Thách thức mà 'người đàn bà thép' Merkel đang đối mặt có ý nghĩa gì với châu Âu?

Thứ Hai, 27/11/2017 08:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với nhiều khó khăn để thành lập chính phủ liên minh, trong lòng châu Âu cũng diễn ra biến động ở các quốc gia thành viên. Vậy sự kiện tại nước Đức có ý nghĩa như thế nào với liên minh châu Âu (EU) nói chung?

Anh đang trong lộ trình để rời EU (còn gọi là Brexit) với các nhiệm vụ to lớn được hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá dường như vượt ra khỏi khả năng của chính phủ đảng Bảo thủ nước này.

Cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào đầu năm 2018 tại Italy đang chứng kiến hiện tượng đảng cánh hữu không ủng hộ người nhập cư và nghi ngờ về đồng euro, lại nhận được sự ủng hộ.

Cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalonia ngày 1/10 mà Chính phủ Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp đã đẩy quốc gia châu Âu này lún sâu vào khủng hoảng chính trị. Đến ngày 27/10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập. Sau sự kiện này, Chính phủ trung ương Tây Ban Nha quyết định quản lý trực tiếp Catalonia. Theo Reuters, động thái của Madrid dường như chỉ "thêm dầu vào lửa" khiến Catalonia càng có quyết tâm để được độc lập.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một phiên họp tại Berlin ngày 21/11. Ảnh: Reuters

Ba Lan cũng gây chú ý khi chính phủ do đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền bị Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk chỉ trích. Theo hãng Bloomberg (Mỹ), đây là làn đầu tiên một lãnh đạo EU mâu thuẫn với chính phủ quốc gia thành viên.

Đó mới là tình trạng ở những quốc gia lớn, về phần các thành viên EU có diện tích nhỏ và trung bình cũng có một số trường hợp được đánh giá là "hóc búa".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào ngày 8/9 tuyên bố chính phủ của ông sẽ không thay đổi lập trường phản đối nhập cư. Điều này đã khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng đề nghị nhanh chóng thi hành phán quyết của một tòa án cấp cao EU rằng các nước thành viên phải nhận và cùng chia sẻ những người nhập cư đến “lục địa già”.

Tại Áo, thảo luận về liên minh giữa đảng Nhân dân Áo (OVP) của Thủ tướng mới đắc cử Sebastian Kurz và đảng Tự do đã có khởi đầu tốt trong tháng 10. Nếu điều này trở thành hiện thực, đảng theo hướng bảo thủ của Thủ tướng mới đắc cử Kurz và đảng Tự do (FPO) có xu hướng cực hữu sẽ hình thành một liên minh không thân thiện với vấn đề nhập cư đồng thời thể hiện không tin tưởng EU và có mong muốn quyền lực được trao về cho các nước thành viên thuộc liên minh này.

Tại Cộng hoà Séc, đối thoại thành lập chính phủ liên minh không tìm được tiếng nói chung sau cuộc bầu cử vào tháng 10, do vậy lãnh đạo đảng ANO giành chiến thắng - ông Andrej Babis đã cảnh báo về việc hình thành chính phủ thiểu số. Theo Reuters, bất cứ chính phủ thiểu số nào cũng có nguy cơ mang lại rối loạn chính trị và không đạt được thỏa thuận về ngân sách.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn châu Âu tự lo liệu mình thay vì quen với việc được gọi là đồng minh thân cận của Washington. Ông John Lloyd tại Đại học Oxford (Anh) nhận định rằng phần không hòa thuận giữa châu Âu với Nga liên quan tới các lệnh trừng phạt dường như chưa được xử lý.

Từ tình hình trên, nước Đức hiện giữ vị trí như “một cảng biển ôn hòa giữa cơn bão”, được dẫn dắt bởi bà Merkel - người phụ nữ trong nước ca ngợi và quốc tế tôn trọng. Tuy nhiên, diễn biến trong tuần qua đã khiến tờ Bild phải đưa ra bài báo với tiêu đề “Bà Merkel còn nắm quyền được bao lâu?”

Liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Merkel đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9. Tuy nhiên, bà Merkel trong ngày 19/11 đã thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh vói đảng FDP và đảng Greens. Điều này gây nguy cơ kéo chính trị Đức rơi vào khủng hoảng. Nếu Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) từ chối thành lập liên minh, thì khả năng một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

Viễn cảnh này nảy sinh lo ngại rằng đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy có thể gặt hái thêm sức mạnh.

Ông John Lloyd cho rằng rối loạn tại Đức có thể không kéo dài bởi quốc gia này vẫn duy trì là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Ngoài ra, bà Merkel đã hứa hẹn với EU rằng Đức vẫn duy trì cam kết trung thành với liên minh. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua đồng thời cũng nhắc nhở về sự tự nhìn nhận quanh vấn đề dạng thức nào là hợp lý đối với liên minh châu Âu trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Đức Angela Merkel không từ chức, sẵn sàng cho 'cuộc chiến' mới

Thủ tướng Đức Angela Merkel không từ chức, sẵn sàng cho 'cuộc chiến' mới

Ngày 20/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà không thấy có bất cứ lý do gì để từ chức sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›