Nguyễn Thùy Linh, ngôi sao sáng giá nhất của cầu lông Việt Nam không còn đơn độc trong các cuộc thi đấu và đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ để chinh phục Olympic.
Sự hỗ trợ tối đa
8 năm trước, hình ảnh Nguyễn Tiến Minh - Vũ Thị Trang phải làm HLV cho nhau tại Olympic Rio 2016 từng khiến người hâm mộ Việt Nam dậy sóng. Đó đã luôn là thực trạng chung của các VĐV đỉnh cao ở môn cầu lông khi không có đủ kinh phí để đưa cả VĐV lẫn HLV liên tiếp tham dự các giải đấu quốc tế.
Tiến Minh không phải là người duy nhất trải qua điều đó. Nguyễn Thùy Linh, tay vợt số một Việt Nam lúc này, cũng đã trải nghiệm cảm giác ấy suốt vài năm qua. Lãnh đạo ngành thể thao từng nhiều lần giải thích, Thùy Linh phải lựa chọn có HLV đi kèm nhưng dự ít giải hơn và không có HLV, bù lại được thi đấu nhiều.
Ngành thể thao nói chung và bộ môn cầu lông nói riêng cũng đã dồn nhiều nguồn lực, đầu tư mạnh tay cho Linh được tham dự các sự kiện. Chỉ tính từ đầu năm, Thùy Linh đã dự hơn 10 giải cả ở châu Á lẫn châu Âu, trong đó có những sự kiện tại các quốc gia đắt đỏ như Pháp (nước chủ nhà Olympic), Đức, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.
Đặc biệt, kể từ tháng 3 vừa qua, cô đã không còn cô đơn trên hành trình ấy. Sự xuất hiện của chuyên gia Hariawan Hong (Indonesia) trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước Olympic đã giúp đỡ Linh rất nhiều. Ông Hong cũng góp mặt trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic với tư cách chuyên gia ngoại. Cộng thêm HLV Chu Việt Bắc, Thùy Linh đã không còn đơn độc.
Cùng sự hậu thuẫn từ các CĐV trên khán đài Nhà thi đấu La Chapelle, tất cả chắc chắn là nguồn cổ động lớn cho Thùy Linh giành thắng lợi áp đảo trước tay vợt hạng 81 thế giới Tiffany Ho ở trận ra quân Olympic vừa qua.
Tại bảng K của Thùy Linh, Tiffany Ho là tay vợt bị đánh giá thấp nhất. Trước đó, đối thủ hạng 11 thế giới Beiwen Zhang cũng thắng Ho 2-0. Cuộc đối đầu giữa Linh và Beiwen Zhang vào đầu giờ chiều nay sẽ quyết định ai giành được tấm vé đi tiếp.
Niềm tin chiến thắng
Khác biệt về chuẩn bị là không nhiều khi cả Linh và Zhang đều thắng dễ trận đầu. Zhang đánh sau nhưng cũng được nghỉ tới 2 ngày. Lợi thế thể lực hơi nghiêng về Thùy Linh (27 tuổi) bởi Zhang (34 tuổi) hiện đã có những dấu hiệu xuống sức.
Dù xếp hạng thế giới cao hơn, Zhang là người thua khi đôi bên gặp nhau ở giải Phần Lan mở rộng hồi tháng 10 năm ngoái. Ở trận đấu đó, Thùy Linh thua 17-21 ở set đầu nhưng vẫn thắng ngược 21-12, 24-22. Trong cả 3 ván, Thùy Linh đều là người chiếm thế chủ động. Đặc biệt, cô thắng đậm tay vợt người Mỹ ở ván hai nhờ ưu thế thể lực. Đó là cơ sở để người hâm mộ tin vào một chiến thắng nữa cho tay vợt nữa số một Việt Nam.
Nếu thắng Zhang, Thùy Linh sẽ làm nên lịch sử cho cầu lông Việt Nam. Trước Linh, Nguyễn Tiến Minh từng 4 lần dự Olympic nhưng đều không vào được vòng trong. Cả ở Thế vận hội 2012 mà Tiến Minh được xếp hạt giống, anh cũng dừng bước sớm. Dấu ấn lớn nhất của Minh là tại Rio 2016, nơi anh có hai chiến thắng và đứng nhì trong một bảng đấu mà huyền thoại Lin Dan hiện diện.
Với Thùy Linh, đây là kỳ Olympic thứ hai của cô. Trước đó ở Nhật Bản, Linh cũng gây được ấn tượng với hai chiến thắng, chỉ thua hạt giống số hai Tai Tzu-ying tại trận quyết định. Tai Tzu-ying sau đó cũng là chủ nhân tấm HCB nội dung đơn nữ.
Chia sẻ sau trận thắng mở màn, Thùy Linh nói: "Đối thủ mạnh, xếp vị trí thứ 11 thế giới, hơn tôi đến trên 10 bậc. Điều đó cũng đủ cho thấy trận này sẽ rất căng. Tôi từng thắng tay vợt Mỹ gốc Trung Quốc này ở giải Canada Open năm 2023 nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, vì bây giờ cô ấy hay hơn nhiều".
Đối đầu Zhang cũng là một thách thức thú vị với Thùy Linh vì giống Linh, Zhang cũng là tay vợt chuyên đi du đấu một mình. VĐV gốc Hoa này từng chia sẻ với SCMP hồi năm 2019: "Tôi không thể trả tiền cho một HLV riêng sẽ theo mình ở mọi giải đấu".
Lê Đức Phát đối diện thử thách lớn nhất ở vòng bảng
Sau trận đấu quyết định của Thùy Linh, đến lượt Lê Đức Phát chinh phục thử thách lớn nhất và cuối cùng ở vòng đấu bảng. Đối thủ của Đức Phát là Prannoy, tay vợt Ấn Độ hiện đang xếp hạng 13 thế giới và là ứng viên sáng giá cho tấm vé đi tiếp duy nhất ở bảng K. Trước đó, Prannoy đã vượt qua Fabian Roth (Đức) với các tỷ số 21-18, 21-12 ở trận ra quân.
Đức Phát chưa từng đối đầu với Prannoy nhưng sự chênh lệch về thứ hạng cá nhân thế giới (Đức Phát xếp hạng 70) đủ báo hiệu muôn vàn khó khăn mà tay vợt Việt Nam cần vượt qua. Việc giành vé chính thức tới Paris đã ghi nhận nỗ lực vươn lên của Đức Phát nhưng tất cả đều chờ đợi bất ngờ lớn tiếp theo từ tay vợt khoác áo lính.
Tags