(Thethaovanhoa.vn) - Quý Sửu đã liên hệ với Thanh Hoá, Duy Khanh vượt sông Tiền để tìm cơ hội tại Cần Thơ, Phước Thạnh, Văn Ngân, Được Em, Minh Hưng, Minh Lợi, Châu Phong Hoà… cũng chạy đôn chạy đáo tìm bến đỗ mới. Đồng Tháp Mười được ví như chim vỡ tổ sau phương án giải quyết tương lai Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp được UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra (hôm 31/10 vừa qua), đồng nghĩa với việc “kết liễu” số phận của đội 1 Đồng Tháp sau mấy mươi năm tồn tại.
Đấy là các trường hợp đã hết hợp đồng sau khi mùa giải 2014 kết thúc. Vậy còn tương lai của hơn nửa đội hình TĐCS.Đồng Tháp, trong đó có cả các tuyển thủ QG, còn vướng bận hợp đồng thì sao?!
Lại nhớ “Mùa gác chéo”
Cũng tựa như hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long), Đồng Tháp (hay Đồng Tháp Mười) thường xuyên phải gánh chịu những khắc nghiệt của thiên nhiên trong mùa nước nổi. Những năm nước lụt khủng khiếp, sinh hoạt của con người hết sức khó khăn, trong đó, chuyện chôn cất người chết là một vấn đề thương tâm cho người sống của Đồng Tháp Mười xưa nay. Nước trắng đồng và thật sự là “không có đất mà chôn” theo đúng với nghĩa đen và bóng của cụm từ này.
Truyện ngắn “Mùa gác chéo” của Tùng Thiện (được chính đạo diễn này chuyển thể thành phim tài liệu sau đó – PV) khắc hoạ được chi tiết rất đắt về vấn đề trên. Nếu làm một phép liên tưởng đến đời sống bóng đá Đồng Tháp trong cơn bĩ cực này, có lẽ nó cũng không khác mấy.
Cầu thủ thuộc biên chế đội 1, tức là phần lớn đều đã qua giai đoạn đào tạo trẻ và không còn tuổi để chơi cho tuyến trẻ (ngay cả U21 Đồng Tháp), biết đi đâu về đâu, khi mái nhà của họ (Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp) đã mất?!
“Chúng tôi đã rất buồn, rất đau, khi đội bóng mấy chục năm tuổi đời bị xoá sổ. Song, đã là những người đàn ông trưởng thành, là trụ cột gia đình, bạn phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Tôi cho rằng, lãnh đạo Công ty và lãnh đạo đội bóng phải chia sẻ, thậm chí là giúp đỡ, tạo cơ hội cho VĐV, cầu thủ và cả BHL tìm bến đỗ mới”, một ý kiến cho biết.
Vô phúc đáo tụng đình
Ở phần đầu bài viết, chúng tôi đã đề cập đến các trường hợp còn vướng hợp đồng với Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp, mà cụ thể là những Bửu Ngọc, Thanh Hiền (đương kim tuyển thủ QG), cựu trung vệ U23 QG Dương Thanh Hào và hàng loạt cầu thủ trẻ khác. Những nỗ lực liên hệ với lãnh đạo đội bóng (từ phía gia đình và cầu thủ) đã gần như thất bại sau một vài buổi tiếp xúc qua loa và không có văn bản ghi lại. Và hôm thứ Ba vừa rồi, Bửu Ngọc và Thanh Hào đã có động thái đầu tiên.
Thông qua tư vấn pháp lý của luật sư và đại diện của mình, cả Bửu Ngọc và Thanh Hào đã gửi thông báo đến Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp, về nguyện vọng xin được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (cụ thể là từ ngày 7/11/2014), nhưng cho đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được phúc đáp. Như đã thông tin, toàn bộ cầu thủ đội 1 TĐCS.Đồng Tháp đã không nhận được lương từ 4 tháng nay và sau khi Công ty mẹ quản lý đội bóng gần như bị giải thể, họ có đầy đủ lý do chính đáng để ra đi.
Theo Khoản 2, Điều 3 (chấm dứt hợp đồng) của hợp đồng lao động mà Giám đốc Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp là ông Lê Ngọc Chức ký với Trần Bửu Ngọc (thời hạn từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/12/2015, không phí ký hợp đồng, chỉ nhận mức lương 18 triệu đồng/tháng) về việc chấm dứt hợp đồng vì lý do bất khả kháng, lý do chính đáng có ghi rõ: “Trong những tình huống bất khả kháng hoặc lý do chính đáng, cả 2 bên đều có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước ngày hết hạn mà không phải bồi thường…”.
Cũng tại Khoản 3, Điều 3, cầu thủ - người lao động khi có nguyện vọng đơn phương chấm dứt hợp đồng được áp dụng theo Điều 37, Bộ Luật Lao động. Theo đó, cầu thủ chỉ cần báo trước CLB 30 ngày và bồi thường 06 tháng lương…
Ở đẳng cấp tuyển thủ QG, những Bửu Ngọc, Thanh Hào hay Thanh Hiền, không khó để tìm bến đỗ mới, song vấn đề là họ phải giải quyết dứt điểm những ràng buộc với đội bóng cũ trước khi quá muộn, bởi VPF đã quy định rõ thời hạn đăng ký cầu thủ của CLB cho mùa giải 2015.
Chẳng có mâu thuẫn nào không thể giải quyết bằng đối thoại, song dường như người trong cuộc (ở đây là lãnh đạo đội bóng TĐCS.Đồng Tháp) chưa sẵn sàng cho điều đó, và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì không loại trừ khả năng 2 bên sẽ phải dùng tới luật lệ để nói chuyện với nhau, mà như người xưa vẫn nói: “Vô phúc đáo tụng đình”.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags