Ung Chính đế đã áp dụng phương thức bí mật lập Thái tử, từ đó mới có câu chuyện Càn Long "lì xì".
Lì xì ngày Tết là phong tục truyền thống của nhiều nước châu Á, trong đó tiêu biểu nhất chính là Trung Quốc. Trung Quốc thời xưa kể từ thời nhà Hán đã có tập tục lì xì năm mới, khi đó không gọi là tiền mừng tuổi, mà gọi là "yếm thắng tiền", hay chính là bùa tiền cổ Trung Quốc. Hơn nữa, tiền lì xì này không phải tiền xu lưu thông trên thị trường, mà là một loại trang sức hình dạng giống như đồng xu mà trẻ em mang theo trên người dùng để xua đuổi tà ác.
Về sau, dân gian Trung Quốc lưu truyền một truyền thuyết, mỗi đêm 30 Tết sẽ có một tiểu yêu gọi là "Túy" chuyên đi hù dọa trẻ nhỏ. Vì vậy, người lớn bọc 8 đồng xu bằng giấy đỏ và đặt dưới gối của đứa trẻ để khiến Túy sợ hãi.
Loại tiền bọc giấy đỏ này được gọi là "tiền áp Túy", trải qua nhiều thế hệ, "tuế" (tuổi) thay cho "túy" vì hiện tượng hài âm trong tiếng Trung, cuối cùng trở thành "tiền áp tuế" (tiền mừng tuổi). Vào thời nhà Thanh, các quý tộc Hoàng thất Mãn Châu học được rất nhiều phong tục Hán, và lì xì năm mới đã trở thành phong tục của họ.
Điều đáng nói là, trong 60 năm kế vị, Càn Long đều có thói quen phát lì xì cho con cháu trong ngày đầu xuân, ai cũng có phần, chỉ bỏ sót một người, mà điều này có ẩn ý phía sau. Vì sao Càn Long làm như vậy?
Cuộc chiến tranh giành ngôi vị Hoàng đế của nhà Thanh
Trong lịch sử Trung Quốc, triều đại tranh đoạt ngôi vị Hoàng đế khốc liệt nhất hẳn là nhà Thanh. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập Đại Kim quốc, ông đã lập hai vị Thái tử, nhưng một Thái tử bị hạ lệnh giết chết, người còn lại bị phế bỏ.
Bởi vậy, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cảm thấy sớm lập Thái tử không phải là chuyện tốt, điều này không chỉ khiến đất nước bất ổn, mà còn tạo cơ hội cho Thái tử lộng quyền và không nỗ lực trau dồi năng lực. Thế là ông đã dùng cách thức tiến cử để lựa chọn người kế thừa.
Ở giai đoạn Hoàng Thái Cực, ông cũng cho rằng việc lập Thái tử khiến nội bộ Hoàng thất và triều đình mất đoàn kết. Ai cũng vì lợi ích mà nịnh bợ Thái tử, khiến lực lượng triều đình mất đi cân bằng. Từ đó về sau quy định đế vương không công khai sắc lập Thái tử khi còn sống.
Trong lịch sử, con cháu Hoàng thất nhà Thanh, bất kể về mặt văn hóa hay quân sự, đều vượt trội hơn các triều đại khác, nhờ vậy mới có những Hoàng đế vĩ đại như Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, đưa nhà Thanh tiến vào “Khang Càn thịnh thế”.
Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hi vì hoài niệm Hoàng hậu đã qua đời, thay đổi quy định của tổ tiên, ở tuổi 21 ông đã lập nhị a ca Dận Nhưng làm Thái tử. Tuy rằng Thái tử sớm ra đi, nhưng Khang Hi vẫn toàn lực bồi dưỡng các hoàng tử khác, hơn nữa còn có yêu cầu vô cùng nghiêm khắc.
Ông giao cho các hoàng tử làm rất nhiều chuyện trọng đại, từ đó rèn luyện họ, phương thức giáo dục như vậy giúp các hoàng tử trở nên tài giỏi xuất chúng, nhưng cũng vô tình khiến họ cũng có năng lực làm Hoàng đế, từ đó mới xuất hiện "Cửu tử đoạt đích", 9 vị hoàng tử tranh giành ngôi vị đẫm máu trong lịch sử.
Sau khi Ung Chính kế vị, ông rất cẩn thận và áp dụng phương thức bí mật lập Thái tử, để tránh các hoàng tử tranh đấu. Cũng chính vì vậy mà mới có câu chuyện Càn Long "lì xì".
Sử dụng bao lì xì để âm thầm lập Thái tử
Khi làm Hoàng đế, Càn Long cũng lo lắng đến vấn đề lập Thái tử. Tuy ông không vội vàng, nhưng các đại thần lại thường xuyên thúc giục.
Các đại thần trong triều cảm thấy cho dù không công khai lập Thái tử, cũng nên cùng trọng thần thương nghị bí mật lập người thừa kế. Càn Long đương nhiên cũng hiểu điều này. Một khi Thái tử được lập xong, các quan viên có thể đứng về phía Thái tử, vì lợi ích vinh hoa phú quý sau này của mình.
Song, một là sợ các hoàng tử tranh đấu, hai là không muốn sớm trao đi quyền lực, muốn ngồi trên ngôi vị Hoàng đế lâu một chút, chúng đại thần tuy rằng nhiều lần thúc giục, nhưng Càn Long vẫn không quan tâm. Ông chỉ nói mình còn trẻ, đợi đến sau 60 năm tại vị nhất định tuyên bố tuyển chọn Thái tử.
Càn Long đã nói như vậy, các đại thần chỉ có thể chờ đợi. Cuối cùng, đến thời điểm tại vị 60 năm, Hoàng đế cũng cảm thấy mình không còn trẻ, nên tìm cơ hội thích hợp để lập Thái tử.
Các vị đại thần và hoàng tử ngóng trông, không biết Càn Long tuyên bố ai là Thái tử. Trong lúc này, các hoàng tử vẫn phải tích cực thể hiện bản thân, hy vọng sẽ trở thành Hoàng đế tiếp theo.
Đến Tết Nguyên đán năm đó, trong đêm giao thừa, các hoàng tử hoàng tôn như thường lệ tụ tập cùng nhau vui vẻ ăn bữa cơm tất niên. Sau khi con cháu đều đến đông đủ, Càn Long lấy ra mấy chục bao lì xì, trên đó viết tên và phát cho từng người.
Nhưng chỉ có Thập Ngũ a ca Vĩnh Diễm là không được nhận lì xì. Ai cũng bàn tán xì xào, dùng ánh mắt cười nhạo nhìn ông.
Càn Long thoái vị, Gia Khánh lên nắm quyền
Đang lúc Vĩnh Diễm vô cùng buồn bực, Càn Long đột nhiên lên tiếng: "Vĩnh Diễm, ta không cần lì xì cho hắn, cả thiên hạ đều là của hắn, hắn cần chút tiền kia làm gì?". Câu nói này của Càn Long rõ ràng tuyên bố Vĩnh Diễm là người kế vị.
Nghe được lời này, Vĩnh Diễm vui mừng không thôi, chỉ là sau đó không ít đại thần đưa ra dị nghị, cho rằng Vĩnh Diễm không phải con trai trưởng, thân phận mẹ của ông cũng không tôn quý, làm sao có thể làm Thái tử.
Càn Long không thay đổi quyết định này. Trên thực tế, trong các hoàng tử, rất nhiều người ưu tú hơn Vĩnh Diễm, nhưng Càn Long sống rất thọ, nhiều con trai của ông đã qua đời trước.
Đến khi Càn Long muốn lập Thái tử, phát hiện đã không còn mấy hoàng tử, hơn nữa cũng không có năng lực xuất chúng. Cứ như vậy, Càn Long đã chọn Vĩnh Diễm vì vị hoàng tử này siêng năng cố gắng, sống lương thiện lại hiếu thuận, được lòng người.
Năm thứ hai lập Vĩnh Diễm làm Thái tử, Càn Long tuyên bố thoái vị, Vĩnh Diễm trở thành Hoàng đế Gia Khánh, còn bản thân ông làm Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, mặc dù quyền lực bề ngoài đã được giao cho Gia Khánh, nhưng việc xử lý quốc sự vẫn do Càn Long quyết định.
Triều đình lên tấu chương quan trọng, vẫn phải đưa đến Viên Minh Viên để Càn Long quyết định.
Ba năm sau khi làm Thái thượng hoàng, Càn Long qua đời, triều Đại Thanh mới thực sự giao quyền lực cho Gia Khánh. Chỉ có điều, khi đó Thanh triều đã bắt đầu suy tàn, Hoàng đế Gia Khánh cũng bất lực “thăng thiên”.
Nguồn: 163
Tags