Atletico Madrid: Simeone và nỗi khắc khoải 'số 9'

Thứ Ba, 02/08/2016 11:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những gì Diego Simeone làm được với Atletico là rất ấn tượng. Tuy nhiên, phía sau vinh quang còn có những vấn đề tồn tại. Một trong đó là chuyện về “số 9” của Atletico.

“El Cholo” đã ở Vicente Calderon được 5 năm rưỡi, và trong khoảng thời gian này ông chi tới 183,2 triệu euro chỉ để mua các tiền đạo.

Gameiro, từ giải pháp B đến “kép chính”

Kevin Gameiro là câu chuyện đình đám nhất thị trường chuyển nhượng ở Tây Ban Nha mùa Hè 2016 (chỉ tính các trường hợp hoàn tất hợp đồng). Sau 3 mùa với Sevilla, Gameiro được Barca liên hệ trong nỗ lực giảm tải cho bộ ba Lionel Messi - Luis Suarez - Neymar, trước khi ký vào hợp đồng 4 năm với Atletico, vì được Simeone thủ thỉ vào tai “chúng ta sẽ cùng nhau làm nên những điều tuyệt vời”.

Việc Gameiro gia nhập Atletico là câu chuyện khá kỳ lạ, với nhiều ngã rẽ. Ban đầu, người đại diện Pascal Boisseau của anh làm việc với Sevilla để gia hạn. Boisseau đã đạt được thỏa thuận sau các cuộc gặp với TGĐ Monchi về mức lương mới 4,2 triệu euro. Việc gia hạn chỉ còn thiếu chữ ký, thì bất ngờ Barca vào cuộc. Tuy nhiên, Barca chỉ sẵn sàng trả tối đa 24 triệu euro, sau đề nghị có khởi điểm là 20 triệu euro. Barca rút lui khi Sevilla đòi 40 triệu euro.

Quá trình gia hạn tiếp tục bị “treo”, khi Atletico sau đó cũng tiếp xúc với Gameiro, nhưng chỉ là kế hoạch B. Mục tiêu mà Atletico và Simeone ưu tiên vẫn là người cũ Diego Costa. Chỉ đến khi Chelsea từ chối quyết liệt, và Costa cũng thể hiện thái độ tiếp tục gắn bó với sân Stamford Bridge, Atletico mới dứt điểm vụ Gameiro. 32 triệu euro tiền mặt được chuyển thẳng vào tài khoản của Sevilla, cùng 5 triệu euro trả sau dựa vào thành tích trong tương lai, và thêm 4 triệu euro khác tính bằng việc cho mượn Luciano Vietto (Sevilla cũng có quyền mua lại Vietto sau một năm, với giá 20 triệu euro).

Với Atletico, Diego Simeone là Steve Jobs

Với Atletico, Diego Simeone là Steve Jobs

“Simeone với Atletico giống như kiểu Steve Jobs với Apple”. Đó là câu nói nổi tiếng của kí giải Martin Mazur thuộc tờ Marca (Tây Ban Nha). Liệu đúng như thế?

Như vậy, trong trường hợp Atletico giành La Liga hoặc Champions League, chi phí chuyển nhượng Gameiro sẽ lên đến 41 triệu euro. Dẫu vậy, bóng đá thế giới đang bị lạm phát về giá chuyển nhượng, như việc Juventus mua Higuain với giá kỷ lục Serie A, 90 triệu euro, song những gì Atletico tiêu trong vụ Gameiro vẫn là khá cao. Tiền đạo người Pháp sắp 30 tuổi, không phải tuyển thủ quốc gia, ghi 39 bàn sau 3 mùa La Liga, và chỉ ấn tượng nhất ở Europa League (18 bàn).

183,2 triệu euro và 11 tiền đạo

Gameiro có thành công ở Vicente Calderon hay không? Phải chờ thêm vài tháng nữa để biết câu trả lời. Nhưng có một sự thật, Gameiro làm nổi bật hơn nỗi khắc khoải của Simeone về những “số 9”. Trong 5 năm rưỡi kể từ ngày dẫn dắt Atletico, dịp Giáng sinh 2011, Simeone đã mua 11 tiền đạo, với tổng chi phí là 183,2 triệu euro.

Rất ít trong số này thành công. Nổi bật nhất là Radamel Falcao, người mang đến điều kỳ diệu cùng khoản phí chuyển nhượng 40 triệu euro, rồi sau đó chạy sang Monaco để kiếm tiền. Griezmann (30 triệu euro) là thương vụ thành công khác, nhưng anh thực tế chỉ là tiền đạo lùi và thường đá cánh. Diego Costa cũng thành công trước khi bị bán đi, nhưng anh không được kỳ vọng nhiều, và từng liên tục bị đẩy đi theo dạng cho mượn.

Fernando Torres (nhiệm kỳ 2) và David Villa chỉ ở mức độ vừa phải. Tương tự, Angel Correa thuộc dạng tiềm năng, và chưa thể nói được nhiều. Riêng thất bại thì khá nhiều, như Raul Jimenez (10,5 triệu euro), Leo Baptistao (7), Madzukic (22), Cerci (15), Jackson Martinez (37,1). Gần đây nhất là Vietto. Có nghĩa là hơn một nửa tiền đạo mà Simeone trực tiếp mua về là thất bại.

Simeone - người đưa Atletico vào chung kết Champions League 2 lần trong 3 mùa gần nhất, thường than phiền đội bóng của mình không được đầu tư như Real Madrid và Barca. Nhưng thực tế là Simeone được đầu tư không kém các đồng nghiệp của mình, ít nhất là ở khâu tiền đạo.

32 Gameiro có giá chuyển nhượng 32 triệu euro, nhưng các tùy chọn kèm theo có thể nâng mức phí lên 41 triệu euro.

183,2 Trong hơn 5 năm qua, Simeone đã tiêu 183,2 cho 11 tiền đạo (chính xác là 10 người, vì Torres ký hợp đồng miễn phí, sau khi hết hạn mượn từ Milan).

39 Thành tích của Gameiro trong 3 mùa giải La Liga là 39 bàn. Ngoài ra, Gameiro ghi 1 bàn Champions League, 18 bàn Europa League, 1 bàn ở Siêu Cúp châu Âu, và 8 bàn khác ở Cúp Nhà Vua.

Mua nhiều, Atletico bán cũng đắt

Atletico của Simeone tốn 183,2 triệu euro cho các tiền đạo trong 5 năm qua. Đổi lại, họ cũng thu về rất nhiều từ việc bán các tiền đạo, kể cả những trường hợp gây thất vọng.

Nổi bật nhất là Radamel Falcao. Atletico đã bán tiền đạo người Colombia cho Monaco với giá 43 triệu euro. Rời Atletico, Falcao khủng hoảng nặng nề, với những chấn thương liên tiếp và mất phong độ.

Thương vụ chuyển nhượng Diego Costa sang Chelsea giúp Atletico thu về 38 triệu euro. Mới đây, CLB thủ đô Madrid quyết định bán đứt giá trị của Raul Jimenez cho Benfica, thu được 22 triệu euro. Jimenez trở thành cầu thủ Mexico đắt giá nhất lịch sử, và là bản hợp đồng đắt nhất lịch sử các CLB Bồ Đào Nha.

Đầu năm nay, Jackson Martinez chia tay Atletico chỉ sau 7 tháng để sang Trung Quốc, với giá 42 triệu euro.


Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›