Số ca mắc COVID-19 cũng như số ca tử vong do căn bệnh này trong tuần qua duy trì đà giảm mạnh, là cơ sở để các nước tiếp tục nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Tuy nhiên, đại dịch lắng dịu không có nghĩa là đã kết thúc, khi mà thế giới vẫn ghi nhận các biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí có biến thể được xem là đang "ẩn mình chờ thời".
Theo số liệu của worldometers.info, trong 7 ngày qua số ca mắc mới COVID-19 giảm 15% trong khi số ca tử vong giảm 21% so với tuần trước đó. Dịch bệnh vẫn căng thẳng tại các điểm nóng như Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng có vẻ như làn sóng dịch hiện nay đã qua điểm đỉnh.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mỗi ngày trong tuần qua đã lùi xuống ngưỡng 20.000 ca, giảm mạnh so với con số 50.000 ca của tuần trước đó.
Trong khi đó, thành phố Thượng Hải, tâm dịch của Trung Quốc, ngày 6/5 tuyên bố đã kiểm soát thành công làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất sau 1 tháng phong tỏa. Hiện tại, còn khoảng 2,3 triệu người trong số 25 triệu dân thành phố này vẫn ở trong các khu vực có nguy cơ cao và bị phong tỏa, trong khi 16,67 triệu người khác ở các “vùng phòng vệ” có nguy cơ thấp hơn, có nghĩa là có thể ra khỏi nhà. Lúc này, điểm nóng dịch của Trung Quốc là thủ đô Bắc Kinh, nơi vừa tiến hành đợt xét nghiệm đại trà lần thứ ba trong tuần qua nhằm ngăn ngừa dịch lây lan, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao để tránh kịch bản phải phong tỏa toàn phần như Thượng Hải. Giới chức Trung Quốc ngày 6/5 khẳng định nước này đã bước vào giai đoạn mới trong ứng phó với dịch COVID-19 với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan.
Ngoại trừ Trung Quốc, hầu hết các nước trên thế giới tiếp tục lộ trình mở cửa lại nền kinh tế. Ở châu Á, giới chức Lào tuyên bố mở cửa hoàn toàn đất nước từ ngày 9/5, trong khi Indonesia và Thái Lan đã sẵn sàng công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu từ tháng 7. Nhật Bản cũng dự kiến đón khách du lịch từ tháng 6.
Các nước châu Âu như Italy, Bỉ… dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp hạn chế trong khi Đức rút ngắn thời gian cách ly đối với người mắc bệnh. Tuần qua cũng đánh dấu các kỳ nghỉ lễ dài ngày ở Trung Quốc, Nhật Bản hay việc Israel tổ chức sự kiện quy mô lớn đầu tiên sau 2 năm để mừng 74 năm Quốc khánh…, cùng với việc quy định đeo khẩu trang không còn là bắt buộc ở nhiều nơi, có cảm giác như cuộc sống đã trở lại bình thường, như không còn sự hoành hành của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, việc người dân có tâm lý chủ quan khiến các chính quyền và giới chức y tế lo lắng khi thực tế là dịch vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Ngày 4/5, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề Y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cảnh báo Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố giai đoạn mới của đại dịch COVID-19, nhưng đây chưa phải là giai đoạn kết thúc, do đó các nước thành viên không nên vội chủ quan trước dịch bệnh, mà phải luôn đề phòng về nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang chú ý tới những dòng phụ của biến thể Omicron và quan ngại khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới trên toàn cầu. Tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo về sự tồn tại của biến thể Omicron hồi tháng 11/2021, hiện đang chứng kiến số ca mắc gia tăng nhanh chóng do BA.4 và BA.5. Đây là 2 trong số 5 dòng phụ của Omicron được giới khoa học xác định cho đến thời điểm hiện tại. Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất, WHO cho biết BA.4 và BA.5 đã có một số đột biến bổ sung có thể ảnh hưởng đến đặc tính của hai biến thể trên.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện còn quá sớm để xác định hai biến thể phụ này có thể khiến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn các biến thể phụ khác của Omicron hay không. Thực tế này cũng cho thấy con người chưa thể hiểu và lường hết được những rủi ro mà các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO nhấn mạnh các dữ liệu giai đoạn đầu cho thấy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả con người khỏi nguy cơ tử vong và trở nặng khi mắc bệnh.
- Phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
- Thế giới 516.686.134 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.275.052 ca tử vong
- Cần tuân thủ các quy định khi kê đơn thuốc kháng virus điều trị Covid-19
Nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch mới không chỉ đến từ những đột biến của biến thể Omicron. Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Israel được công bố tuần qua, thế giới cần cảnh giác trước khả năng Delta – biến thể gây ra những hậu quả nặng nề nhất trong gần 3 năm bùng phát dịch vừa qua, có khả năng trở lại và tạo nên những làn sóng dịch mới.
Cho đến nay, bất cứ khi nào một biến thể mới và vượt trội xuất hiện, biến thể "tiền bối" của nó sẽ bị lấn át sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, với hai biến thể Delta và Omicron, kết quả kiểm tra nước thải cho thấy khi Omicron gia tăng, Delta vẫn hoạt động. Có nghĩa là trong khi Delta xuất hiện đã thay thế các biến thể trước, biến thể này không thể bị loại bỏ bởi “người kế nhiệm” Omicron. Mô hình dự báo của các nhà khoa học cho thấy trong khi Omicron đang tự tiêu diệt, Delta vẫn “ẩn mình chờ thời” và có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Làn sóng dịch sắp tới có thể sẽ do đột biến của Omicron, một biến thể mới hay Delta trở lại – dù là biến thể nào thì hiện cũng khó biết được mức độ dịch sẽ ra sao. Và dù mức độ như thế nào, làn sóng dịch mới cũng sẽ kéo lùi đáng kể những nỗ lực phục hồi mà thế giới đã chật vật mới đạt được sau 2 năm đối phó với virus SARS-CoV-2.
Ngày 5/5, WHO công bố: COVID-19 đã gây ra hơn 14,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong hai năm 2020-2021. Con số này cao gấp nhiều lần so với hơn 6,2 triệu ca tử vong được thống kê chính thức đến thời điểm này, bởi lẽ bao gồm cả những trường hợp tử vong có liên quan gián tiếp tới virus SARS-CoV-2, tức là những người tử vong vì không được điều trị do hệ thống y tế đã quá tải do đại dịch. WHO từ lâu đã cho rằng con số tử vong trên thực tế còn cao hơn nhiều con số được ghi nhận. Theo WHO, con số 14,9 triệu ca tử vong được các chuyên gia hàng đầu thế giới tính toán theo phương pháp luận và áp dụng ở những nơi không có dữ liệu đầy đủ.
Mặc dù hiện vẫn còn ý kiến không đồng tình với cách tính số ca tử vong của WHO, ví dụ trường hợp của Ấn Độ, song rõ ràng số liệu này là hồi chuông cảnh báo rằng không được lơ là khi virus SARS-CoV-2 vẫn hiện hữu và không ngừng biến đổi. Như Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus đã nhận định: "Con số trên không chỉ cho thấy tác động của đại dịch, mà còn cho thấy rằng tất cả các nước cần đầu tư nhiều hơn để hệ thống y tế có thể duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm các hệ thống thông tin y tế mạnh hơn". Chủ quan vào thời điểm hiện tại sẽ gây những hậu quả nặng nề cả về người và của, cũng như để lại những hệ quả cho tương lai.
Phương Hà - TTXVN
Tags