Quần vợt thế giới trước mùa giải 2015: Dưới bóng ma cá độ!

Thứ Bảy, 03/01/2015 15:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mà Novak Djokovic và Serena Williams vẫn cứ là "ông Hoàng, bà Chúa" thì đương nhiên, quần vợt thế giới 2014 chẳng có nhiều vấn đề chuyên môn để tranh cãi. Và có lẽ khi mà khoảng cách giữa các cây vợt ngày càng xa hơn, khiến nạn cá độ, gian lận, sắp đặt kết quả trong quần vợt bùng phát vào năm qua để trở thành bóng ma ám ảnh mùa giải mới.

Không giống như bóng đá, việc cá độ, dàn xếp tỷ số trong quần vợt khó kiểm soát hơn và rất khó phát hiện vì đây là bộ môn thể thao cá nhân, khi các tay vợt tự chịu trách nhiệm về hành trình, lịch làm việc, chi phí cho bản thân mình. Kể từ mùa giải sau, các nhà chức trách sẽ thắt chặt an ninh hơn nữa để đem lại bầu không khí trong sạch cho các sân đấu.

Những hố sâu cần lấp lại

Nhà vô địch Novak Djokovic đã bỏ túi hơn 2 triệu đô tiền thưởng chỉ trong một tuần, bao gồm chiến thắng dễ dàng trong trận chung kết với Roger Federer. Chỉ riêng việc có mặt tại ATP World Tour Finals đã đảm bảo cho cả 8 tay vợt tham gia có được một khoản là 155 ngàn đô la. Tuy nhiên, cùng với việc khoảng cách giữa những vận động viên giàu có và những người còn lại tiếp tục nới rộng, những tay vợt hàng đầu còn đang phải lo ngại về tính nhạy cảm của môn thể thao này khi mà tình hình cá độ, gian lận, sắp đặt kết quả đặc biệt ở các giải đấu không mấy quan trọng. “Tôi nghĩ là bất hợp pháp và làm tổn hại đến danh tiếng của các tay vợt cũng như môn thể thao này. Không ai chấp nhận được điều đó nhưng nó vẫn xảy ra, đó là sự thật”, Djokovic phát biểu trên USA Today Sports hồi tháng trước.

Chính tay vợt người Serbia từng được đề nghị qua một bên trung gian cái giá 100 ngàn đô la để sắp đặt kết quả của một trận đấu anh tham gia vào năm 2006. Tính nghiêm trọng và mức độ phát tán của vấn này này hiện vẫn chưa được làm rõ. Kể từ khi được thành lập hồi tháng 11 năm 2008 với mục đích chống gian lận, đơn vị đặc biệt TIU (Tennis Integrity Unit) đã đưa ra 11 án phạt chính thức, trong đó có 5 án phạt suốt đời đối với một số cá nhân nhúng chàm. Gần đây nhất, hồi tháng trước, người bị phạt là trọng tài 22 tuổi người Pháp Morgan Lamri.

Theo người phát ngôn Mark Harrison, đơn vị bí mật đặt tại London này không hề hé lộ ngân sách hoạt động cũng không đưa ra bình luận nào về kết quả của bất cứ cuộc điều tra nào. Chỉ biết rằng TIU được tài trợ bởi Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF), ATP World Tour, WTA và Grand Slam. Những trường hợp từng bị TIU phạt đều nằm ngoài Top 100. Như là Andrey Kunmantsov, tay vợt 27 tuổi người Nga đã bị cấm thi đấu suốt đời khi dính líu đến cá độ và dàn xếp tỷ số. Thứ hạng cao nhất của Kumantsov là vị trí thứ 261 thế giới năm 2010. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh mới chỉ giành được 103 ngàn 856 đô la tiền thưởng.

Tiêu cực nối tiếp tiêu cực

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, nhiều bằng chứng cho thấy mức độ và số lượng vi phạm vẫn đang lan rộng và chưa thể kiểm soát. Tại giải Australian Open năm ngoái, đã có người bị bắt vì hành vi "courtsiding" - đây là việc ngồi ngay trên sân theo dõi trực tiếp và ngay lập tức truyền kết quả ra ngoài. Trong số này có 2 tay vợt Daniele Bracciali và Potito Starace, đều nằm trong nhóm gồm 5 người Ý dính dáng đến vụ cá độ hồi năm 2007-2008 khi bị điều tra về tội dàn xếp tỷ số bóng đá. Và trong một câu chuyện được công bố hồi tháng trước trên The Guardian tại Anh, một cựu cảnh sát Interpol và giám đốc của Trung tâm an ninh thể thao quốc tế đã chỉ ra rằng quần vợt là bộ môn mà tiêu cực dễ thâm nhập thứ 3 chỉ sau bóng đá và cricket.


Kermode: "Về cơ bản, quần vợt là thành thật".

Giám đốc của ATP Chris Kermode nhận thức được mối nguy hiểm này. Ông từng nói rằng lãnh đạo và các nhà chức trách sẽ thắt chặt những vấn đề nhạy cảm này nhưng vẫn tin rằng tiêu cực chỉ là một phần nhỏ, không phải thứ ‘điển hình’ của quần vợt. “Về cơ bản, các môn thể thao đều thành thật. Quần vợt cũng vậy. Khi sự thật bị lu mờ, đó là lúc chúng ta gặp nhiều rắc rối”, Kermode nhận định.

Sự phát triển của Internet đã giúp cho người xem có thể thỏa thích xem trực tiếp các trận đấu qua máy tính mà chẳng cần mất tiền thuê bao truyền hình. Thêm vào đó, các giải đấu ngày càng mọc lên nhiều, vô hình trung khiến cho quần vợt trở thành “mỏ vàng” để các công ty cá cược cũng như những cá nhân làm “đen” khai thác.

Djokovic từng chia sẻ rằng việc tiếp cận các tay vợt bây giờ cũng rất dễ dàng. Mặc dù ban tổ chức giải đấu đã cố gắng để đảm bảo tính riêng tư cho tay vợt, nhưng vấn đề này vẫn không hề giảm đi. “Không may là những người đó có rất nhiều cơ hội để tiếp cận chúng tôi. Bạn có thể dễ dàng vào được những căn phòng, tòa nhà hay chỉ đơn giản là một cái góc quán nào đó, nơi mà các tay vợt thường phơi bày cuộc sống cá nhân của họ rõ ràng nhất. Họ có thể sẽ nói về những chủ đề nhạy cảm, sâu kín, về các chấn thương và dự định tương lai”, Nole cho biết.

Mike Bryan ước lượng có khoảng 25-30% các tay vợt đã được đám cá độ tiếp cận để dàn xếp tỷ số như mong muốn. Họ thường nhận được những email hoặc điện thoại nặc danh. Tuy nhiên, cá nhân Mike thì chưa bao giờ dính líu đến những phi vụ kiểu này. Anh chưa biết, chưa một lần nào trong đời, dân cá độ tiếp cận anh nhưng tay vợt người Mỹ thì lại biết khá nhiều tay vợt khác có dây dưa. May thay, những tay vợt Top đầu không nằm trong số ấy.


Vấn đề không nằm ở những tay vợt lớn như Serena Williams...

Tiền vẫn là cách giải quyết tốt nhất

“Khi bạn đang phải chơi một giải đấu khiêm tốn và được đề nghị sẽ nhận 50 ngàn đô nếu dàn xếp tỷ số, còn bản thân bạn thì là tay vợt chẳng có triển vọng nào, bạn sẽ làm gì?”, Mike đặt ra thắc mắc. Các giải đấu ATP và WTA đã đặt ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn rồi những nỗ lực giáo dục với chính sách không khoan dung trước tiêu cực, cá độ, tham nhũng. Nhưng có vẻ vẫn chưa đủ. Các cơ quan chức năng thừa nhận rằng họ thiếu nguồn lực cho việc giám sát cả ngàn trận đấu. “Tiền thưởng cho các tay vợt và giải đấu không danh tiếng là nguyên nhân của chuyện này”, Chủ tịch hội đồng các tay vợt ATP Eric Butorac quan ngại.

Thực ra, những người chịu trách nhiệm vẫn có thể giải quyết được những khúc mắc về kinh tế. Trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư, liên đoàn quần vợt thế giới đã đề xuất tăng tiền thưởng của Pro Circuit - giải đấu chuyên nghiệp bậc thấp nhất - từ 10 ngàn đô la lên tới 100 ngàn đô la. Trong nghiên cứu của mình, ITF chỉ ra rằng có 1% số các tay vợt top đầu nhận được số tiền thưởng nhiều hơn 50% tổng tất cả các loại giải thưởng. Năm 2013, con số là 162 triệu đô cho nam và 120 triệu đô phía giải nữ.

Đề nghị của ITF đã được thông qua và sẽ chính thức đi vào thực hiện vào năm 2016. Không có điểm nào trong báo cáo đề cập đến việc có thể ngăn chặn việc mua bán tỷ số hay những hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ITF Nick Imison đã viết trong một email rằng: “Cải thiện đời sống cho người chơi là một trong những điều quan trọng nhất”.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›