Thẩm định ca khúc của Sơn Tùng M-TP (Bài 1): Huy động tổng lực vẫn chưa 'ổn'

Thứ Bảy, 13/12/2014 11:59 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc Sơn Tùng M-TP “đạo nhạc” đã rộ lên từ tháng 6/2014, các cơ quan quản lý văn hóa và các hội đồng thẩm định với sự tham gia của những nhạc sĩ uy tín hàng đầu của thị trường âm nhạc cũng đã vào cuộc từ đầu tháng 11 đến nay. Tuy nhiên, qua vụ việc này dường như các cơ quan quản lý và các hội đồng thẩm định vẫn lúng túng trước câu hỏi “giống nhau ở mức độ nào thì được cho là đạo nhạc?”… Và hơn thế nữa, việc xử lý thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý và các hội đồng thẩm định làm cho tình hình trở nên phức tạp và hậu quả có thể khôn lường.

Để nhận biết thế nào là đạo nhạc, đối với công chúng âm nhạc là một điều vô cùng khó khăn, trừ trường hợp “trắng trợn” copy giai điệu nguyên xi hoặc gần như nguyên xi. Còn với “đạo nhạc tinh vi” thì chỉ những người có chuyên môn âm nhạc cao mới nhận biết được.

Để kết luận đạo nhạc hay nói rộng hơn là sự giống nhau của hai tác phẩm, ở mức độ nào thì được xem là “đạo”? Ngoài việc không có những điều luật quy định, việc thiếu một luận cứ làm cơ sở đã làm cho những đơn vị, tập thể tham gia vào việc thẩm định ca khúc của Sơn Tùng M-TP lâm vào tình trạng nan giải: thiếu tôn trọng nhau, mâu thuẫn lẫn nhau.

Thiếu tôn trọng

Trên thực tế, cho đến nay ở Việt Nam chưa có những điều luật quy định thế nào là đạo nhạc, vì vậy mà Cục Bản quyền (Bộ VH,TT&DL) đã đề xuất thành lập một hội đồng nhạc sĩ để thẩm định xem trường hợp ca khúc Chắc ai đó sẽ vềcó đạo nhạc hay không. Công luận xem đây là một động thái tích cực, vì giữa những xô bồ nghi án đạo nhạc trong thời gian dài vừa qua, chưa bao giờ một cơ quan quản lý văn hóa đứng ra tổ chức việc thẩm định mang tính chuyên môn để định hướng dư luận. Thực hiện điều này, nó còn có ý nghĩa như một cơ sở tin cậy để bổ khuyết cho những khiếm khuyết mang tính pháp lý khi xử lý vụ việc đạo nhạc.


Sơn Tùng M-TP, người đã làm cho ngành âm nhạc phải “huy động tổng lực”

Hội đồng thẩm định gồm các nhạc sĩ uy tín do Cục Bản quyền thành lập, ngày 9/11 đã tiến hành thẩm định 2 ca khúc Chắc ai đó sẽ về (của Sơn Tùng M-TP) cùng Because I Miss You (Hàn Quốc) và kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về đạo nhạc.

Nhưng kết quả thẩm định này không được sử dụng, thay vào đó Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đề nghị thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan cấp phép cho bài hát Chắc ai đó sẽ về. Điều đáng nói hơn, trong văn bản này, Cục NTBD trích dẫn bản dịch thư điện tử của một công ty quản lý ca sĩ Hàn Quốc: “Chúng tôi nhận thấy tuy có sự tương đồng như về quy trình lập trình, giai điệu… nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề ăn cắp bản quyền đối với bản thu âm này”. Thế mới biết Cục NTBD cũng “sính ngoại”, tin công ty quản lý ca sĩ của Hàn Quốc hơn Hội đồng thẩm định gồm những nhạc sĩ uy tín. Kết quả là các vị nhạc sĩ đáng kính trong Hội đồng thẩm định bị các fan của Sơn Tùng M-TP “ném đá” túi bụi trên các diễn đàn.

Thiếu chuyên nghiệp

Cần nói rõ rằng trong văn bản của Cục đã cho thấy những yếu tố thiếu chuyên nghiệp, nếu không nói rằng trong đó thể hiện thiếu kiến thức âm nhạc. Xin trích dẫn một số chi tiết:

Tên ca sĩ được ghi là “Sơn Tùng - MTP” (thay vì viết đúng là Sơn Tùng M-TP).

“Về hòa âm, bài hát Chắc ai đó sẽ về có ghi ký hiệu hòa âm rõ ràng trên bản nhạc; bài hát Because I Miss You tác giả không ghi ký hiệu hòa âm”. Nói cho đúng chuyên môn là “ký hiệu hợp âm” chứ không phải “ký hiệu hòa âm”. Và muốn so sánh hòa âm thì phải có tổng phổ, còn không có tổng phổ thì phải nghe bản phối được thu âm. Còn nhận xét về hòa âm là: bản nhạc này có ghi ký hiệu hợp âm, bản kia không ghi thì trên thế giới chưa có ai làm.

“Về nhịp điệu, 2 bài cùng sử dụng nhịp điệu slow rock 6/8 với tốc độ nốt đen bằng 48/giây…”. Đây là một sai lầm ấu trĩ, tốc độ (tempo) trong âm nhạc được tính bao nhiêu giá trị hình nốt trong 1 phút chứ không phải giây (ở trường hợp này, nhịp 6/8 là nốt đen chấm chứ không phải nốt đen). Còn trong 1 giây mà với 48 nốt đen thì tốc độ này Paganini sống dậy cũng không thể trình tấu nổi!

Những kết luận thiếu chuyên nghiệp trong văn bản gửi Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL của Cục NTBD

“Về giai điệu hoàn toàn khác nhau”. Nhận xét này trái ngược 100% với Hội đồng thẩm định họp ngày 9/11. Hội đồng này kết luận có đạo nhạc, riêng nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (thành viên hội đồng) cho rằng: “Nghe hai bài hát Chắc ai đó sẽ về và Because I Miss You, tôi thấy giống nhau 80%, kể cả giai điệu và phần beat” (theo news.zing.vn).

Người viết bài này đã cho 2 bản nhạc nói trên phát ra cùng một lúc để nghe: cuối các câu nhạc, đoạn nhạc chúng có cao độ giống nhau; đầu mỗi ô nhịp, đa số có cao độ giống nhau; những cụm 3-4 nốt ở một số cao trào của giai điệu cũng giống nhau. Nhìn chung, sườn chính của giai điệu là giống nhau, âm hưởng chung của 2 ca khúc là “na ná” nhau. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng đây là hình thức “đạo nhạc tinh vi”. Nếu áp dụng nguyên tắc “phai mờ” làm cơ sở thì có thể kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về được sao chép từ ca khúc Because I Miss You, hay nói cách khác là đạo nhạc.

Đến hai hội đồng “đá” nhau

Hội đồng thẩm định do Cục Bản quyền thành lập và tiến hành họp (9/11) để thẩm định 2 ca khúc Chắc ai đó sẽ vềBecause I Miss You có kết luận là ca khúc Chắc ai đó sẽ về đạo nhạc như đã nói trên.

Ngày 5/12, Hội đồng thẩm định do Bộ VH,TT&DL thành lập cũng đã tiến hành thẩm định 2 ca khúc nói trên. Khác với hội đồng họp ngày 9/11, các thành viên của hội đồng họp ngày 5/12 tuyệt đối giữ bí mật, không một ai chia sẻ ý kiến của mình với báo chí. Kết luận của hội đồng này được người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL - ông Phan Đình Tân - công bố như sau: “Trên cơ sở không tiếp tay cho sự xâm phạm bản quyền, xâm phạm luật cùng ý kiến chuyên môn đánh giá về ca khúc Chắc ai đó sẽ về, chúng tôi cho rằng có sự giống nhau nhất định và bị ảnh hưởng từ ca khúc Because I Miss You của Hàn Quốc. Vì vậy, Bộ VH,TT&DL yêu cầu Sơn Tùng M-TP phải thay phần beat. Đồng thời bài hát sẽ lại một lần nữa được đánh giá bởi Hội đồng thẩm định do Bộ VH,TT&DL thành lập mới có thể được cấp phép phát hành” (theo VietnamNet).

Như vậy, lần này không kết luận là đạo nhạc mà chỉ là “có sự giống nhau nhất định và bị ảnh hưởng”. Cũng có thể do lý do để ngôn từ nhẹ nhàng hơn, hoặc “nhẹ tay” với trường hợp một ca sĩ trẻ còn non nớt về phương pháp sáng tác và ý thức bản quyền như Sơn Tùng M-TP. Nhưng điều chắc chắn là ca khúc này không thể chấp nhận được nếu không thay phần beat.

Nếu quan niệm rằng ca khúc là một tác phẩm hoàn chỉnh gồm cả giai điệu, ca từ và phần hòa âm (beat), thì “đạo” beat cũng được xem là đạo nhạc và việc Bộ VH,TT&DL buộc phải thay phần beat cũng hoàn toàn hợp lý.

Nhưng việc xử lý chỉ thay phần beat cũng đồng nghĩa rằng, ca khúc này chỉ “đạo” beat, còn giai điệu thì không có vấn đề gì. Trong lúc Hội đồng thẩm định ngày 9/11 lại kết luận đạo nhạc cả phần beat lẫn giai điệu. Hai hội đồng thẩm định đã “đá” nhau về chuyên môn?

Ngoài ra, hiện nay nhiều báo đưa tin rằng, với ca khúc Because I Miss You, tác giả là ca sĩ Jung Yong Hwa, còn chủ sở hữu ca khúc là nhà sản xuất bộ phim Heartstrings. Nếu điều này là sự thật thì Jung Yong Hwa có quyền “nhân thân” còn nhà sản xuất phim Heartstrings có quyền “kinh tế” (khai thác tác phẩm). Hiện nay tác giả “nhân thân” có xác nhận qua thư điện tử là “không xem đây là vấn đề ăn cắp bản quyền”, nhưng nếu nhà sản xuất khiếu kiện là ăn cắp bản quyền (cả giai điệu và beat) sự việc có lẽ sẽ phức tạp và Hội đồng thẩm định ngày 5/12 chỉ quyết định thay phần beat có bảo vệ được kết luận của mình?

Nhưng điều quan trọng là giới nhạc sĩ được xem là đại diện cho thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ bị mất uy tín: hội đồng này nói có, hội đồng kia nói không (cần biết rằng trong 12 thành viên tổ tư vấn của Hội đồng thẩm định ngày 5/12 có 6 nhạc sĩ sáng tác, trong đó có 3 nhạc sĩ đồng thời là thành viên của Hội đồng thẩm định ngày 9/11).

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›