Năm 1996, khi đội tuyển Đức vừa giành chức vô địch EURO và bay bổng trong men say chiến thắng, có một người đã phát hiện ra lỗ hổng chí mạng của nền bóng đá đang được xếp loại hàng đầu thế giới ấy.
Nhân vật ấy là Dietrich Weise, người từng làm việc trong vai trò một HLV chuyên đi săn tài năng cho các cấp độ tuyển trẻ Đức. Năm 1978, khi ông bắt đầu được Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đặt vào vị trí này, bóng đá Đức hầu như không có thành tích gì ở các giải trẻ, dù vẫn đang làm mưa làm gió ở cấp ĐTQG.
Đội tuyển Đức từng thiếu gì?
Trước World Cup 2010, đội tuyển Đức đã 7 lần vào đến chung kết Cúp thế giới, ba lần vô địch, và ba lần đăng quang ở EURO. Ba năm sau khi Weise nhậm chức, đội U18 Đức vô địch châu Âu, danh hiệu trẻ đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá giàu truyền thống này. Đội hình ấy, với Lothar Matthaus và Jurgen Klinsmann là những đại diện tiêu biểu, sẽ lên ngôi vô địch ở World Cup 1990.
Nhưng việc Đức vẫn chơi ổn ở cấp độ cao nhất khiến DFB không coi trọng lắm công việc của Weise. Ông rời ghế vào năm 1983, và câu chuyện về đào tạo trẻ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nền bóng đá kỳ lạ này vẫn tiếp tục thành công, dù không có một hệ thống đào tạo trẻ quy mô cấp quốc gia. Các cầu thủ trẻ sẽ chơi bóng tự phát và may ra có thể theo con đường chuyên nghiệp nếu lọt vào mắt xanh của các CLB.
Trở lại với câu chuyện năm 1996. Thời điểm Đức giành chức vô địch EURO lần thứ ba, Weise quay trở lại DFB với một bản kế hoạch chi tiết về 115 trung tâm đào tạo trẻ trên cả nước, chi phí khoảng 1,5 triệu USD. Nhưng chức vô địch EURO khiến các quan chức DFB cho rằng không việc gì phải phí tiền đến vậy, và họ gạt kế hoạch này sang một bên.
Ý tưởng cốt lõi của Weise, vượt trên mọi thành tích, là tạo điều kiện để mọi đứa trẻ Đức có cơ hội được chơi bóng: "Tôi muốn mọi đứa nhóc đều có thể tìm thấy một trung tâm đào tạo trẻ trong bán kính 25km quanh nhà".
Sự sụp đổ liên tiếp của đội tuyển Đức ở World Cup 1998 (bị loại ở tứ kết sau thảm bại 0-3 trước Croatia), EURO 2000 (vòng bảng) và 2004 (vòng bảng) cho thấy Weise đã đúng: Một nền bóng đá chỉ có thành tích ở cấp đội tuyển quốc gia vẫn chưa phải một nền bóng đá thực sự. Nội lực bền vững chỉ có thể sản sinh ra khi có thật nhiều đứa trẻ chơi bóng tốt.
Cuộc cách mạng của bóng đá Đức bắt đầu từ ý tưởng "để mọi đứa trẻ được chơi bóng" đã đưa họ đến chức vô địch thế giới thuyết phục vào năm 2014 và hai lần vào bán kết EURO năm 2012 và 2016. Quan trọng hơn, họ có thể thất bại mà vẫn không hoảng loạn: Người Đức biết rằng các cầu thủ của họ sẽ trở lại.
Bóng đá Việt Nam kém Thái Lan điều gì?
Đầu năm nay, khi tham quan trung tâm đào tạo trẻ của đương kim vô địch Thái Lan Pathum United, Giám đốc một trung tâm thể thao lớn của Việt Nam thừa nhận trên một tờ báo rằng cơ sở vật chất của họ không thể so sánh với các trung tâm lớn của Việt Nam, và diện tích cũng chỉ bằng… một nửa.
Điểm khác biệt là các CLB của Thái Lan thường liên kết với các trường học và những trung tâm bóng đá cộng đồng để tìm kiếm và phát triển tài năng. Bóng đá ở quốc gia này được xã hội hóa rất mạnh, với hệ thống các giải trẻ Thái Lan được tổ chức theo dạng mùa giải, y như bóng đá chuyên nghiệp, từ U6 đến U18.
Bóng đá biến thành một môn thể thao mà nhiều đứa trẻ ưu tiên chọn chơi trước hết, ngay cả khi chúng chưa có ý niệm về chuyện chơi chuyên nghiệp. Cuối năm ngoái, U17 Thái Lan mang sang Việt Nam một đội hình có đến 12 cầu thủ trẻ được đôn lên đội một chơi tại Thai League, đấy là kết quả tự nhiên của quá trình phủ bóng đá toàn quốc. Một quá trình bồi đắp nội lực tương tự như cuộc cách mạng của bóng đá Đức.
Giải vô địch quốc gia thì sao? Trong khi bóng đá Việt Nam vẫn đang loay hoay với bài toán kinh phí hoạt động chuyên nghiệp, với các CLB giải thể như cơm bữa, thì doanh thu của một đội bóng Thái Lan một mùa bóng có thể cán mốc hàng chục triệu USD. Thai League 1 có đến 18 đội, hoạt động theo mô hình Ngoại hạng Anh, và thu hút hàng triệu khán giả nhiều năm qua.
AFF Cup lần này, Thái Lan cũng không mang theo ngôi sao lớn nhất là Chanathip Sonkrasin, vì muốn anh được… nghỉ ngơi. Họ đã chơi đầy bản lĩnh và một cách khách quan, phải thừa nhận rằng cho đến lúc này, cơ hội vô địch của Thái Lan cũng đang sáng sủa hơn.
Nhưng ngay cả khi đội tuyển Việt Nam tạo nên bất ngờ ở trận lượt về, thì người Thái có lẽ chỉ buồn, chứ không rơi vào trạng thái hoang mang. Hai chân đế khác của bóng đá Thái lan, là đào tạo trẻ và giải VĐQG, vẫn vững vàng, và rồi thành tích của ĐTQG sẽ trở lại.
Còn chúng ta, ngay cả khi vô địch giải AFF Cup lần này, cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi sau kỷ nguyên thành công của HLV Park Hang Seo, và một lứa cầu thủ đặc biệt bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.