(Thethaovanhoa.vn) - Không nhiều người bất ngờ khi Nadal phải rút lui khỏi Roland Garros, nhưng hầu hết đều cảm thấy buồn. Kẻ thù lớn nhất của ông vua sân đất nện không phải Roger Federer hay Novak Djokovic mà là chính cơ thể anh.
- Nadal bất ngờ rút lui khỏi Roland Garros
- Rafael Nadal và Novak Djokovic: Còn quá sớm để nghĩ về nhau
- Nadal và Djokovic nhẹ nhàng, Murray vất vả đi tiếp ở Roland Garros
- Rafael Nadal: Kẻ kiếm tìm dĩ vãng
Một robot chơi quần vợt
Rafa chỉ chơi theo đúng một phong cách, trong mọi ngày và mọi pha bóng, và với bất kể giá nào. Anh cũng không thay HLV mà kiên trì (hay bảo thủ?) gắn bó với một HLV là ông chú Toni Nadal. Và sau 15 năm thi đấu theo trường phái thiên về sức mạnh ấy, cỗ máy trong cơ thể anh cũng phải rệu rã.
Lần này không phải đầu gối, lưng, bụng hay gân khoeo, mà là cổ tay trái. Mọi bộ phận trong cơ thể Nadal dường như đang long ra, nhưng anh chưa bao giờ có khái niệm thối chí, dù đã có những lúc sự tự tin bị giảm sút bởi những kết quả tệ hại trên sân đấu.
“Tôi sẽ cố gắng để hồi phục nhanh nhất có thể”, “Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để sẵn sàng cho Wimbledon”, “Chúng tôi cần tập luyện, tôi sẽ trở lại”,… Mọi thứ với Nadal đều gắn với từ “làm việc”. Cách thức duy nhất để thách thức những giới hạn của cơ thể và vượt qua những rủi ro của anh là “làm việc”. Anh tin rằng sự gan góc và bền bỉ sẽ giúp mình vượt qua chấn thương. Thực tế, anh càng tập luyện nặng bao nhiêu, anh càng dễ chấn thương, và rồi lại càng tập nặng. Một vòng luẩn quẩn!
Nếu như Federer đã trải qua 65 Grand Slam liên tiếp trước khi bỏ cuộc ở Roland Garros này thì chuỗi tham dự Grand Slam liên tiếp dài nhất của Nadal chỉ là 13. Hồ sơ chụp X-quang và MRI của anh là một bộ sưu tập của những chấn thương. Từ năm 2003 anh đã chấn thương khuỷu tay và 1 năm sau thì lỡ hẹn với Roland Garros vì chấn thương mắt cá. Điều đó càng khiến 14 Grand Slam của anh trở nên đặc biệt, và cũng khiến tham vọng vượt qua kỷ lục 17 Grand Slam của Federer liên tục bị ngắt quãng.Khi cơ thể biểu tình
Federer năm nay đã phẫu thuật đầu gối và sau đó chấn thương lưng. Nadal đã vượt qua đau đớn để hồi sinh nhưng rồi lại gục ngã khi những quả thuận tay không còn nghe theo anh nữa. Anh vẫn có thể chạy với hai đầu gối đau đớn, nhưng không thể chiến thắng khi cổ tay gặp vấn đề. Đó là chấn thương từng hủy hoại sự nghiệp của Juan Martin del Potro, còn với trường hợp của Nadal thì chúng ta thậm chí còn không rõ nó có thể tệ hơn nữa hay không.
Thể thao luôn tồn tại những nghịch lý. Bạn có thể buộc phải sống với những hoài niệm, với tình yêu cho những người hùng cũ khi mà những niềm hy vọng mới vẫn còn tỏ ra rất “non và xanh”. Bên cạnh một Djokovic đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đây vẫn là thế giới của Federer và Nadal, trong khi những người trẻ như Alexander Zverev và Borna Coric tiến bộ rất chậm.
Không gì có thể tồn tại mãi mãi, nhưng với Nadal điều đó có nghĩa là những chấn thương không thể tồn tại mãi mãi. Anh tin rằng nếu mình lao động, nó sẽ tự lành. Có thể anh ghét quá trình trị liệu, nhưng anh không sợ nó. Càng tàn phá cơ thể mình nhiều, anh hiểu rằng anh sẽ càng phải “sửa chữa” nó. “Đây là thời điểm khó khăn, nhưng không phải điểm kết thúc”, anh vẫn luôn tâm niệm điều ấy. Ngay cả Iron Man cũng phải có lúc chỉnh sửa bộ giáp của mình.
Tháng Tám này, Federer sẽ bước sang tuổi 35, còn vài ngày nữa, Nadal đón sinh nhật thứ 30, nhưng cơ thể họ giống như bằng tuổi nhau. Đó không còn là cơ thể dành cho một VĐV đỉnh cao nữa.
13 Chuỗi tham dự Grand Slam dài nhất của Nadal chỉ là 13 giải (từ Roland Garros 2006 đến Roland Garros 2009). 7 Trong vòng hai năm qua, Nadal đã trải qua 7 Grand Slam mà không lọt vào đến bán kết một lần nào. 2 Số danh hiệu của Nadal ở mùa giải này, và đều đến trong tháng Tư (Monte Carlo Masters, và Barcelona Open. Rafa và nỗi ám ảnh chấn thương 2003: Khuỷu tay 2004: Mắt cá chân trái 2005: Bàn chân 2008-09: Đầu gối 2009: Đau ổ bụng 2010: Đầu gối 2011: Gân khoeo, đầu gối trái 2012: Đầu gối 2013: Đau dạ dày 2014: Lưng, cổ tay 2016: Cổ tay |
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags