Kinh điển Barcelona - Real Madrid: Zidane và sự đánh giá của miệng đời

Thứ Bảy, 03/12/2016 13:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sự đánh giá bao giờ cũng chủ quan, nhất là những đánh giá sớm. Thậm chí, có những chủ quan đầy nghiệt ngã. Ngay cả một ngôi sao lớn như Zidane cũng không thể bị loại trừ khỏi sự đánh giá ấy của miệng đời. Và mỗi lần nhận ra mình sai khi đánh giá ai đó, nó có làm ta chùn “miệng” lại ở những đánh giá kế tiếp, về những người kế tiếp???

1. Ngày nhận chức ở Real, điều Zidane nhận được là sự ngờ vực. Người ta soi vào thành tích của đội trẻ Real Madrid, với những tỷ lệ thắng thua chính xác tới tận phần trăm, để quả quyết rằng “sẽ là một thảm họa huấn luyện”.

Zidane ăn mừng những bàn thắng đầu tiên của Real dưới tay ông huấn luyện tới mức toạc cả quần. Và người đời nhìn vào đó, với nụ cười, và càng tin rằng “tay này có thể sẽ thành trò hề trên ghế huấn luyện”. Không ai tin Zidane cả, kể cả khi ông cùng Real vào chung kết Champions League. Họ nói “chặng đường của Real quá nhàn. Cầu thủ Real đang chán Rafa tận cổ, chẳng qua họ thay đổi và hứng khởi vì Rafa đi, chứ không phải vì Zidane tới”.

Barcelona – Real Madrid: 'Kinh điển' không vị thần chiến tranh

Barcelona – Real Madrid: 'Kinh điển' không vị thần chiến tranh

Chỉ cách đây vài năm, Kinh điển đã được nhắc đến từ cách đó cả tháng trời, vì sự thù địch của Jose Mourinho dành cho Barcelona. Trái ngược hoàn toàn với hiện tại, El Clasico cứ như thể không còn tồn tại, trong sự yên ắng của cả hai đội

Ở thời điểm đó, phải thừa nhận Zidane nhận việc là hành động dũng cảm, dũng cảm đến liều lĩnh. Ông đang có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với Perez, đang là thần tượng một thuở ở Bernabeu. Chỉ cần thất bại thôi, ông sẽ bị sa thải, mối quan hệ đẹp sẽ đổ vỡ, và thần tượng cũng sẽ nhạt nhòa. Đó là một chấp nhận đánh đổi, một chấp nhận “được làm vua, thua làm giặc”. Dễ hiểu, trong các chức vô địch Champions League của Real từ năm 2000 tới nay, chưa chức vô địch nào được nhớ như lần Zidane quăng cú volley vào lưới Leverkusen. Nếu ông thảm bại ở cương vị HLV, người ta cũng sẽ dần nhạt nhòa ký ức về pha bóng tuyệt đẹp ấy.

2. Sau chức vô địch với Real ở Champions League, Zidane tuyên bố ở đầu mùa giải này rằng “Ngay cả tôi cũng có thể bị sa thải”. Đó là một chia sẻ thật lòng. Ở Real (cũng như ở Barca) không có ai vĩ đại hơn logo CLB hết. Và một huyền thoại bị tống cổ chỉ vì ông ta không làm tốt nhiệm vụ cũng sẽ là điều tất nhiên mà thôi.

Nhưng câu nói ấy của Zidane hóa ra lại có quyền năng kinh khủng. Nó khiến các siêu sao ở Real hiểu rằng “nếu Zidane có thể bị đuổi, thì các vị cũng có thể bị ngồi ghế dự bị”. Và kế tiếp, Zidane gạt mọi ngờ vực bằng cách không cho Enzo, con trai mình, được chen chân vào danh sách các cầu thủ của đội 1, ở Liga. Kèm theo đó, người đồng hương Benzema cũng không còn chiếm vai trò quá quan trọng trên hàng công nữa. Ở Real lúc này, Zidane mới là số 1.

Điều đó mang lại thành tích đáng nể cho đội bóng. So với Barca và Atletico, 33 trận gần đây nhất ở Liga, tức là 33 trận kể từ khi Zidane bắt đầu cầm quân, Real kiếm được 86 điểm. Ông chỉ để mất 13 điểm trong tổng số 99 điểm tối đa mà thôi (5 trận hòa và 1 trận thua). Trong khi đó, cũng ở 33 trận đó, Barca chỉ có 76 điểm và Atletico chỉ có 71 điểm.

Ai mới là người đáng gờm đây, trong 3 người Zizou – Simeone – Enrique?

Top 10 cầu thủ từng khoác áo cả Real Madrid và Barca


3. Từ đầu mùa tới nay Zidane cho khoảng 20 cầu thủ Real ra sân. Trong khi đó, Enrique chỉ cho khoảng hơn 11 cầu thủ Barca xuất trận. Người ta không thể vô địch với chỉ hơn 11 cầu thủ, bởi mùa bóng kéo dài với nhiều giải đấu, và với rủi ro chấn thương rất lớn.

Chỉ cần tính toán ấy của Zidane thôi, đã cho thấy ông là một HLV giỏi. Có thể ông không bén về chiến thuật trên sân như Pep Guardiola hay Simeone nhưng về chiến lược đường dài thì ông đang vượt trội. Và sự vượt trội kia có đủ để cho thấy, miệng đời đã quá ác với ông ở thời điểm gần 1 năm trước, khi ông lên thay Rafa?

Đánh giá vội về người khác thì rất dễ nhưng đánh giá lại người khác cho đúng, và tự mình phản biện lại cái sai vội vã của mình thì khó lắm. Tất cả chúng ta đều dễ mắc vào sai lầm chủ quan đó, nhất là ở thời đại mạng xã hội cấp cho chúng ta một quyền năng ảo quá lớn như lúc này. Và nguy hiểm hơn là khi nhận ra ta sai, ta thường phản ứng thế nào? Im lặng, tảng lờ để lần sau sai tiếp chăng???

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›