(Thethaovanhoa.vn) - Thường thì những câu lạc bộ lớn như Barcelona luôn có quyền kén chọn nhà tài trợ áo đấu cho mình. Nhưng như người Việt Nam vẫn nói “đồng tiền mà biết nói năng”, suy cho cùng thì họ cũng chẳng làm cao được mãi.
- Tại sao Pogba không đến Barca?
- Barca hoàn tất chuyến du đấu châu Âu: Đáng lo đấy, Luis Enrique!
- Một ngày sau trận thắng Barca 4-0, Liverpool thua Mainz... 0-4
- Barca phản ứng dữ dội kết quả bầu chọn của UEFA
Khi đối tác chắc tay
Chuyến thăm Qatar vào đầu năm 2016 vừa rồi, bộ sậu những chuyên gia marketing của Barcelona đã cố gắng thương thảo hết sức cho bản hợp đồng mà họ kì vọng sẽ mang đến khoản tiền kỉ lục cho đội bóng xứ Catalunya và đưa nhà vô địch La Liga vượt qua Man United.
Nhưng thực tế, mọi thứ không diễn ra thuận lợi như Barca chờ đợi. “Qatar là một trong những khả năng, nhưng chúng tôi cũng đang đàm phán với các đối tác khác, mọi việc đều đang rất trôi chảy”, ông Arroyo, người được giao nhiệm vụ thuyết phục các ông chủ ở vùng Vịnh chi tiền cho đội bóng nói cứng.
Ngược lại thời gian xa hơn, Barcelona cũng gặp khó khăn khi kí hợp đồng tài trợ áo đấu với Nike, mà không rõ lí do. Lúc đó, Chủ tịch Bartomeu thừa nhận, rất có thể, ở mùa giải 2016-2017, Barcelona sẽ không có logo của bất cứ nhà tài trợ nào trên áo đấu: “Mọi thứ đã được thông báo với Nike và họ hiểu tình thế của chúng tôi. Chúng tôi bán áo đấu chứ không bán bất kì thương hiệu nào khác. Và khi tung trang phục mùa bóng mới ra thị trường, rất có thể sẽ không có nhà tài trợ nào trên áo đấu”.
Với Qatar, họ không hứng thú với kiểu quay vòng tài trợ (phương pháp ROI) giống như Man United đã làm với hãng Chevrolet, mà tập trung vào việc xây dựng hình ảnh quốc gia nhiều hơn. Vì thế, khi Barcelona làm giá, những ông chủ giàu có này ngay lập tức từ chối chi một số tiền quá lớn, mà họ không nhận được nhiều hơn những gì đã bỏ ra. Đó là điều khiến đội bóng xứ Catalunya gặp rủi ro khi đàm phán với Qatar Airways.
Lỗi tại các ngôi sao
Nguyên nhân sâu xa khiến Barcelona chạy đôn chạy đáo trong suốt thời gian qua, và buộc lòng phải ngồi lại với đối tác đến từ vùng Vịnh là do quĩ lương của bộ ba MSN là quá lớn, trong khi đội bóng cũng cần gia hạn hợp đồng với những cái tên quan trọng khác như Busquets, Iniesta hay Ivan Rakitic.
Vì vậy, ngay sau khi kí hợp đồng ngắn hạn với Qatar Airways, đội bóng xứ Catalunya phải tính đến các phương án kinh doanh khác, nhằm thu về một khoản tiền lớn để trả lương cho các ngôi sao. “Chúng tôi đang tính toán đến việc thu hơn 200 triệu euro từ việc bán tên sân vận động, nhưng rất có thể đội bóng sẽ thu được đến hơn 300 triệu euro từ ý tưởng này”, ông Arroyo nhấn mạnh đến khả năng “bán mình” của Barcelona cách đây không lâu.
Nhà vô địch La Liga đã tự đặt mình vào thế khó trong việc thương thuyết các hợp đồng tài trợ, từ sự chủ quan về vị thế và những thành công về thương hiệu họ đã xây dựng, cho đến việc đàm phán trực tiếp với các đối tác. Với Nike, nhà tài trợ thân thiết, họ cũng chỉ kéo dài thêm được 6 tháng từ bản hợp đồng cũ, nghĩa là Barcelona hoàn toàn bị động với việc tìm kiếm tiền bạc cho mùa bóng này.
Trước đó, truyền thông xứ Catalunya đã tung tin rằng, công ty Rakuten từ Nhật Bản, và cả Amazon cũng rất nóng lòng được thay thế Qatar Airways, nhưng rốt cục, tất cả đều không xảy ra. Và Barcelona sẽ lại phải chạy đua với thời gian để tìm một đối tác hoàn hảo hơn trước khi mùa bóng 2016-2017 kết thúc.
35 Bản hợp đồng có thời hạn một mùa bóng với Qatar Airways giúp Barcelona có thêm được 35 triệu euro tiền tài trợ cho mùa giải mới. 55 Hợp đồng tài trợ áo đấu của Man United với Chevrolet trị giá 55 triệu euro/mùa. 65 65 triệu euro là số tiền mà đội bóng xứ Catalunya hi vọng sẽ kiếm được từ các nhà tài trợ trong suốt thời gian qua. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa
Tags