HLV Philippe Troussier đang chịu áp lực rất lớn với cả 2 lý do chủ quan lẫn khách quan. Sau 2 chiếc HCV liên tiếp, việc đặt mục tiêu HCV trên đất Campuchia là chuyện đương nhiên, khó mà thoái thác. Bên cạnh đó, ông Troussier không muốn mình có một khởi đầu tệ hơn nữa với bóng đá Việt Nam ngay tại sân chơi truyền thống.
Cũng cần phải nhắc lại một chút về cái "dớp" SEA Games. Từ năm 2011 đến 2017, cứ sau SEA Games là HLV lại "bay ghế". Lần lượt là Falko Goetz, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng.
Nhưng có lẽ cũng cần phải công bằng một chút với HLV Troussier, ít nhất là không nên gán cho ông cái nhiệm vụ "bảo vệ HCV" vì thực tế là 2 lần Việt Nam đoạt HCV SEA Games cũng là 2 kỳ mà môn bóng đá nam ở Đại hội cho phép bổ sung thêm cầu thủ quá tuổi.
Năm 2019, khi lần đầu Việt Nam hoàn thành "giấc mơ vàng", ngoài một đội hình đã có hơn phân nửa là tuyển thủ quốc gia vẫn còn trong tuổi U23 thì HLV Park Hang Seo bổ sung Nguyễn Trọng Hoàng và Đỗ Hùng Dũng rất giàu kinh nghiệm. Tại SEA Games 2021 diễn ra hồi năm ngoái, thì có đến 2 QBV là Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức cùng tiền đạo chủ lực Nguyễn Tiến Linh.
Chưa so sánh với các đội bóng khác, nhưng rõ ràng chỉ giữa các đội Việt Nam với nhau thôi đã là sự khác biệt lớn. Không chỉ có trong tay một đội U23 đẹp nhất, HLV Park Hang Seo còn được bổ sung thêm tuyển thủ quá tuổi tốt nhất mà ông có ở các thời điểm diễn ra SEA Games.
HLV Troussier thì ngược lại, những con người hiện nay của ông không chỉ kém so với thời của người tiền nhiệm mà thậm chí, nếu so với lứa U22 của HLV Nguyễn Hữu Thắng thì cũng chẳng hơn nổi.
Hồi SEA Games 2017, ông Nguyễn Hữu Thắng đã tập hợp được 2 thế hệ U19 xuất sắc nhất thời điểm đó. Một vài người vốn đã chơi tại đội tuyển quốc gia. Nhưng kỳ Đại hội này, U22 Việt Nam không thể ghi bàn trong trận đấu với Indonesia và sau đó, để thua Thái Lan trong trận chỉ cần tỷ số hòa. Kết quả thi đấu thời ông Thắng chỉ là mẫu số chung của các kỳ SEA Games trước đó. Nói cách khác, sân chơi SEA Games rất khó đoán định nếu như nó được dành riêng cho những cầu thủ U22.
Đó là một chi tiết cần được lưu tâm trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Hồi năm 2011, HLV người Đức Goetz thậm chí còn tổ chức đá giao hữu từ thiện với đội nghệ sỹ tại TP.HCM trước giờ lên đường dự SEA Games. Có vẻ như nhà cầm quân có bằng cấp xịn nhất từ trước đến nay của đội tuyển Việt Nam không biết đến tầm quan trọng của chiếc HCV và cuối cùng, sau khi chỉ về hạng 4, ông bị sa thải bằng… điện thoại.
HLV Troussier thì biết khá rõ. Đó là lý do mà ông quyết định thực hiện 2 buổi đá tập kín tại Bà Rịa Vũng Tàu. Ông thầy người Pháp dường như cũng đã cảm nhận được áp lực kể từ sau thất bại tại Doha Cup 2023. Nói cách khác, ông ý thức rất rõ triển vọng làm việc lâu dài của ông, tham vọng đưa Việt Nam dự World Cup, tùy thuộc rất nhiều vào thành tích tại SEA Games.
Thật ra, không chỉ có ông Troussier mà có lẽ bóng đá Việt Nam cũng sẽ phải căn cứ vào kết quả sắp tới để tính toán lại chiến lược của mình. Vấn đề không phải là bảo vệ chiếc HCV mà là tương quan giữa các làng cầu Đông Nam Á với nhau khi lần đầu tiên sau nhiều năm, sân chơi SEA Games không có các cầu thủ quá tuổi.
Nếu U22 Việt Nam vẫn có một gương mặt mạnh mẽ, bản lĩnh tốt, thì chúng ta tạm an tâm cho các dự án tương lai. Bằng ngược lại, thì cũng sẽ là một áp lực bắt bóng đá Việt Nam phải thay đổi.
Vì thực tế rất phũ phàng: Có đến 9 cầu thủ trong danh sách 31 người sơ bộ của ông Troussier đến từ giải hạng Nhất vốn cả năm đá chưa đến 20 trận. Những cầu thủ thuộc biên chế V-League thì cũng chỉ phân nửa là có suất đá chính tại V-League. Đây không phải là một đội U22 có chất lượng, ít nhất là tính từ 2007 đến nay mặc dù phần lớn họ đều khoác áo U20 và U23 quốc gia trong 2 năm qua.
Đã đến lúc chúng ta cùng chờ đợi cái gọi là tài nghệ của ông Troussier, người không chỉ giải bài toán cho bóng đá Việt Nam mà còn cả những giấc mơ của chính mình.