(Thethaovanhoa.vn) - Giai đoạn chạy đà cho Roland Garros đã kết thúc với 3 nhà vô địch ở các giải Masters 1000 tại Monte Carlo, Madrid và Rome lần lượt là Rafael Nadal, Novak Djokovic và Andy Murray. Đây cũng chính là 3 ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Roland Garros năm nay theo đánh giá của giới chuyên môn cũng như của các nhà cái.
- Roland Garros: Nadal & ý nghĩa của cú Decima
- Federer: 'Nadal là đối thủ lớn nhất của tôi'
- Hạ Nadal, Djokovic vào Bán kết Italy Open 2016
Vô địch Monte Carlo và Barcelona, lọt vào bán kết Madrid và tứ kết Rome, Nadal đã có những kết quả đáng khích lệ hơn rất nhiều so với cùng thời điểm này năm trước. Chắc chắn, những danh hiệu có được trên mặt sân đất nện chính là một liều thuốc về mặt tinh thần cho Nadal ở thời điểm hiện tại sau khi anh đã thất bại liên tiếp tại 2 giải đấu thuộc hệ thống ATP 250 tại Nam Mỹ hồi đầu năm.
Hãy làm 1 phép so sánh về 1 số chỉ số của Nadal trong 4 giải đấu Monte Carlo, Barcelona, Madrid và Rome trong 2 năm 2015 và 2016:
Nguồn: tennisabstract.com
(Match: Số trận thi đấu 1stIn: tỉ lệ giao bóng 1 thành công
1st%: tỉ lệ thắng điểm giao bóng 1 2nd%: tỉ lệ thắng điểm giao bóng 2
SPW: tỉ lệ thắng điểm giao bóng RPW: tỉ lệ thắng điểm trả giao bóng
TPW: tổng số điểm thắng DR: tỉ lệ áp đảo
Dominance Ratio (DR) là 1 chỉ số sử dụng để đo sự áp đảo của một tay vợt trong 1 trận đấu. DR được tính bằng tỉ lệ thắng điểm trả giao bóng / tỉ lệ mất điểm giao bóng, do đó, DR càng cao thì tay vợt đó càng vượt trội. Ví dụ Djokovic của năm 2015 đỉnh cao đạt tỉ lệ DR 1,43; Nadal đạt tỉ lệ 1.37 trong cả sự nghiệp khi tính riêng trên sân đất nện)
Nhìn vào bảng so sánh trên, Nadal 2016 không giao bóng tốt bằng 2015 nhưng anh lại có tỉ lệ cứu break point tốt hơn hẳn. Trong 4 giải đấu gần nhất, Nadal đã cứu 66/99 breakpoint (67%), trong khi đó, 1 năm trước, con số này chỉ là 36/59 (61%). Tỉ lệ cứu breakpoint tăng đáng kể cho thấy tâm lý của Nadal đã tốt hơn khi phải đối mặt với những thời khắc quan trọng.
Thay đổi đáng kể của Nadal đó chính là khả năng trả giao bóng. Nếu biết rằng trong cả sự nghiệp thi đấu trên mặt sân đất nện, Nadal đạt tỉ lệ thắng điểm trả giao bóng là 46.6% thì rõ ràng, con số 42,1% của năm 2015 là một nỗi thất vọng lớn. Đem so sánh với 45,5% của 2016, chúng ta có thể thấy ngay sự khác biệt về số danh hiệu (2 so với 0). Tỉ lệ chuyển hóa breakpoint của Nadal cũng nhỉnh hơn trong năm 2016: 71/182 (39%) so với 43/112 (38%) của năm 2015. Cũng nhờ đó, DR của Nadal đã tăng từ 1,26 lên 1,31.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Nadal đã mang đến những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên những nỗi lo vẫn còn đó. Thứ nhất, Nadal chưa tìm lại những cú đánh thuận tay tốt nhất của mình. Lần gần nhất chúng ta thấy Nadal sử dụng tuyệt vời vũ khí đó trên mặt sân đất nện là 2 trận đấu cuối cùng của Roland Garros 2014 khi Nadal hủy diệt Murray và Djokovic. Đó là giải đấu mà Nadal đã giấu bài rất kĩ ở các vòng ngoài và bùng nổ thật sự ở 2 trận quan trọng nhất. Cho đến giờ, những cú đánh đó vẫn chưa trở lại một cách thường xuyên và thuần thục. Thậm chí, những cú trái của Nadal còn mang lại cảm giác chắc chắn và an toàn hơn. Những cú quả hiện tại có thể đảm bảo Nadal không bị loại sớm trước tứ kết, nhưng để đi xa hơn, Nadal cần nhiều hơn thế. Để có thể biết chính xác rằng Nadal hiện tại chỉ có như vậy hay vẫn còn “hàng”, chúng ta phải chờ đến tuần thứ 2 của Roland Garros mới có thể trả lời được.
Nadal đang trên đường tìm lại con đường vinh quang ngày xưa
Điểm đáng lo ngại thứ 2 của ông vua đất nện vẫn là vấn đề tâm lý. 2 danh hiệu vẫn là chưa đủ khi ám ảnh thất bại trước Djokovic vẫn còn đó. Trận thua thứ 7 liên tiếp (3 trên sân đất nện) với 15 set trắng rõ ràng không dễ nuốt trôi. Nadal đã chơi rất tốt trong trận tứ kết Rome Masters với tay vợt số 1 thế giới: kém 3 game đấu (thua 5-7, 6-7) nhưng chỉ kém 3 điểm. Vấn đề là Nadal đã không duy trì được sự hung phấn trong những thời khắc then chốt trước những đối thủ cùng cấp số. Anh thua Murray 0-2 ở bán kết Madrid khi chỉ tận dụng được 2/13 breakpoint có được; thua Djokovic 0-2 ở tứ kết Rome khi là người vươn lên dẫn trước ở cả 2 set. Nadal đã chơi tốt nhưng vẫn chưa đủ khi điều quan trọng nhất là chiến thắng thì anh lại không làm được, và sức ép tâm lý vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.
Roland Garros: Nadal trong cuộc đua tam mã
Không khó để nhận định rằng Roland Garros năm nay sẽ là cuộc chiến dành riêng cho Djokovic, Murray và Nadal sau những gì họ đã thể hiện trong giai đoạn khởi động.
Djokovic đang rất khao khát hoàn thành được Grand Slam (GS) sự nghiệp bởi anh sẽ bước sang tuổi 29 vào đúng thời điểm giải đấu khởi tranh. Lịch sử không chứng kiến nhiều tay vợt giành được nhiều GS kể từ độ tuổi này (Federer và Sampras lần lượt giành được 1 và 2 GS khi bước sang tuổi 29). Gạt đi yếu tố tuổi tác, Djokovic lại đang thể hiện những bất ổn trên sân đất nện. Anh vô địch Madrid sau khi cứu 7 breakpoint ở game đấu cuối. Khi một tay vợt phải cứu đến 7 breakpoint trong game đấu quyết định, đó không phải là một tín hiệu tốt. Djokovic bước vào Rome thiếu đi sự linh hoạt và bình tĩnh cần thiết. Thắng chật vật tay vợt 35 tuổi ở vòng 2, thua Bellucci 0-6 ở vòng 3, vất vả với Nadal ở tứ kết, bị vắt sức trước Nishikori ở bán kết và liên tục phàn nàn cũng như chửi thề trong trận chung kết, Djokovic đã có 1 giải đấu đáng quên. Không có được một bước chạy đà thuyết phục, Djokovic đang mở ra những cơ hội cho các đối thủ của mình.
Ngược lại với Djokovic, Murray lại đang tỏ ra vô cùng sung mãn khi bước vào mùa đất nện. Lọt vào ít nhất bán kết trong tất cả các giải Masters 1000 đất nện đã đấu, Murray đã sẵn sàng chinh phục chiếc cúp Musketeers. Thay đổi lớn nhất của Murray nằm ở khả năng giao bóng và khả năng tấn công bằng cú thuận tay, cũng chính là những chiến thuật mà Murray đã dùng để khuất phục Nadal và Djokovic. Chưa khi nào Murray được đánh giá cao đến như vậy khi bước vào giải GS thứ 2 trong năm, nhưng dấu hỏi lớn nhất vẫn là khả năng chịu đựng sức ép, điều khiến Murray 5 lần thất bại trong các trận chung kết Úc mở rộng.
Nadal chỉ được xếp hạng hạt giống số 5, đồng nghĩa với việc sẽ phải top 4 ở tứ kết. Với Nadal, không vô địch là thất bại, vậy nên bị loại ở tứ kết hay thất bại ở chung kết, số GS của anh vẫn chỉ dừng ở con số 14. Nếu phải đánh bại Djokovic và Murray để vô địch, việc gặp họ ở tứ kết và chung kết sẽ tốt hơn là bán kết và chung kết liền nhau. Do đó, nằm ngoài top 4 chưa chắc đã phải là một bất lợi đối với Nadal. Một điểm đáng chú ý, ngoại trừ năm 2009, Nadal đều vô địch Roland Garros khi giành cú đúp Monte Carlo và Barcelona (6 lần)
Như phân tích ở trên, nếu Nadal cải thiện được các vấn đề đang gặp phải, anh sẽ tiến gần hơn đến những chỉ số mà anh có được thời đỉnh cao, và lúc đó, sẽ rất khó ngăn cản Nadal tái khẳng định vị thế độc tôn của mình trên mặt sân đất nện.
Các nhà vô địch Rome Masters 2016 |
Kim (Từ U.K)
Tags