(Thethaovanhoa.vn) - La Liga không Ronaldo và Messi, sẽ giống như một vương quốc không có Vua, Paris không có tháp Eiffel, London thiếu xe buýt hai tầng và nước Mỹ không có Hollywood.
- Messi tiết lộ bí quyết của MSN
- Filipe Luis: 'Messi luôn được báo chí và ban tổ chức La Liga che chở'
- Tranh cãi ai là cầu thủ xuất sắc nhất, fan Ronaldo đâm chết fan Messi
- Báo thân Real Madrid nghiêng mình trước nụ cười của Messi
Con gà đẻ trứng vàng
“Chúng tôi có những chiến dịch khác nhau cho những khu vực khác nhau của thế giới, chẳng hạn như thể thao không thật sự “sống” ở châu Á như ở châu Âu, nhưng chúng tôi có nền tảng mạnh cho điều đó”, ông Tebas nói trong một buổi họp của ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Tây Ban Nha.
Ý của ông là với Messi và Ronaldo, La Liga sẽ hướng tới thị trường Trung Quốc, nơi có đến 45% người dân xem thể thao trên điện thoại di động, con số này lớn gấp 3 lần ở châu Âu. “Vì thế ở Trung Quốc, chúng tôi có một hợp đồng với đối tác cung cấp video online, để khai thác được thị phần tiềm năng này”, ông Tebas nhấn mạnh đến chiến lược của Liga.
Sự xuất hiện của Ronaldo đã đưa Real tiến trước ban tổ chức giải đấu này nhiều bước. Họ đề nghị thay đổi giờ thi đấu để phù hợp với thói quen và múi giờ ở châu Á. Các trận Kinh điển ở Bernabeu không còn diễn ra vào lúc 4 hay 5 giờ sáng, mà chuyển tới những khung giờ “đẹp” hơn và còn có cả những điểm cầu trực tiếp tới Trung Quốc, khu vực Trung Đông và cả Bắc Mỹ.
Doanh thu của Real Madrid tăng từ xấp xỉ 200 triệu euro những năm 2000, lên tới 660 triệu euro vào năm ngoái, biến họ thành đội bóng giàu nhất thế giới trong 11 năm liên tiếp. Trong khi Barcelona của Messi cũng đánh bật Man United khỏi vị trí số 2 với 560,8 triệu euro trong năm 2015.
Có thể khẳng định điều này, La Liga cần Messi và Ronaldo hơn là hai ngôi sao đó cần giải đấu này để nổi tiếng. Real và Barcelona từng sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới trong suốt 2 thập kỉ qua, từ Zidane, Ronaldo béo, từ Rivaldo cho tới Ronaldinho, từ Figo cho tới Beckham, nhưng tiền bản quyền truyền hình chỉ khiêm tốn ở mức 300 triệu euro, cho đến trước khi Messi và Ronaldo trỗi dậy và mang tới hình ảnh hoàn toàn mới cho giải đấu này
Sau 3 năm kể từ khi nắm quyền, ông Tebas đã tạo ra bước đột phá đầu tiên, nâng tiền bản quyền truyền hình từ 800 triệu euro năm 2013 lên 1,2 tỉ euro vào năm 2016, cũng như đạt mức 1,7 tỉ euro năm 2017. Con số bé nhỏ so với 7 tỉ euro tiền bản quyền truyền hình của Ngoại hạng Anh trong 3 mùa tới.Ông Tebas ví von, Ngoại hạng Anh giống như NBA của bóng đá trong 5 năm tới về mức độ nổi tiếng tới từng ngõ ngách của thế giới. Và nếu như bóng đá Tây Ban Nha không phản ứng, họ có thể sẽ mất những ngôi sao lớn như Messi, Ronaldo hay Neymar vào tay đối thủ.
La Liga bắt đầu hành động mạnh mẽ hơn thông qua những đại sứ hình ảnh ở khu vực Bắc Mỹ hay Trung Quốc, với những cựu ngôi sao của Real Madrid là Luis Figo và Roberto Carlos. Vì họ muốn “bán” Messi và Ronaldo ra thế giới nhiều hơn nữa.
Liga không kém cạnh tranh
Người Tây Ban Nha may mắn vì sở hữu hai ngôi sao lớn nhất thế giới và hai đội bóng mạnh nhất thế giới. Còn La Liga trở thành thương hiệu hoàn hảo để tiếp thị trên toàn thế giới. Nhiều người nhận định, giải đấu này kém cạnh tranh hơn so với ngoại hạng Anh, vì sự thống trị của Real Madrid và Barcelona ở cả Liga và đấu trường châu Âu trong ngót một thập kỉ qua.
Nhưng những con số nói điều ngược lại. Tiền bản quyền truyền hình tăng trưởng liên tục từ năm 2009 đến nay là nhờ công sức của Messi và Ronaldo. Hai ngôi sao này khiến Atletico Madrid được chú ý nhiều hơn, khi đội bóng áo sọc đỏ đen thu về 42 triệu euro tiền bản quyền truyền hình. Và nhờ sức bật đó, họ chen chân vào cuộc đua giữa hai đối thủ lớn với chức vô địch mùa 2014.
Và sự thành công của bóng đá Tây Ban Nha ở cấp câu lạc bộ vượt trội so với Ngoại hạng Anh trong từng đấy năm, chưa kể những danh hiệu ở cấp đội tuyển khẳng định điều đó. Đó là lí do vì sao ban tổ chức Liga quyết tâm giúp Barca và Real giữ chân Messi, Ronaldo bằng mọi giá.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, bạn bật tivi lên và không còn được thấy những điều kì diệu từ Messi, những bàn thắng phi thường của Ronaldo. Không thấy sức sống trong các trận đấu của Real hay Barcelona, hoặc cả hai bị các đối thủ đánh bại. Lúc đó, La Liga mới thật sự thiếu tính cạnh tranh và giải đấu này sẽ thật tầm thường nếu không có họ.
1,7 Mục tiêu của ban tổ chức La Liga là thu về 1,7 tỉ euro tiền bản quyền truyền hình vào năm 2017. 280 Barcelona và Real Madrid là hai đội bóng thu được nhiều tiền bản quyền truyền hình nhất với 280 triệu euro chia cho hai đội. 660&560,8 Đó là doanh thu lần lượt của Real Madrid và Barcelona trong năm 2015, cao nhất nhì thế giới. La Liga khai thác Messi và Ronaldo tới tận “răng” Theo ông Tebas, La Liga vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ và họ còn 2 năm hành động nữa trong kế hoạch 6 năm mà ông đã đặt ra kể từ khi lên nắm quyền ban tổ chức giải đấu này. Trong đó, kế hoạch đầu tiên là giữ chân Messi và Ronaldo ở lại trong 3 năm tới, vì hợp đồng bán bản quyền truyền hình La Liga phụ thuộc lớn vào sự có mặt của hai ngôi sao này. Sau đó là hướng tới việc khai thác sức ảnh hưởng của Messi và Ronaldo ở khía cạnh hoàn toàn mới. “Một trong những thách thức là tấn công vào thị trường hiệu ứng âm thanh, kĩ thuật số là vô cùng quan trọng và chúng tôi có cách thức để khiến bóng đá trở nên đặc biệt hơn trong tương lai. Trong hai năm tới, các cổ động viên không chỉ muốn xem Messi và Ronaldo qua tivi nữa, mà họ còn muốn “cảm nhận” hay ngôi sao này thông qua những công cụ như mạng xã hội hay bất kì thứ gì khác”, ông Tebas nhấn mạnh. La Liga không chỉ muốn tiếp thị hình ảnh của Ronaldo và Messi mà còn muốn tiếp thị họ qua mọi chủ đề khác tới toàn thế giới. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa
Tags