(Thethaovanhoa.vn)- Roger Federer đã nghe quá đủ những đồn thổi, những cáo buộc về dàn xếp tỷ số trong quần vợt. Nếu các tay vợt bị tình nghi dàn xếp tỷ số, Federer muốn tên của họ phải được nêu đích danh.
Rất nhiều tay vợt hàng đầu tỏ ra bàng hoàng trước những thông tin mà hai hãng tin BBC và BuzzFeed News đăng tải vào ngày hôm qua, đúng thời điểm Australian Open 2016 khởi tranh. Hai hãng tin lớn trên thế giới khẳng định họ đang lưu giữ những tài liệu về cuộc điều tra liên quan tới nạn dàn xếp tỷ số trong quần vợt đỉnh cao. Cụ thể, trong 10 năm qua đã có 16 tay vợt nằm trong Top 50 thế giới nhúng chàm, trong đó có cả nhà vô địch các giải Grand Slam danh giá.Nhưng không một tay vợt nào trong số đó đối mặt với lệnh trừng phạt, với án cấm từ các tổ chức chủ quản. Không chỉ có vậy hơn một nửa trong số đó hiện đang tham dự Australian Open 2016, Grand Slam đầu tiên trong năm.
“Tôi muốn nghe những cái tên”, Federer chia sẻ sau khi đánh bại Nikoloz Basilashvili với tỷ số 6-2, 6-1, 6-2. “Tới khi đó, mọi thứ mới cụ thể hơn và bạn thực sự có thể tranh luận về điều đó. Liệu đó là tay vợt? Là nhóm hỗ trợ? Là tay vợt đánh đơn hay đánh đôi? Grand Slam nào? Đây là vấn đề thực sự rất nghiêm trọng và vô cùng quan trọng để duy trì tính toàn vẹn của quần vợt?”.
Federer muốn nêu tên những tay vợt nhúng chàm
Tuy nhiên, BBC và Buzzfeed News chưa thể công bố danh tính của các tay vợt bị tình nghi dàn xếp tỷ số vì chưa thể xác định hành vi phạm tội của họ. Nguyên nhân cũng bởi vì hai hãng tin này không có quyền truy cập vào các tài khoản ngân hàng, điện thoại… của những đối tượng bị tình nghi để điều tra. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền này Cơ quan liêm chính quần vợt (TIU) lại không làm điều đó.
Trước đó, Chủ tịch ATP Chris Kermode đã thực hiện buổi họp báo khẩn cấp để bác bỏ thông tin cho rằng dàn xếp tỷ số không hề được kiểm soát trong làng quần vợt. Ông khẳng định TIU vẫn “luôn cảnh giác và không tự mãn” trong quá trình chống tham nhũng. “ITU và các cơ quan quần vợt bác bỏ những cáo buộc cho rằng bằng chứng về nạn dàn xếp tỷ số đã bị xóa bỏ vì những lý do nào đó hoặc không được điều tra kỹ lưỡng”.
Ông Kermode cũng bác bỏ những tuyên bố cho rằng TIU có nguồn lực hạn chế và không có quyền lực thực thi khi cần thiết. Ông khẳng định các cơ quan quần vợt đã bơm khoảng 14 triệu USD cho các chương trình tham nhũng và cho tới nay các cuộc điều tra của TIU đã dẫn tới lệnh trừng phạt với 18 tay vợt, trong đó có 6 người bị cấm thi đấu vĩnh viễn.
Theo BBC và BuzzFeed News, cuộc điều tra được thực hiện từ năm 2007. Những nghi ngờ bắt nguồn từ hoạt động cá cược xoay quanh trận đấu giữa tay vợt người Nga Nikolay Davydenko (từng đứng hạng ba thế giới) và đối thủ người Argentina Vassallo Arguello ở Giải quần vợt Sopot (Ba Lan) hồi tháng 8/2007.
ATP bác bỏ cáo buộc về hoạt động yếu kém của TIU
Trong quá trình điều tra phát hiện nhiều công ty cá cược tại Nga và Italia đã tham gia vào việc dàn xếp tỷ số. Thậm chí 3 trong số các trận đấu bị cho là dàn xếp tỷ nằm ở giải Grand Slam danh tiếng Wimbledon. Một báo cáo hồi năm 2008 cho biết có tới 28 tay vợt cần phải bị điều tra nhưng rồi điều này đã không xảy ra. Những năm sau đó, tiếp tục có những cảnh báo về nạn dàn xếp tỷ số được gửi tới TIU nhưng rồi không một ai bị điều tra. Những cảnh báo này, theo BBC, được gửi từ các công ty cá cược, một số tổ chức chống tiêu cực khác trong thể thao và cả những con bạc chuyên nghiệp.
Hôm qua, chính tay vợt nam số 1 thế giới Novak Djokovic tiết lộ rằng anh từng bị gạ bán độ vào năm 2006, khi vẫn còn là một tay vợt trẻ. Lời đề nghị này theo Djokovic trị giá 200.000 USD. Tuy nhiên, tay vợt Serbia không tin rằng có dàn xếp tỷ số ở quần vợt đỉnh cao.
K.Đ
Tổng hợp
Tags