(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Triệu chứng và biến chứng bệnh
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh xảy ra quang năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận hơn 53 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 26 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.
Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi chiếm tới 99,5%, trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo chiếm 79% và dưới 1 tuổi chiếm 17%.
Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, trẻ tập trung vào năm học mới, điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Chưa thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam
Đây là thông tin được các chuyên gia y tế đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh Đông Xuân do Bộ Y tế tổ chức chiều 9/10. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vào thời điểm hiện tại, có 3 dịch bệnh người dân cần lưu ý, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết Dengue. Về bệnh tay chân miệng, các chuyên gia nhận định, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, từ đầu năm đến ngày 9/10/2018, cả nước ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 29.300 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. “So với cùng kỳ năm 2017, số mắc tay chân miệng cả nước giảm 18,9%; số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Số ca mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%; miền Bắc chiếm 10,6%; miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm 99,5%, trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo và dưới 1 tuổi”, ông Tấn cho biết.
Về dịch bệnh sởi, theo Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố; đã có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Ông Đặng Quang Tấn cho biết thêm: “Trong số này, trường hợp đã được tiêm chủng chỉ chiếm 13,6%, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng, chiếm 44,5% và không rõ tiền sử tiêm chủng, chiếm 41,9%”.
Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số ca mắc cả nước giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mùa dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay xuất hiện cả 4 týp vi rút lưu hành là D1, D2, D3 và D4.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc có phải dịch bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian gần đây là do có sự biến chủng về gien của vi rút gây bệnh? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, qua theo dõi dịch tễ, ở nước ta, trước năm 2010, chủng gen phổ biến gây bệnh tay chân miệng là C5, sau đó dịch chuyển sang C4, khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch nhiều với chủng C4 nên đã gây bùng phát đợt dịch năm 2011 sau đó thay thế bằng chủng gen B5. Đến năm 2018 lại gia tăng gen C4. Qua đánh giá chứng minh về mặt khoa học, về đặc tính từ C sang B cho thấy những vụ dịch có gen C4 thì tỉ lệ biến chứng cao hơn, số mắc cao hơn.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, thực tế hiện nay cho thấy hiện công tác giám sát của ngành y tế rất tốt. Điển hình như ở phía Nam, trong số 18.000 ca mắc tay chân miệng chỉ có 6.000 ca nhập viện. Dù các ca tay chân miệng nặng trong tháng 9/2018 có cao hơn nhưng qua giám sát thấy tỉ lệ tử vong từ ca nặng so với năm 2011-2013 thấp hơn, ở mức 2,5 trong khi năm 2011 là 9,4, chứng tỏ công tác điều trị rất tốt.
Làm rõ thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu thông tin: Các tuýp vi rút gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là EV71. EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi mắc tay chân miệng. Tuy vậy, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, ngành Y tế đã tăng cường giám sát chủ động tại cộng đồng, cửa khẩu qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn nâng cấp phòng xét nghiệm; thường xuyên cập nhật, ban hành các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng cho rằng dịch bệnh tay chân miệng không có nguy cơ bùng phát như năm 2011-2012 nhưng phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, bởi nếu lơ là thì dịch bệnh nào cũng bùng phát.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019. Dự kiến sẽ tiêm cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
Tại buổi gặp mặt báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: Để phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả, khi trẻ mắc bệnh hãy cho trẻ nghỉ ở nhà để chăm sóc trẻ và tránh lây nhiễm cho cộng đồng; vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và đưa trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó cần lưu ý cho trẻ uống nước nhiều, việc hạ nhiệt khi trẻ bị sốt rất quan trọng.
Riêng đối với trẻ ngoài cộng đồng, cần cho trẻ rửa tay với xà phòng dưới vòi nước vì bệnh tay chân miệng có đường lây là miệng, hậu môn. Với người lớn chăm sóc trẻ, để phòng lây lan bệnh cũng cần rửa tay với xà phòng dưới vòi nước trước khi chăm sóc trẻ.
P.V
Tags