(Thethaovanhoa.vn) - Những cáo buộc mới nhất cho rằng tình trạng dàn xếp trận đấu đã diễn ra ở những giải đỉnh cao nhất và cho thấy các cơ quan điều hành quần vợt đã ứng phó chậm chạp ra sao.
- Nhà vô địch Grand Slam cũng bán độ?
- Djokovic tiết lộ bị gạ bán độ với giá 200.000 USD
- Nhà vô địch Grand Slam bán độ là ai?
- TIẾT LỘ chấn động về dàn xếp tỷ số ở các giải Grand Slam
Sự bất thường này là một cuộc hợp tác để ứng phó với những cáo buộc chấn động rằng các tay vợt thường xuyên báo động về việc được mời chào dàn xếp trận đấu, nhưng cơ quan điều hành lại hầu như không có hành động gì.
Thật trớ trêu, cuộc họp báo bị cắt ngang chỉ sau không đầy 10 phút bởi các quan chức tổ chức giải Australian Open, những người khăng khăng rằng căn phòng cần được trưng dụng để tiến hành các cuộc phỏng vấn tiêu chuẩn với những tay vợt, nhưng hành vi che đậy đó chỉ lại là một ví dụ nữa về việc cố tình cho chìm xuồng và để mọi việc diễn ra như thường bất chấp những dấu hiệu đáng lo ngại rõ ràng.
Nole tiết lộ anh đã được đề nghị bán độ với giá 200.000 USD
Trong phóng sự điều tra chung của BBC và BuzzFeed gây chấn động vừa phát mới đây, truyền thông không cáo buộc cơ quan điều hành, Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (ATP), cũng như những nhà chức trách khác, đã làm gì sai, nhưng rất nhiều chi tiết được tiết lộ trong phóng sự điều tra sẽ đòi hỏi sự làm việc cật lực của Ủy ban minh bạch quần vợt (ITU).
Một ví dụ là các cáo buộc bao gồm việc “một tay vợt trong tốp 50 thi đấu ở Australian Open bị tình nghi đã liên tục dàn xếp tỉ số set đầu của anh ta”. Bất cứ ai ngồi đủ lâu trên các trang đánh cược tennis trên mạng hẳn sẽ có thể xác định kẻ bị nghi ngờ là ai. Nhưng ITU có điều tra người này không? Chúng ta không biết, vì chính sách của họ là không bao giờ đưa ra bình luận trong các vụ việc riêng lẻ.
ATP đã bỏ qua một cơ hội lớn để cải tổ ITU vào năm 2008, khi họ bổ nhiệm một dàn lãnh đạo mới cho cơ quan này, vốn gồm toàn các cựu thanh tra cảnh sát, nhưng không ai trong số đó là người có xuất thân từ ngành đánh bạc trên internet hay công nghệ thông tin hiện đại.
Kể từ khi thành lập năm 2007, ITU đã chi 14 triệu USD và đưa ra 18 luận tội dẫn tới 6 lệnh cấm thi đấu cả đời, nhưng hầu hết là với những tay vợt vô danh. Tay vợt người Áo Daniel Kollerer, xếp hạng 385 thế giới vào lúc bị luận tội, nhưng từng có lúc xếp hạng 55, cho tới giờ vẫn là cái tên đáng kể nhất.
Quần vợt đang bị phủ bóng đen bởi nạn dàn xếp tỷ số
Một sự can thiệp mạnh tay hơn tới từ cảnh sát Italy năm ngoái, khi họ cáo buộc 2 cựu tốp 50 thế giới Potito Starace và Daniele Bracciali dàn xếp tỉ số dựa trên các cuộc hội thoại của họ bị chặn qua điện thoại và trên mạng.
Cơ quan điều hành vẫn cho rằng việc tay vợt xếp thứ mấy là không quan trọng, mà quan trọng là có bằng chứng để kết tội hay không. Họ cũng muốn tin rằng hầu hết những vụ dàn xếp diễn ra ở các giải cấp thấp như Challenger và Future, cũng là những nơi các tay vợt cần tiền nhất.
Nhưng các điều tra mới cho thấy vấn đề có thể nằm ngay ở đỉnh cao, thậm chí là đỉnh cao nhất, những Grand Slam. Chứng cứ cũng không nhất thiết phải là việc bắt tận tay, day tận mặt. Mới đây, nhà chức trách bi-a đã cấm thi đấu với Stephen Lee chỉ dựa trên dữ liệu đánh cược bất thường ở các trang mạng, thay vì hỏi cung, hồ sơ nghe lén điện thoại hay tài khoản ngân hàng.
Một cách khác để chống lại nạn dàn xếp tỉ số là tăng giải thưởng cho những giải đấu hạng thấp ở mức cơ sở. Giải Rio Challenger có tiền thưởng cho người vô địch chỉ là 7.200 USD, trong khi khoản tiền hàng trăm nghìn USD được bỏ vào những trang cá cược giải này trên mạng. Động cơ của các tay vợt, vì thế, là quá rõ ràng: họ có thể nhận được gấp 5 lần tiền thưởng vô địch bằng cách buông một trận đấu.
Trong một cuộc phỏng vấn đáng chú ý hôm thứ Hai, Roger Federer đã kêu gọi nhà chức trách quần vợt phải đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ tính minh bạch của trò chơi cũng như giáo dục các tay vợt trẻ nhiều hơn về tương lai dài hạn. Để làm được điều đó, cần phải đưa được những kẻ đã nhúng chàm ra ánh sáng, để trừng phạt và răn đe.
Diễn biến vụ việc Phóng sự của BBC và BuzzFeed cáo buộc những gì? Có bằng chứng cho thấy có tình trạng dàn xếp tỉ số lan tràn trong quần vợt, bao gồm ở Wimbledon, với những người bị cáo buộc bao gồm những nhà vô địch Grand Slam và 8 tay vợt sắp tham dự Australian Open. Bằng chứng là gì? Dữ liệu rò rỉ ra ngoài từ một báo cáo của các điều tra viên được chỉ định theo dõi một trận đấu giữa Nikolay Davydenko và Martin Vassallo Arguello. Cả hai tay vợt đều được xác nhận không làm gì sai, nhưng tài liệu nói 28 tay vợt khác đã chơi một cách đáng ngờ và cần phải bị điều tra thêm. Những trận đấu bị dàn xếp diễn ra khi nào? Báo cáo không nói rõ. Danh sách 28 tay vợt có thể bị điều tra là từ năm 2008, nhưng tất cả 70 tay vợt đã được nêu tên trong tài liệu. Tại sao giờ mới được đưa ra ánh sáng? BBC và BuzzFeed nói giờ họ mới có được tài liệu từ những “hiệp sĩ” lo lắng về tình trạng dàn xếp tỉ số trong quần vợt. |
Trần Trọng
Tags