Tập thơ "Cùng Việt Nam": Tiếng nói của lương tâm cất lên bằng thi ca

Thứ Hai, 28/04/2025 17:03 GMT+7

Google News

Tuyển thơ Cùng Việt Nam của các nhà thơ Tây Ban Nha là tài liệu lịch sử quý giá bằng thi ca, phản ánh sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh vì hòa bình của các nhà thơ quốc tế, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.

Càng đáng trân trọng hơn khi mới đây, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, NXB Kim Đồng đã đưa tới tay bạn đọc Việt Nam tập thơ ý nghĩa này đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Có số phận đặc biệt

Tập thơ Cùng Việt Nam có một số phận đặc biệt. Nó được nhà thơ Angelina Gatell khởi thảo biên soạn vào những năm 1960, giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt nhất, cũng là lúc phong trào chống chiến tranh lan rộng trên toàn thế giới.

Bà Carmen Cano De Lasala, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, cho hay, việc biên soạn hoàn thành vào năm 1968 nhờ sự nỗ lực của Angelina Gatell và sự đón nhận nhiệt tình của giới trí thức và văn nghệ sĩ Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, tuyển thơ đã bị chính quyền độc tài Franco bấy giờ kiểm duyệt và cấm xuất bản.

Tập thơ "Cùng Việt Nam": Tiếng nói của lương tâm cất lên bằng thi ca - Ảnh 1.

Tập thơ “Cùng Việt Nam” (NXB Kim Đồng)

"Nhờ Julio Neira Jiménez, giáo sư giảng dạy văn học Tây Ban Nha và lý thuyết văn học tại Đại học UNED, bản thảo được tìm lại trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan kiểm duyệt tại Alcalá de Henares và được NXB Visor Libros cho ra mắt bạn đọc năm 2016" - Đại sứ chia sẻ.

Trong khi đó, GS Julio Neira tiết lộ: "Angelina Gatell kể rằng, tháng 1/1968, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, bà bắt đầu sưu tập các bài thơ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Họa sĩ Julio Álvarez được mời thực hiện các bức vẽ và bản khắc minh họa cho tuyển tập, nhưng rất tiếc, các tranh này đã thất lạc. Dự án lấy cảm hứng từ tập thơ Tây Ban Nha hát cho Cuba xuất bản năm 1962 để ủng hộ cách mạng Cuba".

Cũng theo vị giáo sư này, Angelina Gatell nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà thơ và người dân Tây Ban Nha, những người phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, chết chóc.

"Mặc dù cuộc chiến tranh diễn ra ở rất xa, phía bên kia địa cầu, nhưng nó cực kỳ gần gũi với người dân Tây Ban Nha, vì hằng ngày, truyền hình đưa đến từng gia đình nhỏ tin tức, hình ảnh các vụ đánh bom, các thị trấn và rừng cây bị bom napalm tàn phá, những vụ thảm sát dân thường như ở Mỹ Lai vào tháng 3/1968…" - ông bày tỏ - "Rất ít nhà thơ im lặng trước lời kêu gọi của lương tâm mà Angelina Gatell gửi đi. Một số người không gửi thơ, nhưng cũng chuyển lời, bày tỏ sự đồng cảm với dự án".

Tập thơ "Cùng Việt Nam": Tiếng nói của lương tâm cất lên bằng thi ca - Ảnh 2.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala (trái) đọc thơ trong tuyển tập “Cùng Việt Nam”

GS Julio Neira nhấn mạnh, tác phẩm không được phát hành và dần chìm vào quên lãng. Nửa thế kỷ qua đi, và nay, việc phục hồi tuyển tập thơ là minh chứng cho tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, với ý nghĩa sâu sắc. Tập thơ còn là chứng tích cho sự dấn thân chính trị mãnh liệt của thi ca Tây Ban Nha trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Các nhà thơ từ nhiều vùng như Galicia, Catalonia và Basque, với phong cách thi ca khác nhau, cũng đã lên tiếng phản ánh thời đại, tạo nên một tổng hòa phong phú và đa dạng.

Cuộc đối thoại nghệ thuật xuyên thời gian

Do không thể tìm lại các bức tranh và bản khắc ban đầu họa sĩ Julio Álvarez thực hiện, nên trong lần xuất bản bằng tiếng Việt lần này, Cùng Việt Nam đã được 6 họa sĩ Tây Ban Nha và 6 họa sĩ Việt Nam vẽ minh họa mới. Điều này tạo nên một cuộc đối thoại nghệ thuật xuyên thời gian và không gian thể hiện sự cộng hưởng sâu sắc giữa thi ca và hội họa trong việc truyền tải thông điệp hòa bình, phản đối chiến tranh và tình đoàn kết nhân loại.

Dòng chảy của văn học phản chiến

Cần nhấn mạnh rằng, sự trở lại của Cùng Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ không chỉ mang ý nghĩa như một tài liệu lịch sử được hồi sinh, mà còn mở ra những cách nhìn sâu sắc hơn về chiến tranh dưới lăng kính văn hóa và nhân bản. Điều này càng trở nên rõ nét hơn khi đặt tập thơ vào dòng chảy của văn học phản chiến.

Theo đó, từ đầu thế kỷ 20, cảm hứng phản chiến đã vang lên mạnh mẽ trong văn học. Từ những năm 1929, 2 tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque và Giã từ vũ khí của Ernest Hemingway được đón nhận nồng nhiệt trên toàn cầu, như những tiếng nói đau đớn từ chính lòng các cuộc chiến tranh.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, nếu Phía Tây không có gì lạ hoặc Giã từ vũ khí là tiếng lòng từ những con người ở trong lòng chiến tranh, thì Cùng Việt Nam lại đáng quý bởi nó đến từ những tâm hồn cách xa Việt Nam nửa vòng Trái đất. Bằng sự thức tỉnh lương tri và trái tim nghệ sĩ, các nhà thơ Tây Ban Nha đã cất tiếng lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, chà đạp lên quyền sống thiêng liêng của con người.

Tập thơ "Cùng Việt Nam": Tiếng nói của lương tâm cất lên bằng thi ca - Ảnh 4.

Ra mắt tập thơ “Cùng Việt Nam”. Trong ảnh (từ trái qua): PGS-TS Phạm Xuân Thạch, TS Đỗ Anh Vũ và dịch giả Nguyễn Thị Kim Dung

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, những tác phẩm văn học phản chiến đầu thế kỷ 20, cho ta nhìn thấy những câu chuyện về nhân tính bị đe dọa bởi chiến tranh. Ở đây, văn học chiến tranh, xét cho cùng, luôn là dòng văn học tôn vinh tính người, nhân danh quyền được sống, được hạnh phúc để chống lại bạo lực. Ở bất kỳ thời đại nào, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực vẫn luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với nhân loại.

Ông Thạch còn nhấn mạnh: "Lớn hơn nữa, văn học phản chiến còn khẳng định một quyền căn bản - quyền đa dạng văn hóa".

Theo ông, chiến tranh không chỉ là cuộc xung đột vũ trang, mà còn là sự áp đặt văn hóa của chủ nghĩa đế quốc: một nền văn hóa tiêu thụ và một lối sống đồng hóa được mang đến để thay thế những nền văn hóa bản địa bình dị, bền vững. Đặc biệt ở Việt Nam, những người dân miền nhiệt đới với các cánh rừng xanh thẳm, với đời sống nông nghiệp yên bình, đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy.

"Ngay từ những bài thơ đầu tiên trong Cùng Việt Nam, ta có thể thấy lời kêu cứu thống thiết trước sự xâm lấn của văn hóa tiêu thụ, trước nỗi đau văn hóa truyền thống bị xâm hại" - ông phân tích - "Các nhà thơ Tây Ban Nha - từ những vùng nói tiếng Galicia, Catalonia đến xứ Basque - đã gửi gắm tình đoàn kết với Việt Nam bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Thông điệp mà họ gửi gắm thật sâu sắc: mỗi dân tộc, mỗi con người đều có quyền sống theo cách riêng, gìn giữ tiếng nói, văn hóa và bản sắc của mình".

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch, chủ nghĩa đế quốc đáng lên án ở chỗ nó tìm cách tiêu diệt quyền tự do đó. Bởi vậy, cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc của Việt Nam cũng là một cuộc chiến vì quyền tự do văn hóa, vì quyền đa dạng và tự do biểu đạt - những giá trị phổ quát, có ý nghĩa dài lâu.

Một Việt Nam kiên cường

TS Nguyễn Thị Kim Dung (dịch giả chuyển ngữ tập thơ Cùng Việt Nam) bày tỏ: Tập thơ này không chỉ đơn thuần là những bài thơ phản chiến, chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Dù cách chúng ta nửa vòng Trái đất, các nhà thơ vẫn dành sự chia sẻ, suy ngẫm và dồn nén cảm xúc vào từng vần thơ, từng câu chữ. Nhưng hơn thế, qua mỗi bài thơ, ta còn nhìn thấy hình ảnh một Việt Nam kiên cường - một Việt Nam chiến đấu vì tự do, vì độc lập dân tộc.

Trong gần 70 bài thơ, chiến tranh hiện lên với tất cả sự tàn khốc và hậu quả nặng nề còn nóng hổi. Tuy vậy, vượt lên tất cả, trẻ em vẫn đến trường, người lao động vẫn ra đồng, cuộc sống vẫn tiếp diễn trong sự hòa quyện với thiên nhiên. Việt Nam hiện ra không chỉ trong đau thương mà còn với những hơi thở tươi đẹp, những nhịp đập của sự sống mạnh mẽ.

Đây là một tập thơ mang vẻ đẹp lớn lao, gợi nhắc rằng: ở bất cứ đâu, chúng ta cũng cần phải trân quý tự do, yêu thương hòa bình và nâng niu vẻ đẹp của mỗi con người, mỗi đất nước. Chữ "nhân" và chữ "đời" trong tập thơ này, vì thế, vang lên thật thấm thía.

Công Bắc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›