(Thethaovanhoa.vn) - “Khi Diego trở lại cạnh tranh ở mức độ cao nhất, cậu ấy luôn có mặt trong kế hoạch của chúng tôi”, Lopetegui đã quả quyết như thế khi gọi Diego Costa trở lại đội tuyển Tây Ban Nha. Và người kế nhiệm ông, Fernando Hierro, cũng hoàn toàn đồng ý.
- TRANH CÃI: Diego Costa đáng nhận thẻ đỏ trước khi ghi bàn thắng cho Tây Ban Nha
- ĐIỂM NHẤN Bồ Đào Nha 3-3 Tây Ban Nha: Ronaldo siêu hạng. Diego Costa quá hay. TBN vẫn mạnh
Chân sút gốc Brazil từng bị xem là một kẻ lạc loài, nhưng với cú đúp vào lưới Bồ Đào Nha, anh đã chứng tỏ rằng mình là mũi nhọn rất cần thiết trong kế hoạch chinh phục vinh quang của La Roja.
Cuộc thử nghiệm 'số 9'
David Villa tuyên bố từ giã ĐTQG sau khi kết thúc World Cup 2014, nhưng Del Bosque đã tính đến chuyện tìm người kế tục anh từ trước đó, khi quyết định mang tiền đạo nhập tịch Diego Costa đến Brazil năm ấy. Đáng tiếc, đó lại là giải đấu đáng quên với cá nhân Costa, cũng như Thế hệ vàng từng giành 2 chức vô địch châu Âu và 1 chức vô địch thế giới.
Những cuộc thử nghiệm “số 9” vẫn tiếp tục, sau khi Lopetegui thay thế Del Bosque, với một loạt những cái tên như Alvaro Morata, Vitolo, Aritz Aduriz, Iago Aspas, Rodrigo,… nhưng không ai gây ấn tượng thực sự, dù rằng Tây Ban Nha đã chơi cực kỳ thành công ở vòng loại World Cup 2018. Họ thắng 9, hòa 1 trong 10 trận, ghi 36 bàn thắng và chỉ thủng lưới có 3. Diego Costa, Alvaro Morata, Isco và David Silva là những chân sút tốt nhất
Sự thống trị của tiki-taka trong lối chơi của Tây Ban Nha suốt một thập kỷ qua, khiến nhiều người đánh giá thấp vai trò vị trí trung phong cắm. Thực tế, Tây Ban Nha từng giành EURO 2012 mà không cần một trung phong nào. Nhưng sau kỷ nguyên của Villa, người ta mới thấy những vấn đề hé lộ: Hệ thống ấy rất cần một thợ săn bàn thắng để tận dụng triệt để những cơ hội mà hàng tiền vệ trứ danh và nhuần nhuyễn đã tạo ra. Cùng chung DNA tiki-taka, nhưng Barca không đối mặt với vấn đề này vì họ sở hữu những ngôi sao tấn công quá “khủng”. Trái lại, Tây Ban Nha thì vẫn khát khao một “số 9” đẳng cấp để kế tục Villa.
Costa là lựa chọn thích hợp
Trong số các thử nghiệm của Del Bosque và Lopetegui, Costa rõ ràng là phương án kết hợp tốt nhất giữa tài năng, sức mạnh, và kinh nghiệm. Ở Atletico, anh là mũi nhọn tin cậy của Diego Simeone. Đến Chelsea, Costa đều tỏa sáng cùng Mourinho và Conte, dù sau đó anh mâu thuẫn với ông thầy người Italy.
Cả Atletico và Chelsea đều là những đội bóng giỏi trong phòng ngự phản công, và Costa là lựa chọn thích hợp nhất trong vai trò xâm nhập vòng cấm, quấy phá các hậu vệ, giành lại bóng và ghi bàn. Trong khi đó, lối chơi của Tây Ban Nha đòi hỏi “số 9” của họ phải là người có khả năng bùng nổ đoạn ngắn, cũng như có thể tạo nên một bức tường ở đầu vạch 16m50, để tạo khoảng trống cho những vệ tinh như Iniesta, Isco,… tỏa sáng. Đó là lý do vì sao Paco Alcacer, một cầu thủ có tốc độ rất nhanh, là chân sút hàng đầu ở vòng loại EURO 2016 và là mũi nhọn chính thức của họ ở VCK. Alcacer từng rất hiệu quả ở Valencia, nhưng sau đó, anh bị rớt phong độ ở Barca vì không cạnh tranh nổi với MSN. Alvaro Morata từng được kỳ vọng, nhưng đã trải qua mùa giải đáng quên tại Chelsea, còn Iago Aspas chưa thể tạo niềm tin.
Đó là lý do Costa đá chính ở Sochi, và anh đã khóa miệng những kẻ chỉ trích mình bằng một màn trình diễn cực kỳ thuyết phục. Costa đã hòa nhập vào lối chơi của cả đội mà vẫn giữ được những điểm mạnh về sự tinh quái, và lối chơi có phần bản năng của mình.
Sự lợi hại của ‘đấu sĩ’
Hãy hỏi Pepe, trung vệ nổi tiếng về độ lì lợm, để thấy anh đã phải đối mặt với một đối thủ đáng sợ như thế nào. Từ đường chuyền dài vượt tuyến của Busquets, Costa đã cực kỳ khôn ngoan dùng tay tác động vào mặt Pepe trong tình huống nhảy lên tranh bóng. Trung vệ kỳ cựu của Bồ Đào Nha ngã lăn xuống, còn Costa dũng mãnh lao vào vòng cấm địa. Trong vòng vây của 4 hậu vệ đối phương, anh vẫn khéo léo xoay trở trước khi tung cú dứt điểm cực nhanh mà không cần chạy đà. Bóng dài chưa bao giờ là điểm mạnh của Tây Ban Nha, thậm chí còn bị coi là sự phản bội với truyền thống, nhưng với Costa ở phía trên, đó sẽ luôn là những cơ hội rõ rệt.
Đó là điều mà những học trò của Hierro rất cần khi phải đối đầu với một đối thủ rắn cỡ Bồ Đào Nha, thay vì quá cầu toàn theo đuổi lối chơi truyền thống nhưng thiếu hiệu quả. Khi những nghệ sĩ không thể mang đến thành công, những đấu sĩ sẽ phải lên tiếng. Ở Sochi, Costa thậm chí còn lập cú đúp, và bàn gỡ hòa thứ hai đến từ một tình huống cố định mà Fernando Santos cứ nghĩ rằng đội bóng của ông sẽ chiếm lợi thế trước Tây Ban Nha. Rõ ràng, với Costa, Hierro đã có một thứ vũ khí lợi hại.
Với phần lớn những người hâm mộ, đây là trận đấu của riêng Cristiano Ronaldo, tác giả của cú hat-trick, nhưng với các fan Tây Ban Nha thì đang khá lạc quan, bởi họ dường như đã tìm ra câu trả lời cho bài toán “số 9” đã đeo đẳng suốt từ thời hậu David Villa.
Tuấn Cương (Tổng hợp)
Tags