(Thethaovanhoa.vn) - Sau cú đúp trước Myanmar (4-0) là hai bàn thắng vào lưới Philippines (2-1). Không chỉ giúp Thái Lan sớm giành vé vào bán kết, Teerasil Dangda còn đi vào lịch sử AFF Cup với tư cách chân sút vĩ đại nhất.
Sân Kallang Roar là nơi đã diễn ra khoảnh khắc lịch sử ấy khi Dangda xâm nhập vòng cấm địa nhanh như chớp và dứt điểm một chạm mạnh mẽ sau đường chuyền của Theerathon Bunmatham ở phút 26. Và để tô điểm cho kỷ lục của mình, tiền đạo 33 tuổi này hoàn tất cú đúp bằng sự lạnh lùng trên chấm 11m ở phút 77.
Suýt nữa không được dự AFF Cup 2021
Trước khi dự AFF Cup 2021, lần gần nhất Teerasil Dangda khoác áo đội tuyển Thái Lan là trận hòa 0-0 với Việt Nam ở Mỹ Đình cách đây hơn hai năm (19/11/2019). Dưới triều đại Akira Nishino, Dangda không được trọng dụng cho lắm. Anh chỉ đá 3/8 trận ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, và ghi được 1 bàn (vào lưới UAE).
Năm ngoái, khi AFF Cup dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) không mấy coi trọng giải đấu này. Họ dự tính sẽ cử đội trẻ tham dự sân chơi khu vực, còn đội một thì sẽ tập trung cho vòng loại World Cup 2022. Điều đó đồng nghĩa với việc Dangda – khi đó có 15 bàn tại AFF Cup, ngang với Công Vinh, và còn kém kỷ lục 17 bàn của Noh Alam Sha – sẽ không có cơ hội nâng cao thành tích của mình.
Nhưng sau đó, dịch Covid-19 đã khiến AFF Cup bị lui lại một năm, đội tuyển Thái Lan thì thi đấu bết bát ở vòng loại World Cup 2022 khi không thể lọt vào vòng loại thứ ba, và HLV Akira Nishino đã bị sa thải. FAT đặt mục tiêu rất cao ở AFF Cup vì coi đây là điểm tựa hồi sinh. Trưởng đoàn Nualphan Lamsam và tân HLV trưởng Alexander Polking hiểu rằng họ cần những cựu binh như Dangda, Chanathip, và Theerathon để làm chỗ dựa, bởi thực tế các đối thủ cạnh tranh như Malaysia và Việt Nam đã lớn mạnh lên rất nhiều.
Đó là sự tin tưởng xác đáng. Khác với trận ra quân, đội tuyển Thái Lan ở hai trận qua là phiên bản mạnh nhất. Khi Theerathon và Chanathip trở lại, Dangda không còn đơn độc nữa, và phát huy được tối đa phẩm chất của mình. Bốn bàn thắng vào lưới Myanmar và Phillippines, những đối thủ mạnh hơn hẳn Timor Leste là minh chứng.
Giá trị của cựu binh
Kể từ sau thất bại ở King’s Cup 2019, khi xếp thứ 4/4 đội, dưới Curacao, Việt Nam và Ấn Độ, người Thái đã tính đến một cuộc cách mạng trên hàng công. Khi tài năng trẻ sinh năm 2002 Suphanat Mueanta – em trai tuyển thủ Supachok Sarachat – thăng tiến mạnh mẽ, ghi tới 5 bàn ở SEA Games 2019, ý đồ ấy càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, Suphanat đã dính chấn thương khá nặng và phải nghỉ dài ngày, còn Supachai Jaided thì có dấu hiệu chững lại.
Cơ hội đã đến với Teerasil Dangda, và anh đã ngay lập tức chứng tỏ đẳng cấp thượng hạng của mình khi vươn lên dẫn đầu danh sách làm bàn với 4 pha lập công, ngang Safawi Rasid, và đứng trước cơ hội lần thứ 4 giành danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup (trước đó là các năm 2008, 2012, 2016). Và bây giờ, khi Thái Lan đã giành quyền vào bán kết, “số 10” sẽ còn có thể đá ít nhất 5 trận nữa để tiếp tục gia tăng thành tích ghi bàn của mình. Kỷ lục ấy chắc chắn sẽ đứng vững rất lâu bởi trong Top 10 cầu thủ ghi bàn vĩ đại nhất trong lịch sử AFF Cup, chỉ có Khairul Amri và Adisak Kraisorn (cùng 10 bàn) là còn thi đấu. Mà Khairul thì đã từ giã ĐTQG gần 3 năm nay, trong khi Adisak (30 tuổi) chính là dự bị cho Teerasil ở đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2021.
Tại giải đấu năm nay, Thái Lan chỉ triệu tập 4 cầu thủ U23 là Kritsada Kaman (sinh năm 1999), Supachok Sarachat (1998), Thanawat Suengthitthawon (2000), và Supachai Jaided, nhưng trong số này chỉ Supachok là có tên ở đội hình chính thức. Cả ba thủ môn của họ đều ngoài 30 tuổi, và qua ba trận vừa qua, có thể thấy vai trò của những cựu binh như Theerathon (1990), Manuel Bihr (1993), Sarach Yooyen (1992), Chanathip (1993), và Dangda (1988) vẫn là rất quan trọng.
Bây giờ chưa phải lúc chuyển giao lực lượng. Để trở lại là quyền lực hàng đầu khu vực, người Thái vẫn rất cần kinh nghiệm của những cựu binh như Dangda.
Tuấn Cương
Tags