249, trong Sự biến lăng Cao Bình, Hà Yến và Tào Sảng đều bị Tư Mã Ý truy sát. Hà Yến do phò tá cho Tào Sảng cầm quyền nên cũng bị diệt tộc.
Tần Lãng là con nuôi của Tào Tháo, đồng thời về sau là sủng thần của Ngụy Minh Đế Tào Duệ. Cha của Tần Lãng vốn là bộ tướng của Lã Bố, sau đi theo Viên Thuật. Mẹ của Tần Lãng là Đỗ Thị bị chồng bỏ lại tại Hạ Bì. Sau khi Lã Bố bị đánh bại, Tào Tháo đã nạp Đỗ Thị làm thiếp, rất yêu mến và coi Tần Lãng như con.
Khi lớn lên, Tần Lãng du ngoạn khắp nơi nên đến hết đời Tào Ngụy Văn Đế vẫn không có chức tước gì. Sau khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ lên ngôi, Tần Lãng được trọng dụng. Ông được phong làm Nội quân, Kiêu kỵ tướng quân, Cấp sự trung, luôn kề cận với hoàng đế.
Bản thân Tần Lãng cũng từng lập công, không phụ lòng tin tưởng của Tào gia. Vào năm 233, Tần Lãng từng phụng mệnh mang quân đi dẹp loạn Tiên Ti và giành chiến thắng. Nhờ đó, danh tiếng và vị trí của ông trong triều đình Tào Ngụy lại càng được củng cố.
Có thể thấy rằng thái độ của Tào Tháo đối với con nuôi đều rất khoan dung và chân thành, đối đãi như con ruột. Tào Tháo cũng được nhận định là người cha nuôi tài giỏi nhất thời Tam Quốc. Minh chứng là trong lúc ông còn sống, các con nuôi đều công thành danh toại, có đóng góp ít nhiều cho đại nghiệp của nhà Tào Ngụy.
Trong một lần mở yến tiệc, Tào Tháo còn từng tự hào nói rằng: "Trên đời có ai yêu thương con trai không phải máu mủ như ta không?"
Tôn Quyền coi con nuôi như "hổ tử"
Tôn Quyền có hai con nuôi là Lăng Liệt và Lăng Phong. Vị quân chủ của nhà Đông Ngô nhận nuôi hai người con này khi họ còn nhỏ. Cả hai đều là con của Lăng Thống, một bậc trung thần nổi tiếng. Năm xưa, trong trận Hợp Phì, vì để bảo vệ cho Tôn Quyền có thể an toàn rút lui nên Lăng Thống đã liều mạng ở lại ngăn chặn quân địch ở phía sau. Hành động này khiến Tôn Quyền rất cảm kích.
Hai người con của Lăng Thống được Tôn Quyền nhận nuôi vào trong cung và coi như con ruột. Mỗi khi có khách đến thăm, Tôn Quyền luôn chỉ vào hai đứa con nuôi và nói rằng: "Đây cũng là hổ tử của ta".
Khi Lăng Việt và Lăng Phong được 8, 9 tuổi, Tôn Quyền mời danh sư tới dạy học cho hai con, đồng thời cho cả hai tập cưỡi ngựa.
Đáng tiếc sau khi lớn lên, hai nghĩa tử này lại phụ sự kỳ vọng của Tôn Quyền. Cụ thể, Lăng Việt bị cách chức vì phạm trọng tội. Còn Lăng Phong dù được kế thừa tước vị của cha ruột nhưng cũng chẳng làm nên đại sự, là một cái tên rất mờ nhạt giữ chính trường nhà Đông Ngô lúc bấy giờ.
Lưu Bị nhẫn tâm xử tử con nuôi
Trong cuộc đời bôn ba lập nghiệp, Lưu Bị có nhận một nghĩa tử là Lưu Phong. Theo Tam Quốc chí, Lưu Phong vốn tên là Khấu Phong, có người mẹ ruột họ Lưu với xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán. Khi mới tới Kinh Châu để nương nhờ Lưu Biểu, Lưu Bị chưa có con trai nên liền nhận Lưu Phong làm con nuôi, hết lòng bồi dưỡng để trở thành người thừa kế sự nghiệp.
Khi lớn lên, Lưu Phong văn võ song toàn, sở hữu sức khỏe và võ nghệ hơn người. Võ tướng trẻ tuổi này từng cùng Mạnh Đạt đánh chiếm về Thượng Dung, lập được nhiều chiến công lớn. Kể từ khi cầm quân ra trận, Lưu Phong nhanh chóng có được uy tín cao trước toàn quân.
Trong khi đó, Lưu Bị sau này lại có con trai ruột là Lưu Thiện. Khác với Lưu Phong văn võ song toàn, Lưu Thiện lại có tư chất tầm thường.
Dù xuất sắc lập được nhiều công lao nhưng cuối cùng Lưu Phong lại chịu kết cục bi thảm. Do không ứng cứu Quan Vũ, đồng thời để mất quận Phòng Lăng, nên Lưu Phong bị trị tội tại Thành Đô. Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị nên giết Lưu Phong vì sau đại biến sẽ khó kiềm chế. Kết quả, Lưu Bị nghe theo và cuối cùng Lưu Phong bị cha nuôi ra lệnh xử tử vào năm 220.
Vì sao Lưu Bị thẳng tay xử tử con nuôi?
Lưu Bị nghe theo Gia Cát Lượng bởi lo ngại một ngày nào đó ông ra đi mà không kịp giải quyết vấn đề của Lưu Phong thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Trên thực tế, với uy tín và kinh nghiệm thực chiến của Lưu Phong ở Thục Hán, cùng thân phận là nghĩa tử "thừa kế", e rằng nay mai ngay cả Gia Cát Lượng cũng khó lòng khống chế được. Do đó, việc ra lệnh xử tử Lưu Phong với lý do không ứng cứu Quan Vũ thực ra chỉ là một cái cớ.
Rõ ràng cùng là nhận con nuôi, nhưng Tào Tháo và Tôn Quyền luôn bồi dưỡng, thậm chí trao cho nghĩa tử quyền lực và chức vụ to lớn. Thế nhưng, để củng cố ngai vàng của con ruột là Lưu Thiện, Lưu Bị đã nhẫn tâm thẳng tay xử tử người con nuôi gắn bó với mình bao nhiêu năm. Nguyên nhân không phải là vì Tào Tháo hay Tôn Quyền nhân từ hơn, cùng không phải do Lưu Bị tàn nhẫn. Điểm mấu chốt là liệu đứa con nuôi đó có là mầm mống gây ra mối đe dọa hay không.
Thực tế, các con trai của Tào Tháo đều rất xuất sắc, có tài năng xuất chúng, trong khi con ruột của Tôn Quyền cũng không phải người tầm thường. Còn con trai của Lưu Bị được đánh giá là tầm thường và có ít tài năng nhất trong những người thừa kế thời Tam Quốc. Do đó, việc tồn tại Lưu Phong, một người con trên danh nghĩa có cả uy tín và năng lực thì sẽ trở thành mối đe dọa đối với ngôi vị của Lưu Thiện. Đáng tiếc Lưu Phong lại không ngờ cha nuôi có thể thẳng tay xử tử mình như vậy.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu, Zhihu
Tags