(Thethaovanhoa.vn) - Điều gì sẽ xảy ra nếu sự nghiệp của Rafael Nadal không bị cản trở bởi những chấn thương? Anh sẽ giành được bao nhiêu Grand Slam, và có còn là chính mình hay không?
- Rafael Nadal: Khi kẻ thù lớn nhất là cơ thể mình
- Nadal bất ngờ rút lui khỏi Roland Garros
- Rafael Nadal và Novak Djokovic: Còn quá sớm để nghĩ về nhau
Sống chung với chấn thương
Những chấn thương đã tàn phá tay vợt từng 9 lần vô địch Roland Garros một cách kinh khủng. Anh đã phải cố gắng điềm tĩnh và ngăn giọt nước từ trong khóe mắt khi trả lời những câu hỏi của phóng viên. Thuốc giảm đau đã giúp Rafa chơi hai trận đầu, nhưng rồi cơn đau đã chiến thắng để rồi chính anh phải thú nhận rằng đây là một trog những buổi họp báo khó khăn nhất trong sự nghiệp. Vài tuần qua, Nadal dường như hồi sinh sau 2 năm tồi tệ, và đó là điều mà người hâm mộ quần vợt thế giới mong muốn sau một năm đầy những bê bối về bán độ và doping, trong khi Djokovic thì gần như vô đối. Nhưng thực tế rất phũ phàng.
“Sự đen đủi là một phần của cuộc sống. Và đây là thời điểm khó khăn, chứ không phải cái chết”, Nadal đã tự an ủi bản thân như thế. Đúng vậy, nhưng phải chăng cơ hội lớn nhất để anh giành thêm một Grand Slam nữa đã trôi qua? Chúng ta đang nói về Nadal, một tay vợt đã phải hứng chịu quá nhiều chấn thương khác nhau trong suốt sự nghiệp của mình. Rất nhiều bác sĩ hẳn sẽ khuyên Nadal đừng thi đấu nữa, sau khi khám cơ thể anh.
Nadal đã phải sống chung với chấn thương
Bả vai trái, bàn chân trái, cánh tay trái, hai đầu gối, hai cổ tay, lưng,… đó là những vị trí mà Nadal đã và đang chấn thương. Danh sách ấy chắc chắn chưa dừng lại, một khi anh còn tiếp tục thi đấu. Như một sự trêu ngươi với Nadal, người không chịu đầu hàng trước bất cứ một trở ngại gì, cứ sau khi bình phục ở chỗ này, anh lại bị chấn thương ở chỗ khác. Đi kèm với những vinh quang trong sự nghiệp Nadal, luôn là những cơn đau mà anh cố gắng nín nhịn.
Nhưng rồi một ngày nào đó, khi anh trải nghiệm cuộc sống không quần vợt, những vết đau thể xác liệu có bay biến theo?
Sự bảo thủ của Nadal
Sau trận thua Nadal năm 2005, huyền thoại người Mỹ Andre Agassi đã bày tỏ sự nghi ngại về lối chơi tốn rất nhiều thể lực của Nadal. “Cậu ấy đã viết một hóa đơn mà cơ thể không thể thanh toán”, Agassi so sánh một cách bóng bẩy. Tất nhiên, Rafa không chịu thừa nhận điều đó. Anh cho rằng việc theo đuổi quần vợt như thế, bất chấp mọi khó khăn, là một nỗ lực đáng giá. Thực tế, chơi quần vợt là điều tốt nhất Nadal có thể làm.
Nadal đã liên tục phải đối mặt với những nghi ngờ về tuổi thọ sự nghiệp của mình, đặc biệt là trong vài năm gần đây. Vào thời điểm chuẩn bị đón sinh nhật thứ 30, anh đã cho thấy mình hoàn toàn có thể trở lại với những cuộc cạnh tranh đẳng cấp cao. Chức vô địch ở Monte Carlo Masters, khi anh quật ngã cả Wawrinka và Murray, là một minh chứng. Nhưng khi người ta kỳ vọng anh sẽ hồi sinh tại thành trì Roland Garros thì số phận buộc anh phải dừng bước.
Nadal sẽ trở lại như thế nào? Lịch sử chứng minh rằng anh có thể sẽ tái sinh một lần nữa, nhưng rất ít người có thể chống chọi lại được quy luật của tuổi tác. Federer, đối thủ lớn nhất của Nadal, hiểu rất rõ về điều này, dù anh vẫn có tiếng là một cây trường sinh của làng banh nỉ thế giới.
Trong vài năm qua, Federer là tay vợt nỗ lực nhất trong việc níu kéo thời gian để ở lại đỉnh cao, theo những cách hợp lý nhất, thông minh nhất. Từ việc điều chỉnh lối chơi nhằm đỡ tốn sức hơn, rút bớt lịch thi đấu để giảm tải, cũng như tác phong sinh hoạt cực kỳ khoa học và chỉn chu, Federer đã làm hết sức mình cho mục tiêu giành Grand Slam thứ 18. Thế nhưng, gần 4 năm qua, mục tiêu ấy vẫn không thể hoàn thành, dù anh đã 3 lần lọt vào chung kết (Wimbledon 2014, 2015, US Open 2015). Grand Slam gần nhất mà anh giành được là Wimbledon 2012, khi anh chỉ nhiều hơn Nadal bây giờ 1 tuổi.
Federer, người biết giữ sức hơn nhiều so với Nadal, còn như vậy. Cơ hội nào cho tay vợt người Tây Ban Nha, vốn chỉ xem việc hành xác trong phòng gym và sân tập là giải pháp duy nhất để có thể hồi sinh? Gần như không có. Vấn đề là nếu có ai nhắc đến chuyện này thì tay vợt người Tây Ban Nha tỏ vẻ khó chịu.
Nadal khó có thể chống lại quy luật của tuổi tác
Năm 2009, Nadal tâm sự trên New York Times rằng: “Họ nói cách đây 3 năm, rằng tôi sẽ không thể kéo dài sự nghiệp. Bây giờ, tôi đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Tôi đã quá mệt mỏi với việc mọi người liên tục bảo tôi rằng tôi không thể tiếp tục chơi như thế. Rốt cục đó lại là cách giúp tôi chiến thắng”.
Nhưng đó là năm 2009, khi mà Nadal còn đang trong độ tuổi sung sức, khi mà hệ cơ của anh chưa bị nhão ra bởi sự vận động quá sức, khi mà những chấn thương chưa tích tụ đủ nhiều trong cơ thể anh.
Một nhà vô địch bị tổn thương
Nadal sẽ đạt được những gì nếu gắng gượng thi đấu, bất chấp một loạt chấn thương? Đó sẽ là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Nhưng cũng thú vị không kém nếu ta đặt ra giả thuyết rằng anh sẽ đạt được những gì nếu không dính những chấn thương tồi tệ ấy? Anh sẽ giành được bao nhiêu Grand Slam? 20 hay 25? Và liệu anh có còn là chính mình không?
Sự thực là Nadal sẽ phải vật lộn nhiều hơn trong những năm cuối của sự nghiệp. Sau 15 năm thi đấu đỉnh cao với cùng một phong cách, rất khó để anh thay đổi lối chơi, và điều đó càng chỉ khiến giấc mơ Grand Slam khó trở thành hiện thực.
Nadal hứa với tất cả rằng anh sẽ sớm trở lại, nhưng chưa có gì đảm bảo anh có thể tham dự Wimbledon, giải đấu sẽ khởi tranh trong vòng chưa đầy một tháng nữa. Mà ngay cả khi có kịp bình phục để góp mặt ở All England Club, đó cũng không phải sân chơi mà Nadal có thể đặt nhiều hy vọng như Roland Garros. Trong 4 năm gần nhất, anh chơi cực tệ tại Wimbledon (có đến 3 lần bị loại sau 2 vòng). Tóm lại, nếu Nadal vượt qua tất cả để giành một Grand Slam nữa, đó sẽ là một kỳ tích thực sự.
Trong trường hợp ngược lại, và rất dễ xảy ra, người ta sẽ thấy ở Nadal hình ảnh của một nhà vô địch bị tổn thương, một nhà vô địch phải nghiến răng chịu đau, và cố tự an ủi mình bằng ánh sáng từ vinh quang quá khứ.
Một nhà vô địch bị tổn thương, và đang đau đớn!
Rafa và nỗi ám ảnh chấn thương 2003: Khuỷu tay 2004: Mắt cá chân trái 2005: Bàn chân 2008-09: Đầu gối 2009: Đau ổ bụng 2010: Đầu gối 2011: Gân khoeo, đầu gối trái 2012: Đầu gối 2013: Đau dạ dày 2014: Lưng, cổ tay 2016: Cổ tay |
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags