(Thethaovanhoa.vn) - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Oánh cho biết đang tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trên địa bàn.
- Bắc Giang thực hiện hàng loạt giải pháp nâng hiệu quả thu hút đầu tư
- Bắc Giang quy định cụ thể về phát triển và quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
Tính đến ngày 14/8/2018, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là trên 5.357 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng Phát triển trên 4.200 tỷ đồng; các ngân hàng thương mại trên 1.138 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân trên 12,3 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội 4,4 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu được xử lý lũy kế gồm: xử lý nợ xấu nội bảng trên 1.037 tỷ đồng (khách hàng trả nợ trên 907 tỷ đồng, bán phát mại tài sản trên 27 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro trên 43 tỷ đồng, hình thức khác trên 56 tỷ đồng...), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán trên 23 tỷ đồng, xử lý nợ bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt tổng số tiền trên 37 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tập trung xử lý nhanh, hiệu quả những khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) "về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng". Thông qua việc rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu, các tổ chức tín dụng sẽ nhận diện đầy đủ tình trạng nợ xấu, tài sản bảo đảm, khả năng thu hồi... để có các giải pháp xử lý hiệu quả. Các chi nhánh ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa giá trị.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để thống nhất áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC; tích cực tìm kiếm đối tác mua nợ đối với những khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định; xem xét, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Năm 2018, các chi nhánh ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng Bắc Giang đã áp dụng chính sách tại Nghị quyết 42 và thu hồi được số tiền trên 3,1 tỷ đồng từ việc bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp luật trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo; thực hiện rà soát, phân tích từng khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể để thu hồi, bán đấu giá tài sản hoặc khởi kiện ra tòa án.
Các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và có lộ trình xử lý nợ xấu cụ thể theo năm, do đó đến 30/6/2018 có một số Quỹ tín dụng nhân dân đã xử lý dứt điểm nợ xấu như Quỹ tín dụng nhân dân An Hà, Quỹ tín dụng nhân dân Đông Lỗ, Quỹ tín dụng nhân dân Lan Mẫu.
Việt Hùng
Tags