MU đã gây bất ngờ cho tất cả khi đánh bại Man City trong trận chung kết Cúp FA dù bị đánh giá thấp hơn rất nhiều trước trận đấu.
Đáng chú ý, MU đã vượt qua Man City không phải do sự xuất sắc của các cá nhân, mà nhờ vào các điều chỉnh chiến thuật cực kỳ chính xác và thông minh từ Erik ten Hag.
Sử dụng "số 9 ảo"
Trong 2 trận đấu cuối cùng ở Premier League mùa này mà MU đều giành chiến thắng, Ten Hag đã không sử dụng một trung phong thực thụ nào khi Rasmus Hojlund phải bắt đầu các trận đấu từ băng ghế dự bị. Thay vào đó, đội trưởng Bruno Fernandes được xếp đá cao nhất trên hàng công trong vai trò của một "số 9 ảo".
Trước Man City, Ten Hag đã lặp lại chiến thuật này và có kết quả mỹ mãn. Với Fernandes đá "số 9 ảo", MU như có thêm người ở tuyến giữa trong khi ngôi sao người Bồ Đào Nha có đủ sự thông minh để dâng cao và tham gia tấn công. Rất đáng tiếc cho Hojlund khi tiền đạo người Đan Mạch đã ghi bàn trong cả 2 trận gần nhất khi vào sân từ ghế dự bị, nhưng khả năng chuyền bóng và sự thông minh về chiến thuật của Fernandes chính là chìa khóa giúp MU đánh bại Man City.
Sử dụng Fernandes làm "số 9 ảo" có nghĩa là đội trưởng của MU có thể lùi xuống hàng tiền vệ và ngăn Rodri điều khiển trận đấu. Sự khao khát và khả năng hoạt động không biết mệt mỏi đã giúp anh thành công trong vai trò đòi hỏi vô cùng khắt khe này. Chính Fernandes đã giúp MU nâng tỷ số 2-0 bằng pha kiến tạo không cần nhìn đỉnh cao cho Kobbie Mainoo.
Vai trò của Lisandro Martinez
Chìa khóa trong cách tiếp cận của MU trước Man City là Lisandro Martinez. Nếu không có cầu thủ người Argentina ở trung tâm hàng phòng ngự, họ sẽ không thể chịu nổi áp lực từ Man City, dù MU phải chấp nhận rằng đối thủ sẽ chiếm ưu thế về kiểm soát bóng.
Chính Martinez đã tạo ra sự khác biệt và mang lại sự an toàn hơn nhiều ở hàng phòng ngự, đồng thời giúp Raphael Varane không phải tham gia vào các pha đua tốc độ, vốn không phải điểm mạnh của trung vệ người Pháp. Việc Martinez tích cực tham gia tranh chấp để Varane yên tâm ở lại bảo vệ khoảng trống trước khung thành của Andre Onana giúp MU có thể phòng thủ ở tầm thấp và hạn chế khoảng trống mà Man City có thể khai thác ở phía sau. Điều đó cũng có nghĩa là Man City thường phải triển khai bóng phía trước hàng thủ được giăng ra rất khoa học và kỷ luật của MU.
Tốc độ của các tiền vệ cánh
Không có gì đem lại sự đe dọa như tốc độ và Man City đã thấm thía điều này hơn ai hết trong trận chung kết ở Wembley. Trong khi đó, MU có thừa tốc độ với Marcus Rashford và đặc biệt là Alejandro Garnacho ở hai biên, và đó là vũ khí lớn nhất của họ tại Wembley.
Nếu như Kyle Walker vẫn tỏ ra vượt trội về tốc độ bên cánh phải thì Man City lại dễ bị tổn thương hơn nhiều bên cánh đối diện. Josko Gvardiol đã thể hiện tốt bản thân trong mùa giải đầu tiên ở Man City, nhưng về cơ bản, anh là một trung vệ chơi không đúng vị trí khi phải đá hậu vệ trái.
Sự chậm chạp của hậu vệ người Croatia đã bị Garnacho khai thác nhiều lần khi mà tiền vệ cánh của MU thường di chuyển rộng và tìm cách chạy phía sau đối thủ. Bản năng của Gvardiol là lùi sâu và khi Man City dâng khối đội hình lên cao, đội quân của Pep Guardiola đã để lại khoảng trống mênh mông để MU khai thác bằng những đường bóng dài.
Những hậu vệ cánh cần cù
Cả Diogo Dalot và Aaron Wan-Bissaka đều được yêu cầu phải hoạt động hết công suất để hạn chế tối đa khả năng tấn công của Man City. Tất nhiên, vai trò chính của họ là phòng ngự, nhưng khi cần, cả hai cũng lần lượt bó vào trong để đá tiền vệ và giúp tuyến giữa MU có thêm người khi Man City bắt đầu trận đấu với sơ đồ 4-1-4-1.
Và họ đã hoàn thành vai trò một cách xuất sắc. Cả Dalot và Wan-Bissaka đều không chỉ phòng ngự ấn tượng mà còn đóng góp vào 2 bàn thắng của MU. Ở bàn mở tỷ số, chính Dalot là người có đường chuyền dài từ phần sân nhà, buộc hàng thủ Man City mắc sai lầm, tạo điều kiện cho Garnacho dễ dàng ghi bàn.
Còn trong bàn thứ 2 của MU, Wan-Bissaka đã có pha chạy chỗ thông minh để đánh lừa hàng thủ Man City, giúp Fernandes có thừa thời gian và khoảng trống để kiến tạo một chạm cho Mainoo ghi bàn.
Vũ Mạnh
Tags