(Thethaovanhoa.vn) - Lần cuối cùng bạn nhớ đến Leo Messi ở trận “Kinh điển” là khi nào? Đó là một kí ức trống rỗng. Nếu có gì để nhắc đến thì chỉ là anh khởi xướng pha bóng dẫn đến bàn ấn định tỉ số của Luis Suarez tại Bernabeu cách đây 5 tháng.
- Ronaldo vẫn có cái hơn Messi ở 'Kinh điển'
- Zidane có vượt qua lời nguyền trận 'Kinh điển' đầu tiên?
- Barca: Iniesta là huyền thoại của 'Kinh điển'
- Messi: 'Tôi đã sẵn sàng cho Kinh điển'
- Trọng tài bắt 'Kinh điển' từng đuổi Ronaldo
Có một Messi nhạc trưởng
Nếu yêu mến Leo Messi, người ta có xu hướng muốn nhìn thấy anh tỏa sáng trong các trận “Kinh điển” nhiều hơn là không ghi bàn. Nhưng một Leo Messi bí ẩn sẽ khó lường hơn một Leo Messi luôn xông xáo trong vòng cấm để tìm kiếm bàn thắng. Ví dụ như ở mùa bóng 2013-2014, tiền đạo người Argentina xới tung hàng phòng ngự Real Madrid tại Bernabeu, lập hat-trick và mang về chiến thắng cho đội nhà, nhưng rốt cục anh lại kiệt sức vào cuối mùa rồi nhìn Barcelona thất bại ở La Liga, cũng như mất Cúp nhà Vua vào chính tay đối thủ.
Cứ khi nào tiền đạo người Argentina lập hat-trick có nghĩa là Barcelona không phải đội bóng có khả năng giành danh hiệu. Cú hat-trick đầu tiên của Messi vào lưới Real ở mùa bóng 2006-2007 cũng chỉ là sự nổi lên của một tài năng cá nhân vì đội bóng xứ Catalunya phải nhìn đối thủ lên ngôi vào cuối mùa.
Có vẻ như Neymar và Luis Suarez là hai người đặt dấu ấn nhiều nhất trong các trận “Kinh điển” gần đây. Chẳng hạn, bộ đôi này đã giải quyết Dải thiên hà của HLV Rafa Benitez một cách gọn gàng, trước khi Leo Messi vào sân ở hiệp hai trong trận lượt đi tại Bernabeu. Dường như tiền đạo người Uruguay đã làm lãng quên cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở các trận có tính chất lớn nhất giải đấu xứ sở bò tót.
Nhưng không vấn đề, đó là lúc tiền đạo người Argentina nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm “đầu kéo” cho Barcelona ở các trận “Kinh điển”. Sự xuất hiện của Neymar và Suarez giúp anh giảm bớt gánh nặng là tay săn bàn chính, cũng như khiến số 10 trở nên nguy hiểm hơn, khi đối thủ không biết anh sẽ chơi như thế nào: Là người tổ chức trận đấu hay tiền đạo đúng nghĩa?Chẳng hạn như ở trận Kinh điển đầu tiên của Jose Mourinho, Messi không ghi bàn nào trong cú Manita, nhưng là nhà kiến tạo số 1 với những đường chuyền xẻ đôi Real Madrid cho David Villa ghi bàn. Hoặc nếu muốn anh ghi bàn và Barcelona vô địch, hãy có đủ Xavi và Iniesta trên sân, những người làm nhiệm vụ tổ chức, còn anh là người kết thúc tình huống như một serie các trận đấu với Real thời Mourinho.
Nhưng hãy trở lại thôi Messi
“Tôi không gặp vấn đề về thể lực và đây là lúc để nghĩ về “Kinh điển” - Leo Messi thật sự háo hức với trận đấu này. Thật may, đó là số 10 hoàn hảo ở thể trạng, phong độ và sự nhạy bén. Hai trận đấu khó nhọc ở vòng loại World Cup 2018 đưa đến một Messi đích thực, đúng vai trò của cầu thủ quan trọng nhất của đội bóng. Tổ chức trận đấu là một, phòng ngự khi cần là hai và ghi bàn là ba, tất cả đều được thực hiện với sự tận tâm và chính xác.
Leo Messi có thể hài lòng với vai trò của một nhạc trưởng, giúp Neymar và Suarez ghi bàn. Nhưng bản năng của cầu thủ lớn luôn là sự thôi thúc để anh làm nhiều hơn thế. 360 phút không ghi bàn ở “Kinh điển” có thể là cơn hạn hán bàn thắng, nhưng cũng có thể là lúc nuôi dưỡng sự bùng nổ cho số 10. Barcelona đang có dấu hiệu mệt mỏi, và sự sung mãn của Leo Messi sẽ đem lại sự yên tâm cho các đồng đội. Nếu anh ghi bàn và đội bóng xứ Catalunya chiến thắng, đó sẽ là điều tốt nhất vào lúc này, rồi sau đó, họ sẽ hướng đến Atletico Madrid. Trở lại thôi Messi!
500 Chỉ cần ghi một bàn thắng trong trận đấu với Real Madrid ở Camp Nou vào cuối tuần này, Leo Messi sẽ có bàn thứ 500 trong sự nghiệp. 21 Leo Messi đã ghi được 21 bàn thắng trong 31 trận Kinh điển mà anh đã tham gia, bên cạnh đó là 13 đường chuyền thành bàn. 15 Tiền đạo người Argentina đã giành 15 chiến thắng trong 31 trận Kinh điển góp mặt, để thua 9 trận và có 7 trận hòa. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa
Tags