Thạc sĩ 56 tuổi kiếm 27 tỷ đồng/năm nhờ chăn nuôi giống lợn sắp tuyệt chủng: Thành bại trong kinh doanh phụ thuộc vào 2 yếu tố tiên quyết

Thứ Năm, 15/12/2022 14:35 GMT+7

Google News

Không ai nghĩ một thạc sĩ từng làm quản lý cấp cao, kinh doanh riêng cũng thu về cả chục tỷ đồng một năm lại đi nuôi lợn, nhất là khi người phụ nữ này cực kỳ ưa sạch sẽ.

Cơ hội kinh doanh ở mọi nơi, chỉ cần biết nắm bắt

Thái Lập Quần, người phụ nữ đến từ tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) từng lấy bằng tại Đại học Giao thông Thượng Hải năm 25 tuổi. Người phụ nữ này trở thành nhân viên văn phòng trong một công ty nước ngoài. Khi đó rất ít người nói được tiếng Anh, Thái Lập Quần thuận lợi có mức lương 800.000 NDT/năm sau khi thăng tiến lên chức quản lý cao cấp, không bao lâu sau mua được biệt thự ở Thượng Hải.

Năm 2008, Thái Lập Quần từ chức và kinh doanh riêng, sản xuất phụ tùng ô tô thu lợi nhuận 5-6 triệu NDT/năm. 40 năm đầu đời của cô có thể nói là bình lặng và thành công. Chẳng ai ngờ người phụ nữ này không yên tâm nghỉ hưu, đột nhiên "yêu lợn" và bắt đầu sự nghiệp mới ở tuổi 44.

photo-1-167108848846263840063.jpg

Chân dung Thái Lập Quần. Ảnh: Toutiao

Câu chuyện bắt đầu từ lần Thái Lập Quần đưa bố mẹ về quê ở huyện Lệ An, tỉnh Giang Tây chơi năm 2010. Tình cờ bố cô bắt gặp một con lợn rất quen mắt ở bên đường. Đó là giống lợn hoa Lệ An, ai cũng tưởng giống này sắp tuyệt chủng. Dân làng cho biết loại lợn này vẫn còn nhưng giờ số lượng rất hiếm.

Lợn hoa Lệ An chỉ có tại tỉnh Giang Tây, còn được gọi là “lợn gấu trúc” vì ngoại hình của chúng. Món thịt lợn Lệ An om rất được người dân địa phương ưa chuộng vì thịt mềm, hương vị thơm ngon đặc trưng. Suy nghĩ đầu tiên của Thái Lập Quần lúc đó là “loại lợn này ngon đến mức không thể tuyệt chủng”.

Thái Lập Quần mua ít thịt lợn hoa mang về Thượng Hải, bạn bè đều tấm tắc khen ngon. Có người còn đề nghị cùng cô nuôi lợn. Người phụ nữ này nhận thấy cơ hội kinh doanh, ngay lập tức về quê thu gom lợn Lệ An nằm rải rác khắp làng. 

1533794910355d1ba1107a6_noop.jfif

Giống lợn hoa Lệ An còn được gọi là "lợn gấu trúc". Ảnh: Toutiao

Quyết định dấn thân vào con đường chăn nuôi, Thái Lập Quần vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía gia đình. Bản thân cô trước giờ bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, trong khi nuôi lợn dù yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt đến mấy cũng không tránh được mùi hôi. Dù vậy, Thái Lập Quần vẫn tin tưởng rằng đây là con đường cô phải bước tiếp.

Thạc sĩ đi nuôi lợn sắp tuyệt chủng

Do trại lợn đều nằm ở nơi đường sá đi lại khó khăn, Thái Lập Quần chỉ có thể cùng cộng sự đi bộ và mang lợn về, không bỏ qua bất kỳ một con nào. Trong vài tháng, cô thu mua được hơn 300 con lợn với giá hơn 1 triệu NDT.

Cô thuê chuyên gia về kiểm tra máu của những con lợn này, xác định những con tương đối thuần chủng để nhân giống. Thời điểm Thái Lập Quần xây dựng một trang trại lợn là lúc nhiều vấn đề ập đến.

Lợn hoa Lệ An rất hiếu động, với chiều cao của chuồng lợn thông thường, không thể để những con lợn này ngoan ngoãn ở trong chuồng. Cô chỉ có thể nâng cao hàng rào và mở sân chơi cho lợn. Thái Lập Quần đồng hành với sự lớn lên của những chú lợn, cho chúng ăn và tắm rửa mỗi ngày.

1533794909915440873f9fa_noop.jfif

Năm 2012, việc chăn nuôi lợn của cô phát triển, thu hút sự chú ý của địa phương và được khách sạn lớn nhất huyện ưa chuộng đặt mua. Thái Lập Quần tận dụng cơ hội, tăng giá 50 NDT/cân. Nhưng mức giá này đã cản trợ doanh số, cô chỉ có 2 con đường: bán với giá giảm, hoặc tiếp tục đầu tư để tìm thị trường mới. Với bản lĩnh của một người kinh doanh lâu năm, cô đã quả quyết chọn phương án sau.

Khả năng sinh sản của lợn hoa Lệ An cao hơn so với lợn thông thường. Đến năm 2014, Thái Lập Quần đã nhân giống hơn 500 con. Số lượng lợn tăng đột biến thôi thúc cô càng phải đầu tư nhiều tiền hơn và nhanh chóng định hình được đầu ra cho đàn lợn.

Kinh doanh loại thịt còn khá mới trên thị trường, người phụ nữ này chú trọng vào 2 yếu tố: tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội và chứng minh được chất lượng đó.

Thịt lợn hoa Lệ An có màu đỏ hồng, mùi vị đặc trưng nhưng nhược điểm là lớp mỡ dày hơn, hạn chế được nhược điểm này mới có khả năng cạnh tranh với lợn nuôi ở các địa phương khác. Thái Lập Quần giảm lượng thức ăn có hàm lượng calo cao cho lợn, tăng cường cho ăn cỏ và vận động đều đặn trên núi, khiến lượng mỡ béo của lợn giảm 1/3.

15337949104398c8ae2e69f_noop.jfif

Sau khi tự tin với sản phẩm mình tạo ra, Thái Lập Quần đến một cửa hàng bách hóa tại Thượng Hải. Cô không ngại nấu gan lợn Lệ An ngay tại chỗ trước mặt khách hàng để chứng minh chất lượng thịt. Gan lợn là bộ phận có thể phản ánh trực tiếp chất lượng của thịt. Một khi chất lượng thịt có vấn đề, gan sẽ có mùi lạ.

Lợn hoa Lệ An phải nuôi 1-1,5 năm mới xuất chuồng, trong khi lợn nuôi phổ thông chỉ khoảng nửa năm. Thêm vào đó, Thái Lập Quần cho lợn uống nước suối trên núi, ăn ngô và thức ăn thô xanh nên thịt lợn có vị tươi ngon, khách hàng khen ngợi ngay trong lần đầu tiên thử. Tiếng lành đồn xa, thịt lợn hoa Lệ An thành công thâm nhập những siêu thị cao cấp và cửa hàng đặc sản ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu.

Thạc sĩ 56 tuổi kiếm 27 tỷ đồng/năm nhờ chăn nuôi giống lợn sắp tuyệt chủng: Thành bại trong kinh doanh phụ thuộc vào 2 yếu tố tiên quyết - Ảnh 5.

Thái Lập Quần định giá khác nhau theo từng bộ phận nhưng chủ yếu hướng tới khách hàng cao cấp. Thịt chân trước và thịt lưng rẻ nhất được bán với giá 98 NDT/ cân (hơn 300 nghìn đồng). Giá thị trường các bộ phận khác của lợn hoa Lệ An có thể lên tới 240-396 NDT/cân (khoảng 800 - 1,3 triệu đồng).

Trong mùa lễ hội, việc buôn bán của Thái Lập Quần càng thuận lợi. Mỗi ngày điện thoại đều thi nhau đổ chuông. “Mặc dù thịt lợn Lệ An tương đối đắt nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua vì chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao”, Thái Lập Quần nói.

Năm 2017, Thái Lập Quần nuôi được 1.000 con lợn, doanh số bán hàng tại Thượng Hải là 5 triệu NDT/năm. Tổng doanh số thị trường ngoài tỉnh Giang Tây của người phụ nữ này lên tới 8 triệu NDT/năm (~27 tỷ đồng). 

Phương Linh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›