Trong "kỷ nguyên số", thanh toán ví điện tử thay vì tiền mặt đã trở thành thói quen của rất nhiều người trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người lựa chọn sử dụng tiền mặt vì sự thuận tiện và an toàn.
Cùng với sự phát triển của Internet, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại. Theo khảo sát của Nielsen, trong năm 2020, số người tiêu dùng mua sắm tuyến tại Việt Nam tăng lên 25%, còn các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.
Theo nghiên cứu của Visa, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong số đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn tới 82%.
Với nhiều tính năng thuận tiện cùng những ưu đãi hấp dẫn, ví điện tử được coi là một giải pháp tốt trong cả mua sắm trực tiếp. Các siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi thậm chí là các cửa hàng lớn nhỏ đều có dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử. Nhưng không phải ai cũng ủng hộ cách “tiêu tiền mới” này.
Tất cả thu gọn trong một chiếc điện thoại
Do thành thạo công nghệ và bắt nhanh xu hướng, thế hệ trẻ luôn biết cách khai thác những tiềm năng từ ví điện tử. Đây được coi là giải pháp tiêu dùng thông minh và hiện đại hơn rất nhiều so với việc sử dụng tiền mặt. Bạn Hoàng Việt Hưng (21 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết đã bắt đầu thói quen sử dụng ví điện tử ngay từ khi lên đại học, khoảng từ tháng 10/2020. Đó cũng là thời kỳ ví điện tử bắt đầu trở nên vô cùng thịnh hành và trở thành xu thế.
Hoàng Việt Hưng, 21 tuổi
“Sử dụng ví điện tử giúp mình thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn hơn. Sử dụng ví điện tử tránh được những bất tiện của việc phải chờ đợi để nhận lại tiền thừa. Nhiều lúc mình buộc phải ngậm ngùi không mua hàng nữa vì người bán không đủ tiền mặt trả lại, cũng có lúc phải chạy sang quán khác để đổi tiền”, Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, nhờ sử dụng ví điện tử mà dù là đi học hay đi chơi, Việt Hưng cũng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị vì tất cả đã nằm trong một chiếc điện thoại. “Đến cả việc gửi xe 3.000 đồng mình cũng sử dụng ví điện tử được, chỉ cần quét mã QR là xong!”, Hưng nói.
Khánh Linh (19 tuổi, Hà Nội) tự nhận mình là “fan cứng” của ví điện tử khi cô nàng sử dụng hầu hết các loại ví điện tử thông dụng nhất. 10x tỏ ra hào hứng khi nhận được nhiều ưu đãi, mã giảm giá trên hệ thống và luôn sẵn sàng tải thêm các ví điện tử khác để nhận nhiều ưu đãi hơn.
“Cùng một món đồ nhưng khi mua online sử dụng ví điện tử thì mình được nhận rất nhiều ưu đãi so với việc sử dụng tiền mặt và đặt hàng. Bên cạnh đó, vì là sinh viên nên mình rất hay sử dụng Ví Shopee Pay để đặt trà sữa và đồ ăn vặt. Mỗi một lần dùng ví điện tử thì mình lại nhận được mã giảm giá cũng như được thêm xu để có thể trừ vào tổng hoá đơn ở lần sau”, cô bạn hào hứng chia sẻ.
Khánh Linh, 19 tuổi
Không chỉ có thế hệ trẻ, ví điện tử cũng là “con cưng” của thế hệ 8x, 9x. Chị Trần Thị Huệ (41 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng chuyển sang dùng ví điện tử từ đầu năm 2021.
“Trong giai đoạn giãn cách, gia đình tôi chủ yếu mua đồ trên các sàn thương mại điện tử. Con gái tôi dạy tôi cách thanh toán bằng ví điện tử, ban đầu tôi thấy khá bỡ ngỡ bị trước giờ không quen sử dụng công nghệ nhưng dùng một hai lần là thành thạo. Bây giờ đi siêu thị, tôi cũng thanh toán bằng ví điện tử”, chị Huệ chia sẻ. Phương thức thanh toán mới này giúp những người phụ nữ của gia đình như chị Huệ bớt phần nào nỗi lo bị rơi mất tiền hay trả nhầm tiền.
Chọn an toàn thay vì thuận tiện
Bên cạnh những người hứng thú và trở thành “fan cứng” của hình thức thanh toán bằng ví điện tử thì vẫn còn không ít người ưa chuộng hình thức thanh toán truyền thống.
Chị Vũ Thiên Thảo (32 tuổi, Bình Tân, Tp Hồ Chí Minh) là nhân viên văn phòng, rất thông thạo công nghệ nhưng chị vẫn ưu tiên sử dụng tiền mặt hoặc hình thức chuyển khoản. “Bản thân mình cảm thấy những hình thức thanh toán khác vẫn tiện lợi hơn, đặc biệt là thanh toán bằng tiền mặt”, chị nói.
Chị Thảo chia sẻ xung quanh mình có rất nhiều người sử dụng ví điện tử nhưng cũng có nhiều điểm bất tiện. Muốn sử dụng ví điện tử phải cần có kết nối internet nhưng không phải lúc nào cũng có thể kết nối thuận tiện. “Mua mớ rau hay cân hoa quả ngoài chợ thì đương nhiên việc đưa tiền mặt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chưa kể đến việc những người bán hàng là người già, họ không theo kịp công nghệ nên rất khó khăn. Đâu thể yêu cầu họ mua một chiếc điện thoại thông minh giá không hề rẻ rồi tập tành sử dụng!”, chị Thảo chia sẻ thêm.
Hậu quả của việc mua sắm quá mức (ảnh minh họa)
Là một GenZ chính hiệu nhưng Trần Thảo Ly (22 tuổi, Hà Nội) không sử dụng ví điện tử như nhiều bạn bè khác: “Mình chọn an toàn thay vì thuận tiện. Việc sử dụng ví điện tử vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị đánh mất thông tin. Bạn bè mình cũng dính vào rất nhiều vụ lừa đảo tinh vi thông qua hình thức sử dụng ví điện tử. Mọi người hay nói mình kỹ tính, lạc hậu nhưng mình ưu tiên sự an toàn”.
Cũng như Thảo Ly, anh Trần Tiến Dũng (24 tuổi, Hà Nội) cũng gỡ cài đặt các app của ví điện tử trên điện thoại sau khoảng 3 tháng sử dụng. “Sự thuận tiện của ví điện tử và những ưu đãi là con dao hai lưỡi. Những ưu đãi hấp dẫn thúc đẩy mình mua nhiều đồ không không bao giờ dùng đến và mua nhiều hơn mức cần thiết. Ví dụ như việc mình cố mua thêm vào món hàng nữa để đủ 350.000 đồng để lấy được voucher 20.000 đồng dù thực tế không có nhu cầu dùng nhiều đến thế. Như vậy, tưởng là tiết kiệm được tiền, nhưng hóa ra lại chi tiêu quá nhiều so với dự kiến”, anh Dũng chia sẻ.
Ví điện tử ngày càng trở nên thông dụng, có mặt ở nhiều quán ăn, nhà hàng, cửa hàng lớn nhỏ với những ưu đãi hấp dẫn nhằm thúc đẩy người dùng. Không thể phủ nhận những tiện lợi của việc thanh toán qua ví điện tử, đặc biệt trong dịp mua sắm cuối năm này. Với những hóa đơn sắm Tết lên đến hàng triệu đồng, thì việc thanh toán qua ví rất tiện lợi, ưu đãi tốt. Tuy nhiên, tùy vào quan điểm cá nhân mà mỗi người lựa chọn cho mình một hình thức thanh toán phù hợp nhất.