Novak Djokovic: Khi thép ngày càng cứng

Thứ Ba, 22/12/2015 06:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tay vợt người Serbia đã giành được tới 3 trong tổng số 4 danh hiệu Grand Slam năm nay và giữ vững ngôi vị số 1 thế giới dù rằng anh không thực sự nhận được sự ưu ái của khán giả quần vợt như những gì đã diễn ra trong trận chung kết US Open với Roger Federer.

Không thể tuyệt vời hơn

Vài ngày trước, Federer đã được hỏi về cảm xúc của anh khi trong suốt quãng thời gian từ năm 2004 đến 2007, anh là “độc cô cầu bại”. “Thực ra thì nó khá hài hước. Như là đang ngồi trên một cái tàu cao tốc vậy. Tôi đã thắng quá nhiều và cứ thế tiếp tục thi đấu triền miên. Tôi thậm chí còn chẳng có đủ thời gian để mà thực sự ăn mừng những chiến thắng ấy”, Federer chia sẻ.

Và Djokovic dường như cũng đang ở trạng thái tương tự. Trong năm 2011, khi anh giành 3 chức vô địch Grand Slam và kết thúc mùa giải với 70 chiến thắng và chỉ 6 trận thua cùng 10 lần đánh bại Rafael Nadal và Federer trong 11 cuộc đối đầu, huyền thoại John McEnroe khi đó nhận định Nole đang có một mùa giải tuyệt vời nhất trong lịch sử quần vợt.

Nhưng theo các con số thống kê thì năm 2015 của tay vợt người Serbia thậm chí còn “khủng” hơn. Anh không chỉ thắng đến 82 trận trong tổng số 88 trận thi đấu (tỷ lệ chiến thắng 93% - cao thứ 6 thế giới kể từ kỷ nguyên mở rộng, sau McEnroe năm 1984, Jimmy Connors năm 1974, Federer năm 2005 và 2006, Bjorn Borg năm 1979) mà anh còn trở thành tay vợt nam thứ 3 trong lịch sử chỉ sau 2 huyền thoại Rod Laver và Federer vào chung kết cả 4 giải Grand Slam trong cùng 1 năm. Ngoài ra, Djokovic còn kết thúc năm 2015 với 6 danh hiệu Masters, một kỷ lục.

10 sự kiện quần vợt nổi bật năm 2015: Djokovic, Serena vô đối, cổ tích Ý ở US Open

10 sự kiện quần vợt nổi bật năm 2015: Djokovic, Serena vô đối, cổ tích Ý ở US Open

Lại một lần nữa, một mùa giải đầy sự kiện lại sắp qua đi. Và cũng đến lúc chúng ta có dịp nhìn lại những điều nổi bật của quần vợt 2015.

Thành công ấy có được không hề dễ dàng. Năm nay, Djokovic đã đánh bại các tay vợt trong Top 10 tổng cộng 31 lần – cũng là một kỷ lục. Thành tích tốt nhất trước đó là 24 lần cũng được thực hiện bởi anh năm 2012, 2013 và Nadal năm 2013. Nếu như những cú thuận tay của Stan Wawrinka không bất ngờ trở nên vô cùng nguy hiểm trong trận chung kết Roland Garros thì có lẽ Djokovic đã có thể trở thành tay vợt thứ 2 kể từ kỷ nguyên mở rộng “ăn” cả Grand Slam. Sau khi Wawrinka thực hiện được tới 60 điểm winner trong trận chung kết đó, anh đã nhận định: “Đó là trận đấu của cuộc đời tôi”.

“Thép đã tôi thế đấy”

Và trong khi Djokovic đang dâng hiến cho quần vợt thế giới một trong những mùa giải hay nhất thì thực tế là tình cảm của khán giả hâm mộ bộ môn thể thao này dành cho anh vẫn là một nỗi nhức nhối. Hầu hết các trận mà Djokovic thi đấu thì đám đông sẽ cổ vũ cho đối thủ của anh. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong trận chung kết US Open với Federer khi mà khán giả thậm chí vỗ tay khi Djokovic giao bóng lỗi. Và tệ hơn, Djokovic còn không được nhận giải thưởng “Nhân vật thể thao nước ngoài của năm” từ BBC mà lại thuộc về cầu thủ môn rugby Dan Carter.

Nhưng bản thân Djokovic thì cho biết việc không phải là một tay vợt được người hâm mộ yêu thích “chỉ càng làm cho sự quyết tâm của tôi trở nên lớn hơn”. Đối với những người không ủng hộ Nole, anh không thực sự xuất sắc như những gì đã làm được 4 năm trước nhưng trên thực tế thì cả thể lực và trí lực của anh bây giờ đều cứng cáp hơn. Vài năm trước, Djokovic từng chia sẻ trên Twitter của mình hình ảnh hồi 4 tuổi đang đứng trước bức tường ở Serbia. Năm nay, Djokovic chính là hiện thân của bức tường ấy. Dù bao nhiêu gạch đá có thể ném vào anh, bức tường sẽ vẫn đứng vững ở đó.

Djokovic dẫn đầu ở 4 loại BXH của ATP: giành nhiều điểm thắng ở cú giao bóng 2 nhất, giành nhiều điểm thắng trả giao bóng nhất, giành nhiều điểm thắng trả giao cú giao bóng 1 và 2 nhất. Và trong 4 hạng mục xếp hạng khác, Djokovic cũng góp mặt ở Top 10.

Tiếp tục giữ vững phong độ thế này, Djokovic sẽ không làm người hâm mộ ngạc nhiên nếu anh giành thêm 4 hay 5 chức vô địch Grand Slam khác để cân bằng với những Pete Sampras hay Rafael Nadal.

33,7% Là tỉ lệ giành break point của Djokovic, cao hơn cả mùa giải đỉnh cao của Federer 2006 và Sampras 1997.

6 Djokovic đã giành 6 danh hiệu Masters 1000 trong mùa giải năm nay, một kỷ lục.

31 Anh cũng đã 31 lần đánh bại các tay vợt top 10 chỉ riêng trong năm nay, một kỷ lục khác.

Toàn diện trên mọi mặt trận

Không giống như những kỳ phùng địch thủ của mình, Djokovic không có điểm yếu nào rõ ràng trên các mặt sân. Anh chơi xuất sắc trên mặt sân cứng, sân cỏ và chơi tốt ở mặt sân đất nện. Và trận thua của Djokovic trước Federer ở vòng bảng ATP World Tour Finals mới là thất bại đầu tiên ở các giải đấu trong nhà kể từ năm 2012. Có nghĩa là trước đó, anh đã bất bại 38 trận ở các giải này.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›