(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong những tập tục truyền thống lâu đời của người Hoa, “đánh kẻ tiểu nhân” được cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, TP.HCM lưu truyền cho đến hôm nay. Với ý nghĩa cầu may, cầu phúc và xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo quấy rối bên mình, ngày nay, tập tục này đang ngày càng biến tướng và mang tính vụ lợi của những người cúng thuê, cúng mướn.
Đông đảo đội quân cúng thuê
Điểm khác biệt của một buổi lễ thực hành tập tục này so với những tập tục khác là người hành lễ sẽ dùng giày dép đập liên tiếp vào những hình nhân tượng trưng cho những “kẻ tiểu nhân” nhằm xua đuổi cái xấu, cầu mong sự may mắn trong năm mới, cũng như trút bỏ những bực dọc trong cuộc sống… cùng với một số phần hành lễ kèm theo. Ghi nhận trong những ngày qua tại các chùa chiền, hội quán tại TP.HCM cho thấy, tập tục này đang bị những người cúng thuê, cúng mướn lạm dụng, bày vẽ với màu sắc huyền bí, mê tín dị đoan nhằm trục lợi người dân vì đôi khi chính bản thân người đi khấn thuê, cúng mướn cũng không hiểu ý nghĩa của tập tục mà họ đang thực hiện để thu tiền này.
Hội quán Ôn Lăng, hay còn gọi là chùa Quan Âm tại quận 5 là nơi tập trung đông đảo nhất lực lượng cúng thuê, cúng mướn. Vào những ngày cao điểm nhất nơi đây có đến vài chục người, những ngày thường lúc nào cũng có gần chục người luôn “hỗ trợ” nhu cầu “đánh kẻ tiểu nhân” của người dân. Phần lớn họ là những phụ nữ bán nhang và đồ cúng trước cổng chùa, khi người dân đến viếng thì luôn được mời chào mua đồ cúng và dẫn vào chùa để thực hiện các nghi lễ. Thông thường, tùy theo dịch vụ mà giá cả khác nhau, từ hơn trăm nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng như “gói” cầu an chuyển vận, cầu duyên, cầu tài, cầu con… kèm với “đánh kẻ tiểu nhân”. Mỗi nghi lễ thực hiện cho một người kéo dài khoảng 5 phút. Trong những ngày cao điểm, những người này thực hiện cúng mướn cho hàng chục người, ngồi hành lễ chật kín các khu vực của ngôi chùa.
Trong vai một người dân cần thực hiện nghi lễ “đánh kẻ tiểu nhân”, chúng tôi được một người cúng mướn khoảng 50 tuổi có dáng người mập mạp trong bộ áo sơ mi sờn và quần cộc dẫn vào chùa. Với bộ đồ cúng mua ngay tại cổng giá 120.000 đồng và tiền cúng là 80.000 đồng cho mỗi người, chúng tôi được nhắc nói tên và địa chỉ để người cúng ghi vào bộ đồ hành lễ, sau đó người này dẫn chúng tôi đến khu vực thờ ông Hổ để thực hiện các nghi thức, như đốt nhang, khấn vái, tế bạch hổ, đốt giấy… trong đó ấn tượng nhất là người cúng sẽ được “thầy cúng” nhắc đến phần cởi giày dép ra đập vào các hình nhân - tượng trưng cho “những kẻ tiểu nhân” đang theo quấy rối, dép trái đập 8 cái và dép phải 7 cái cho đến khi các hình nhân kia tan tát, đại ý thâm tím mình mẩy, để chắc rằng “kẻ tiểu nhân” đã bị bịt kín miệng sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa… Khi chúng tôi nói muốn cúng thêm nội dung khác, người này báo một giá mới rồi chỉ vài phút sau có ngay bộ cúng mới và nhanh chóng thực hiện các phần niệm chú, cầu khấn đã thuộc lòng trước đó. Khi được hỏi những bài cúng như vậy lấy từ đâu và liệu có linh ứng không, người này nói rằng bài cúng này là dùng chung hết thảy cho các “thầy cúng” ở đây, nếu như không linh thì làm sao người ta đến chùa đông như vậy (!?). “Tôi làm cúng mướn ở đây mấy năm rồi, mỗi năm càng có nhiều người đến cúng hơn, chứng tỏ người ta rất tin”, người này nói.
Tập tục đã bị biến tướng
Tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng trong các hội quán người Hoa cho biết, theo quan niệm của người Hoa, tập tục “đánh tiểu nhân” (Tả Xỉu Dành) trước đây thường diễn ra vào ngày Kinh trập, đây cũng là ngày vía của thần Bạch Hổ. Kinh trập là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch. Dân gian quan niệm rằng, vào ngày này các loại côn trùng, sâu bọ và những điều xấu xa - “tiểu nhân” đều thức tỉnh và làm hại con người.
Vì vậy cần phải “đánh” để tránh “tiểu nhân” làm hại. Đối với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn hiện nay, tập tục “đánh tiểu nhân” có thể diễn ra bất cứ ngày nào. Như ở Hội quán Ôn Lăng, có cả dịch vụ “đánh tiểu nhân” thuê. Lễ vật thường thấy là hương, đèn, giấy tiền, hình nhân… Người muốn “đánh” sẽ ghi tên tuổi của mình, và tốt nhất là thêm một món đồ như quần, áo… Người đánh sau khi khấn vái tên tuổi của người muốn “đánh” thì dùng giấy tiền “quạt” lên món đồ hay lên người muốn “đánh” nhằm mục đích xua đuổi sâu bọ, xua đuổi những điều xấu xa, những kẻ “tiểu nhân” muốn làm hại. Cuối nghi thức, người “đánh” sẽ bỏ hình nhân xuống nền đất rồi dùng dép đánh vào đó, vừa đánh vừa cầu khấn thần Bạch Hổ… Nếu như ở Trung Quốc trước đây, tập tục này mang ý nghĩa cầu may, cầu phúc và thường đi theo các bước như: bái thần, bẩm cáo, đánh tiểu nhân, tế Bạch hổ, hóa giải, cầu phúc, tiến bảo, bốc quẻ cầu may thì ở Hội quán Ôn Lăng hiện nay, tập tục này đơn giản hơn rất nhiều và mang tính vụ lợi của những người khấn thuê cúng mướn.
Chưa kể, có những người muốn “đánh tiểu nhân” nhưng không phải “đánh” vào những điều xấu xa, xui rủi mà “đánh” trực tiếp vào tên tuổi của những người cụ thể mà họ va chạm trong cuộc sống, hay những đối thủ trong làm ăn kinh doanh… Chính những điều này đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tập tục.
Đại diện Hội quán Ôn Lăng cho biết, vào những ngày cao điểm như Tết Nguyên đán, mùng 7 tháng Giêng, rằm tháng Giêng và ngày vía ông Hổ là đông đảo nhất, những ngày này Hội quán phải tăng cường lực lượng bảo vệ lên đến gần 20 người để giữ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và bảo vệ an toàn cho người dân vào cúng viếng, riêng lực lượng khấn thuê, cúng mướn vẫn là bài toán nan giải.
Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi đến viếng, Hội quán đã nhiều lần nhắc người dân không nhất thiết phải thuê người mà có thể tự thực hiện nghi thức này theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong hội quán, tránh để những người này bày vẽ vừa tốn kém mà làm cho tập tục bị biến đổi, mất đi ý nghĩa. Hội quán cũng đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương và có ra bảng thông báo treo ở cổng chùa cấm lực lượng cúng thuê, cúng mướn vào hành nghề nhưng chỉ được một thời gian thì những người này lại vào hành nghề, không thể dẹp hết được. (Ông Hồng Thế Chân, Phó Ban thường thực Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng) |
Theo Báo Văn hóa
Tags