CHIẾN THUẬT 'Kinh điển': 4-4-2 lên ngôi. Barca chống phản công hay. Không thể máy móc kèm Messi

Thứ Hai, 25/12/2017 08:39 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Những dấu ấn chiến thuật đã được thể hiện đậm nét trong trận Kinh điển tại Bernabeu. Và Barcelona, với thành công về mặt chiến thuật bởi những con người kiệt xuất, đã ca khúc khải hoàn.

Sự đảo chiều của chiến thuật

Nhiều năm qua, người Anh đã coi 4-4-2 là một đặc sản chiến thuật của họ. Ngược lại, các đội bóng Tây Ban Nha thường xây dựng lối chơi dựa trên nền tảng 4-3-3.

Lịch sử đang đảo chiều. Man City đang thành công với 4-3-3 nhờ tư tưởng chiến thuật của Pep Guardiola, một người Tây Ban Nha. Barca, hiện cũng đang được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân Tây Ban Nha khác là Ernesto Valverde, lại chiến thắng trận Kinh điển nhờ 4-4-2.

Chú thích ảnh
Barca thắng bởi sự vượt trội của sơ đồ 4-4-2 - Ảnh SkySports

Trong khi Real chơi với hàng tiền vệ hình kim cương, Barca sử dụng 4 cầu thủ ở tuyến giữa. Sự sắp đặt về nhân sự này khiến khu trung tuyến thực sự chật chội. Hầu như không có khoảng trống cho cả hai đội và buộc các tiền đạo phía trên phải di chuyển cực rộng để tìm bóng.

GÓC CHIẾN THUẬT: Real Madrid 'chết' vì phân Kovacic kèm Messi

GÓC CHIẾN THUẬT: Real Madrid 'chết' vì phân Kovacic kèm Messi

Zinedine Zidane đã phân Mateo Kovacic chỉ theo kèm Lionel Messi. Nhưng nước cờ được kì vọng nhất của HLV người Pháp lại báo hại chính Real Madrid.

Và vấn đề của Real là họ không thể duy trì được sự tập trung cao nhất với hàng tiền vệ và họ trả giá sau một pha đánh trung lộ cực hay của các tiền vệ Barca.

Sự khác biệt từ các hậu vệ biên

Bởi vì hàng tiền vệ quá chật chội, nên các hậu vệ của Real phải lao lên phía trên để chiếm lĩnh khoảng trống ở hai biên.

Chú thích ảnh
Sự cô đẳng của tuyến giữa buộc các hậu vệ Real phải đánh biên nhiều hơn - Ảnh Skysport

Dani Carvajal và Marcelo là những hậu vệ có khả năng tấn công cực tốt nhưng vì hay leo cao, họ để lại những khoảng trống phía sau lưng mình. Điều này sẽ không xảy ra nếu họ chơi theo cách Barca đã phòng ngự.

Ở trận này, Alba và Roberto rất ít khi dâng cao. Họ luôn cố gắng cố định vị trí của mình khi có thể. Chỉ đến khi có cơ hội để phản công, họ mới lao về phía trước.

Chú thích ảnh
Khi các hậu vệ biên leo cao, khoảng trống ở phía sau họ là cực lớn - Ảnh Skysport

Alba và Roberto không lên cao cũng đồng nghĩa với việc các hậu vệ cánh của Real không có khoảng trống để công phá. Ngược lại, khi Barca phản công, họ có rất nhiều đất để di chuyển.

Bàn mở tỷ số của Barca đến từ một trong những pha bóng như thế. Busquets đưa bóng tới chân của Rakitic sau một pha xoay "compa". Tiền vệ người Croatia sau đó mở bóng cho Sergi Roberto dâng lên bên cánh phải. Bóng được căng vào đúng vị trí của Suarez và bàn thắng đến.

Chú thích ảnh
Hướng đánh của Real Madrid trận này chủ yếu là hai biên

Một pha lập công dễ dàng và nó tố cáo sự lỏng lẻo của hàng thủ Real.

Barca chống phản công cực hay

Phản công giỏi, Barca chống phản công cũng rất hay.  Bất cứ khi nào họ mất bóng sau mỗi pha dâng cao, các hậu vệ Barca ngay lập tức xiết chặt cự ly, bọc lót cho nhau cực tốt ở hàng thủ 4 người.

Chú thích ảnh
Một pha tắc bóng chống phản công cực hay của Pique - Ảnh Reuters

Tính kỉ luật về vị trí của hàng tiền vệ cũng được thiết lập, tạo ra bức tường phòng ngự 2 lớp trước khung thành. Chính bởi thế, Real Madrid hầu như không có cơ hội để xuyên phá, dù họ đã tung vào sân những cầu thủ tấn công tốt nhất trong hiệp hai.

Khả năng phòng ngự thiên tài của Pique

Hồi đầu mùa giải, Pique thừa nhận đây là lần đầu tiên kể từ khi về Barcelona năm 2009, anh e ngại Real Madrid.

Nhưng trận đấu hôm thứ Bẩy tại Bernabeu, Pique chứng minh cảm giác e ngại chỉ là nhất thời. Ở thời điểm Real tấn công khá hay trong hiệp một, sự chắc chắn của Pique đã giải tỏa sức ép lên hàng thủ Barca.

Chú thích ảnh
Một trận đấu đỉnh cao của cá nhân Pique

Trung vệ người Tây Ban Nha có tới 8 pha cản phá, một con số ấn tượng trong bối cảnh người đồng nghiệp Vermaelen chỉ chơi ở mức tròn vai.  Nói một cách khác, Pique chính là người thống lĩnh, tạo ra khác biệt cho hàng thủ Barca.

Chết vì sự máy móc của Kovacic

Mateo Kovacic mới chỉ có 3 trận tại Liga tính từ đầu mùa giải. Tuy nhiên, anh đã đá chính trong cả hai trận Kinh điển ở Siêu cúp Tây Ban Nha, khi Real đều thắng Barca.

Sau trận đấu đó, Valverde thừa nhận ông đã gặp khó khăn bởi sự có mặt của Kovacic. "Cậu ấy chơi thực sự tốt trong hai trận tranh siêu cúp. Kovacic là một cầu thủ giỏi. Tôi luôn e ngại đẳng cấp của một cầu thủ như thế".

Pha phòng ngự máy móc của Kovacic tạo điều kiện cho Suarez mở tỷ số cho Barcelona ở trận thắng 3-0 Real Madrid

Ở trận Kinh điển này, Kovacic tiếp tục được HLV Zidane chọn đá chính và anh vẫn làm nhiệm vụ quen thuộc: theo kèm Messi.

Nhưng chính điều đó lại khiến Real phải trả giá. Kovacic chơi ở trung tâm hàng tiền vệ kim cương, nghĩa là sẽ lộ một khoảng trống lớn nếu như Kovacic cứ đi theo Messi, một cầu thủ hoạt động rất rộng, như hình với bóng.

Chú thích ảnh
Rakitic thoải mái cầm bóng xộc vào trung lộ khi Kovacic mải theo kèm Messi

Bàn thắng mở tỷ số đến đúng theo một kịch bản như thế. Vì chỉ theo Messi nên Kovacic để Rakitic thoải mái xộc thẳng vào trung lộ và mở bóng để Roberto căng ngang cho Suarez ghi bàn.

Công bằng mà nói, Kovacic đã thành công khi phong tỏa được Messi, điều này thấy rõ nhất trong hiệp một. Nhưng việc chơi một cách máy móc và thiếu linh hoạt khiến cho Kovacic nói riêng và Real nói chung, phạm một sai lầm không thể tha thứ.

Ma thuật Messi lại thắng Ronaldo

Kinh điển nào cũng vậy, hoặc Messi, hoặc Ronaldo được ca ngợi. Nếu trận Kinh điển ở Camp Nou đầu mùa, Ronaldo tỏa sáng thì trận chiến ở Bernabeu này, Messi lại được vinh danh.

Chú thích ảnh
Messi lại có một trận đấu ấn tượng ngay tại Bernabeu

Quả 11m của Messi đã kết liễu những hy vọng vùng lên của Real Madrid sau khi phải nhận bàn thua. Pha qua người trước Marcelo với một chiếc giày bị tuột khỏi chân sau đó vẫn chuyền được cho Aleix Vidal ghi bàn xứng đáng là một khoảnh khắc nghệ thuật.

Ghi bàn ở 'Kinh điển', Messi xô đổ kỷ lục của huyền thoại người Đức

Ghi bàn ở 'Kinh điển', Messi xô đổ kỷ lục của huyền thoại người Đức

Lionel Messi đã xô đổ kỷ lục của huyền thoại người Đức Gerd Mueller khi anh lập công vào lưới Real Madrid trong trận thắng 3-0 của Barca.

Ngược với Messi, Ronaldo sút hụt ở pha bóng mà anh có cơ hội rõ ràng nhất để mở tỷ số. Ronaldo đã tham lam khi dứt điểm ở góc hẹp khi mả cả Kroos lẫn Marcelo đã giơ tay xin bóng ở phía ngoài. Nó đối lập với tình huống dẫn đến quả 11m của Barca, khi Messi không sút và chuyền cho Suarez.

Hình ảnh Messi hai tay giơ lên bầu trời Bernabeu sau khoảnh khắc ghi bàn đã nói lên tất cả.

Kết liễu trận đấu theo phong cách Barca

Bàn thứ 2 của Barca là một đòn chí mạng với Real Madrid. Zidane thay đổi bằng cách đưa Nacho vào để thắt chặt hàng thủ, tăng cường khả năng tấn công bằng Bale và Asensio. Nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Clip Real Madrid 0-3 Barcelona

Barca đã xiết chặt mọi con đường tới khung thành của mình. Họ không cho Real có cơ hội để áp sát khung thành của Ter Stegen. Thậm chí một pha phạm lỗi ngay trước vòng cấm cũng không có. Real chỉ sút xa và sút xa trong vô vọng.

Lối chơi đúng phong cách của Barca đã đánh gục mọi ý chí của Real.

Varane là một vấn đề

Nếu Pique là đỉnh cao của trận chiến ở Bernabeu, Varane lại là đáy của sự thất vọng.

Trung vệ người Pháp không có một pha tắc bóng thành công nào. Anh gặp khó khăn trong việc tìm ra sợi dây kết nối với đối tác là Ramos, tạo ra những khoảng trống chết người ở hàng thủ Real.

Chú thích ảnh
Varane đã bỏ quên Suarez trong pha phòng ngự này - ảnh Skysport

Phải thừa nhận rằng ở trận này, Varane phải hoạt động nhiều bởi Carvajal dâng lên quá cao.  Nhưng trách nhiệm của hậu vệ người Pháp thể hiện rõ ở bàn thua đầu tiên, khi anh để Suarez thoải mái di chuyển. Ở bàn thua thứ hai, Varane cũng là người mắc lỗi.

Nói một cách khác, Varane chính là vấn đề của Real ở trận Kinh điển này.

T.Giáp
Tổng hợp từ DailyMail

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›